ClockThứ Tư, 27/06/2018 12:26

Thí sinh thoải mái sau bài thi tổ hợp khoa học xã hội

TTH.VN - Sáng 27/6, các thí sinh ở cụm thi tỉnh Thừa Thiên Huế bước vào ngày thi cuối cùng, kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia – 2018 với bài thi tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) gồm các môn lịch sử, địa lý và giáo dục công dân; thời gian làm bài mỗi môn 50 phút, hình thức trắc nghiệm.

Thí sinh “thở phào” với đề ngoại ngữThí sinh vùng núi đi thiThí sinh than không đủ thời gian làm bài

Cán bộ coi thi tìm chỗ ngồi cho thí sinh đến sau (khi các thí sinh khác đã được gọi vào phòng thi)

So với tổ hợp khoa học tự nhiên, tổ hợp khoa học xã hội được nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký dự thi hơn nên các điểm trường thi sáng nay cũng đông hơn sáng 26/6. Vì dung lượng kiến thức lý thuyết nhiều nên từ sáng sớm nên không ít thí sinh đến trường thi sớm để ôn lại kiến thức, nhất là môn lịch sử. Ngọc Ngân, ở điểm thi Trường THPT Cao Thắng chia sẻ: “Em lo nhất là môn lịch sử vì lý thuyết nhiều và khó nhớ, nhất là các mốc thời gian. Môn thi này lại là môn thi đầu tiên nên có phần áp lực”.

Trong buổi thi này, có khá nhiều phụ huynh ở các xã miền núi về tận điểm thi tại TP. Huế để động viên con. Anh A Viết Nưl, phụ huynh thí sinh A Viết Thị Sen thi ở điểm Trường THPT Chuyên Quốc học tâm sự: “Từ sáng sớm, tôi đã phải chạy từ A Roàng về đây. Dù con tôi học Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh và từ đầu kỳ thi đã có mẹ cháu về hỗ trợ, nhưng hôm nay là buổi thi cuối nên tôi nghĩ cần có cả ba và mẹ để động viên con. Để có mặt tại đây, tôi đã xin nghỉ làm một ngày”.

Nhóm phụ huynh ở A Lưới về điểm thi để động viên con ở buổi thi cuối 

Trái ngược với tâm trạng lo lắng trước khi thi, sau khi tiếng trống hết giờ làm bài vang lên, nhiều thí sinh ra về với tâm trạng khá thoải mái. Không ít thí sinh cho rằng có thể đạt trên điểm trung bình ở các môn thi này. Phan Thị Diệu Hằng, thi ở điểm Trường THPT Cao Thắng chia sẻ, trong 3 môn thì địa lý và giáo dục công dân có đề dễ hơn. Thí sinh chỉ thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp cũng có thể làm được. “Đề địa lý tập trung vào phần kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp. Có khoảng 10 câu sử dụng Atlat Việt Nam là làm được”, Hằng nói.

Với môn lịch sử, nhiều thí sinh cho rằng điểm thuận lợi cho người làm bài là đề không bắt thí sinh phải nhớ quá nhiều thời điểm, mốc thời gian. Song, điểm khó là kiến thức trải dài các giai đoạn lịch sử, phạm vi đề ra khá rộng nên cần thí sinh phải học kỹ và đầy đủ kiến thức trong chương trình. “Em có thế mạnh về khối C, khả năng làm được 8 điểm. Đề có khoảng 6 câu lớp 11; 8 câu của thế giới và còn lại chương trình lớp 12. Em nghĩ các bạn học tốt lịch sử có thể làm được 7 – 8 điểm”, thí sinh Nguyễn Chí Hào nói.

Ở môn giáo dục công dân, nhiều thí sinh cho biết, đề chủ yếu ra tình huống, thí sinh vận dụng kiến thức được học là có thể hoàn thành tốt. Tuy nhiên, cũng cần phải tỉnh táo và đọc kỹ đề vì các tình huống có tính chất đánh đố thí sinh, nếu không suy nghĩ kỹ rất dễ chọn nhầm đáp án.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết môn lịch sử có 7.711 thí sinh đăng ký dự thi; môn địa lý có 7.532 thí sinh đăng ký, môn giáo dục công dân có 7.111 thí sinh đăng ký. Tại buổi thi này, môn lịch sử có 45 thí sinh vắng mặt; môn địa lý vắng 37 thí sinh và môn giáo dục công dân vắng 25 thí sinh. Không có thí sinh vi phạm quy chế thi. 

Sau buổi thi sáng nay, các thí sinh đã hoàn thành kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia – 2018.

* Một số hình ảnh trong buổi thi cuối cùng được Thừa Thiên Huế Online ghi lại: 

Đến trường thi sớm để ôn lại kiến thức trước khi chính thức bước vào buổi thi

Ở buổi thi này, cán bộ coi thi kiểm tra rất kỹ Atlat địa lý khi thí sinh mang vào phòng thi

Thí sinh nhanh chóng điền thông tin vào giấy bài làm

Cùng nhau dò lại đáp án và vui cười với một buổi thi thành công

Tin, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

Điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế là các trường thành viên, khoa trực thuộc mở rộng sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá năng lực (ĐGNL), do Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh
Gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đại học đợt 1

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có hơn 610.000 thí sinh đã trúng tuyển trong đợt 1 xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Con số này chiếm tỷ lệ gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng năm 2023.

Gần 93 thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đại học đợt 1
Return to top