ClockChủ Nhật, 29/01/2017 21:33

Thế giới trong năm 2017: Lạc quan có cơ sở

TTH - Một năm qua, thế giới đang tiếp tục vận động, phát triển với các mảng màu sáng tối đan xen hết sức phức tạp và dự báo về tương lai của nó là điều không hề dễ dàng.

Các quốc gia tham gia TTP. Ảnh: Internet

 

Điểm sáng hiếm hoi

Bên cạnh những gam màu không mấy sáng sủa, nền kinh tế thế giới năm 2016 vẫn có những dấu hiệu tích cực. Trước hết, châu Á được xem là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm và châu lục này đang dẫn đầu đà phục hồi tăng trưởng nhẹ trên các thị trường mới nổi, có nhiều khả năng sẽ vượt xa mức tăng trưởng trung bình tại các nền kinh tế phát triển. Trong đó, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á đang có đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với mức tăng trưởng trên 7% (Ấn Độ, Philippines), trên 5% (Indonesia)… Mặt khác, Hiệp định TPP đã được ký kết chính thức là một dấu mốc quan trọng, được coi là “thỏa thuận thương mại của thế kỷ 21”, đẩy mạnh sự hội nhập của 12 quốc gia thành viên chiếm 40% GDP và 30% kim ngạch thương mại thế giới, để trở thành một trong những con đường chính điều hành kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, việc ra đời AEC (12/2015) sẽ định hình cấu trúc khu vực mạnh mẽ hơn trong năm 2016.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng trong năm 2016, kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn khi các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…) tiếp tục thể hiện những bất ổn. Vì vậy, hầu hết các định chế tài chính lớn đều hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm này như World Bank, IMF... Do tốc độ tăng trưởng chậm lại, ở các nền kinh tế phát triển, giá hàng hóa nguyên liệu vẫn ở mức thấp, thương mại toàn cầu yếu và dòng vốn bị thuyên giảm, làn sóng phản đối trong nước xuất hiện nhằm vào hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. Thêm vào đó, châu Âu đang phải giải quyết vấn đề về kinh tế liên quan đến làn sóng tị nạn và hệ quả của việc nước Anh - nền kinh tế lớn thứ 2 của khối rời khỏi EU. Bên cạnh đó, IMF còn tỏ ra bi quan hơn về triển vọng tăng trưởng của Nga, Brazil, Trung Quốc... Theo WTO, thương mại thế giới ở trong tình trạng tăng trưởng thấp trong năm (khoảng 2,8 %).

Tính chung, kinh tế thế giới trong năm 2016 tăng trưởng ở mức 2,98%, trong đó Mỹ ở mức 2%, khu vực Eurozone ở mức 1,5% và Trung Quốc là 6,5%.

Đi tìm lời giải cho làn sóng di cư chưa có hồi kết. Ảnh: Internet

Về chính trị và an ninh, quốc phòng, trong năm 2016, về cơ bản, nền hòa bình, an ninh toàn cầu, khu vực vẫn được duy trì bởi sự “vào cuộc” của Liên Hiệp quốc và vai trò của các trung tâm quyền lực, các liên kết quốc tế. Trước hết, một số điểm nóng đã được “hạ nhiệt” phần nào do quan hệ giữa các cường quốc thế giới (Mỹ, Nga, EU, Trung Quốc…) đã được điều chỉnh theo hướng “mềm hóa” hơn. Sự đồng thuận “hiếm hoi” Nga - Mỹ khiến Nghị quyết số 2254 của Liên Hiệp quốc về hòa bình Syria đã được thông qua (12/2015) mặc dầu còn khá nhiều sự bất đồng giữa các bên trong năm 2016 cùng việc phương Tây gỡ bỏ cấm vận và cải thiện quan hệ với Iran (dù còn nhiều thách thức và tiểm ẩn nguy cơ), việc thúc đẩy quan hệ bang giao Mỹ - Cuba với sự kiện Barack Obama là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Cuba vào tháng 3/2016 kể từ năm 1928… đã nói lên điều đó. Tại Ukraine, với các thỏa thuận Minsk và Minsk 2 khiến quan hệ Nga với các nước phương Tây có thể dần được tháo gỡ. Theo cơ quan tình báo Hoa Kỳ, lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ngày càng suy sụp do bị tấn công hàng loạt…

Những bất ổn cần giải quyết

Bên cạnh đó, theo giới phân tích, trong năm 2017, thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn. Trước hết, tuy đang bị thu hẹp, suy yếu, nhưng khả năng IS truyền cảm hứng hoặc tổ chức các cuộc tấn công khủng bố ở nước ngoài cũng như ảnh hưởng của tổ chức này vẫn không nhỏ. IS có thể hồi sinh như Al Qaeda ở Iraq, nếu liên minh do Mỹ dẫn đầu giảm bớt áp lực.

Mặt khác, làn sóng người di cư ồ ạt từ các nước Trung Đông và Bắc Phi tiếp tục đổ vào châu Âu gây ra hậu quả tiêu cực về an ninh, kinh tế - xã hội cho nhiều nước châu Âu và thế giới, đồng thời tạo nên sự bất đồng về chính sách ứng phó trong nội bộ EU cũng như đi tìm lời giải vẫn chưa có hồi kết.

Một vấn đề bất ổn đang được dư luận quan tâm theo dõi trong hơn hai năm gần đây là việc tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông giữa các nước, vùng lãnh thổ, trong đó, nhân tố gây quan ngại lớn nhất chính là Trung Quốc.

Về dự báo kinh tế năm 2017, theo OECD, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng 3,3%, cao hơn so với mức dự kiến 3,2% đưa ra hồi tháng 9/2016, tuy nhiên có sự tăng trưởng không đồng đều giữa các nước, các khu vực. Mặc dù kinh tế thế giới vẫn đứng trước những bất ổn sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit), OECD vẫn quyết định nâng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, trong đó, các biện pháp kích cầu và sự tiến triển của chính sách thương mại đóng vai trò quan trọng. Với nhóm BRICS, bước tái khởi động phục hồi cần có thời gian. Còn những nước đang phát triển đạt được thành tích ấn tượng nhất và đạt mức tăng trưởng khoảng từ 5 - 7% là những nước nhập khẩu nguyên liệu thô…

Một vấn đề cũng được dư luận quốc tế hết sức quan tâm là những chuyển động trong chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Donald Trump trong năm mới 2017 này vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu cũng như các khu vực do vị thế quan trọng của nước Mỹ.

Donal Trump trở thành tân Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP

Về chính trị và an ninh, quốc phòng, trong năm 2017, thế giới vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều cuộc xung đột. Những điểm nóng nếu không xử lý tốt sẽ có thể tiếp tục kéo dài và gây nên những hậu quả khôn lường, thậm chí tạo nên những “hiệu ứng domino” bùng phát cả khu vực. Ở châu Á - Thái Bình Dương, giải pháp tốt nhất cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông để cùng phát triển kinh tế và quan hệ ngoại giao giữa các nước chung Biển Đông là phải phân chia vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo UNCLOS 1982. Cách thức này đòi hỏi sự cần thiết phải sớm ban hành COC trong việc gác tranh chấp, cùng nhau khai thác, sử dụng Biển Đông trong hòa bình, công bằng và bình đẳng.

Nhìn một cách tổng quát, bức tranh thế giới 2016 tuy vẫn còn những thách thức mới nảy sinh hoặc do năm cũ để lại nhưng sự xuất hiện những nhân tố mới phản ánh xu thế khách quan của thời đại vẫn khiến cho sự lạc quan và kỳ vọng vào năm mới 2017 là có cơ sở. Tuy nhiên, điều đó chỉ trở thành hiện thực khi có sự nỗ lực, chung tay khắc phục những thách thức, khó khăn của cả loài người tiến bộ, đặc biệt là vai trò của các cường quốc, nước lớn và các tổ chức quốc tế, khu vực quan trọng.

PGS.TS. Hoàng Văn Hiển - Hoàng Nguyễn Linh Chi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não

Trong một động thái lịch sử, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, Nigeria đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai loại vaccine 5 trong 1 mới “mang tính cách mạng” chống viêm màng não, nhằm bảo vệ con người, chống lại 5 chủng vi khuẩn não mô cầu chính là A, C, W, Y và X.

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não
Tín hiệu lạc quan với bóng đá trẻ Huế

Bóng đá trẻ Huế đang có những bước tiến bộ đáng ghi nhận. Đó là nền tảng để chờ đợi sự bứt phá trong tương lai của bóng đá tỉnh nhà. Vòng chung kết U19 Quốc gia 2024 đã khép lại, nhưng dư âm của giải đấu này vẫn đọng lại với bóng đá Huế.

Tín hiệu lạc quan với bóng đá trẻ Huế
Return to top