ClockThứ Ba, 26/06/2018 12:25

Thí sinh vùng núi đi thi

TTH.VN - Mặc dù thí sinh vùng cao, biên giới A Lưới vui mừng khi được thi tại chỗ, nhưng với những thay đổi, điều chỉnh trong quy chế thi THPT Quốc gia năm 2018, các sĩ tử ở miền núi nơi đây gặp khó khăn hơn so với kỳ thi trước.

Bước ra khỏi phòng thi sau buổi thi đầu tiên trong ngày thi thứ hai với nét âu lo, em Hồ Viết Thị Bích Duyên, lớp 12B2, Trường THPT A Lưới chia sẻ: Cấu trúc đề thi của năm nay khó hơn, phân hóa cao hơn nên để đạt được điểm thi cao là rất khó đối với học sinh miền núi chúng em. Mặc dù trước đó, từ đầu học kỳ 2, ngoài học chương trình chính khóa lớp 12, chúng em đã được ôn lại chương trình lớp 11.

Cùng nhận định đó, thí sinh Hồ Thị Chang, sĩ tử đến từ xã Hồng Bắc, bảo rằng: “Trong quá trình ôn thi, em vẫn làm thử các bài thi theo dạng đề thi minh họa và đề thi như kỳ thi năm 2017. Tuy nhiên, đề thi năm nay có nhiều thay đổi trong việc thêm các câu hỏi mang tính phân loại. Những thay đổi này em chưa được làm quen nên bị áp lực tâm lý trong quá trình thi”.

Thí sinh A Lưới gặp nhiều khó khăn bởi cấu trúc đề thi năm nay khó hơn, phân hóa cao hơn

Cô Đàm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT A Lưới, Trưởng điểm thi tại đây, cho biết: Thay đổi lớn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 là điểm ưu tiên theo vùng miền giảm so với năm 2017. Những năm trước, điểm cộng ưu tiên tối đa đối với khu vực miền núi và học sinh đồng bào dân tộc thiểu số là 3,5 điểm, thì năm nay giảm còn 2,5 điểm. Bên cạnh đó, theo cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay có cả chương trình lớp 11, vì thế trước kỳ thi này nhà trường phải ôn thi cho học sinh nhiều hơn, rộng hơn.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, giống như nhiều thí sinh ở thành thị, miền xuôi, thí sinh ở A Lưới cũng trải qua 24 mã đề thi trắc nghiệm mỗi môn. Vì vậy, thí sinh buộc phải trau dồi kiến thức, luyện đề để nhuần nhuyễn tất cả các dạng bài tập. Đây là khó khăn, trở ngại lớn đối với các thí sinh vùng miền núi bởi khả năng lĩnh hội kiến thức của con em đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế.

Theo thầy Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Vân, những thay đổi trong quy chế kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 là trở ngại lớn đối với thí sinh của trường. Vì thế, trước kỳ thi này, để giúp học sinh khối 12 củng cố kiến thức, ngoài việc chọn cử thầy, cô giáo có chuyên môn vững để hướng dẫn, kèm cặp học sinh, nhà trường tổ chức lịch học hợp lý, xây dựng chương trình, nội dung kiến thức phù hợp với từng đối tượng học sinh, buổi sáng dạy chính khóa, chiều ôn tập, luyện thi nhằm đảm bảo cho các em kỹ năng làm bài và tự tin bước vào kỳ thi.

Bố trí chỗ trọ cho thí sinh ở xa nghỉ lại và ôn tập bài vở

Cùng với các đơn vị trường học, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức trên địa bàn huyện A Lưới đã cùng vào cuộc hỗ trợ, giúp đỡ thí sinh và người nhà thí sinh nhằm giảm bớt áp lực, khó khăn đối với các sĩ tử. Để tạo điều kiện thuận lợi, Huyện đoàn A Lưới đã phối hợp tổ chức chương trình tiếp sức mùa thi (TSMT) với các hoạt động ý nghĩa như hỗ trợ cơm ăn, thức uống, hướng dẫn chỗ nghỉ trưa và chỗ ngủ qua đêm miễn phí cho thí sinh và người nhà thí sinh đến từ các xã xa trung tâm thị trấn, xa điểm thi. Địa điểm nghỉ qua đêm được bố trí thuận lợi ở Trường mầm non Hoa Ta Vai, Trường mầm non Hoa Đỗ Quyên và một số nhà dân gần điểm thi.

Em Viên Văn Thơ, ở xã A Roàng (xã biên giới xa xôi nhất của huyện A Lưới) bày tỏ: “Ngoài nỗi lo về đề thi, những thí sinh ở xa như em còn gặp khó khăn về chỗ ăn, chỗ ở trong quá trình thi cử. Tuy nhiên, đến đây dự thi, em được các anh chị trong Đội TSMT của Huyện đoàn giúp đỡ rất tận tình, hướng dẫn địa điểm thi, bố trí chỗ trọ qua đêm miễn phí gần điểm thi, hỗ trợ cho em và người nhà các suất ăn miễn phí, nước uống; đưa đón bằng xe máy nên em cảm thấy giảm bớt khó khăn, áp lực…”.

Hỗ trợ cho các sĩ tử sữa uống sau giờ thi 

Anh Trần Toàn, Bí thư Huyện đoàn A Lưới cho biết: “Đây là lần thứ hai Huyện đoàn huy động gần 40 cán bộ, đoàn viên, thanh niên của huyện tổ chức TSMT, phục vụ kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Ngoài huy động hỗ trợ 2.000 ổ bánh mì, 2.000 bịch sữa hộp, 1.000 chai nước suối, 500 xuất cơm trưa, hàng nghìn chai sữa đậu nành…, Huyện đoàn còn thành lập đội hình xe ôm tình nguyện với 20 thành viên để giúp đưa đón các sĩ tử nhằm giảm bớt khó khăn cho các thí sinh ở xa đến tham gia kỳ thi này.

Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế, phân luồng đảm bảo an toàn giao thông cho thí sinh và phụ huynh tham dự kỳ thi; công tác đảm an ninh trật tự, phương án dự phòng khi có sự cố xảy ra… cũng đã được chuẩn bị nghiêm túc và chu đáo. Các ngành chức năng như Công an, điện lực, y tế huyện… có kế hoạch đảm bảo phục vụ kỳ thi theo đúng trách nhiệm, chức năng của mình để Kỳ thi THPT quốc gia năm nay diễn ra ở A Lưới an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin
Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

Điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế là các trường thành viên, khoa trực thuộc mở rộng sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá năng lực (ĐGNL), do Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh
Tăng cường phối hợp tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề

Chiều 3/3, Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức hội nghị về công tác tuyển sinh và định hướng phân luồng học sinh trung học cơ sở năm 2024. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các sở ngành; lãnh đạo Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và ban giám hiệu của 23 trường trung học cơ sở từ nhiều địa phương.

Tăng cường phối hợp tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề

TIN MỚI

Return to top