ClockThứ Ba, 04/10/2016 09:39

Thi THPT Quốc gia năm 2017: Lo lắng câu hỏi trắc nghiệm ở bài tổ hợp

Nhiều chuyên gia, lãnh đạo các trường quan tâm là câu hỏi trắc nghiệm của các môn trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội…

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố chính thức phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, một số chuyên gia và trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông bày tỏ đồng tình với phương án thi này. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến băn khoăn, lo lắng về chất lượng khi tăng câu hỏi trong bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.

Phương án chính thức về tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 28/9 được một số chuyên gia, trường đại học, cao đẳng đánh giá là đã tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các trường và xã hội. Phương án tổ chức cụm thi ở tất cả các tỉnh, thành phố sẽ tạo điều kiện cho thí sinh không phải di chuyển quá xa, thời gian thi chỉ còn 2 ngày sẽ giảm tốn kém, giảm áp lực cho thí sinh.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016

Giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá, phương án thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo với việc tổ chức thi 5 bài đã bám sát định hướng đổi mới, nhắm đến mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học. Nội dung đề thi giới hạn trong chương trình phổ thông, chủ yếu là kiến thức lớp 12 cũng phù hợp với lộ trình chuyển đổi hình thức thi.

Giáo sư Đào Trọng Thi cho biết: “Thi những bài thi tổ hợp cũng có cái tốt, đúng là các em không học lệch, các em phải học đầy đủ các môn học. Em nào chuẩn bị theo khối thi truyền thống rồi thì thực ra các em chỉ học thêm 1 môn nữa.

Thay vì Toán, Lý, Hóa thì bây giờ phải học thêm Sinh; thay vì Toán, Hóa, Sinh thì học thêm Lý. Nhưng cái đó là cần thiết vì chúng ta đang giáo dục toàn diện, phát triển toàn diện năng lực phẩm chất của học sinh. Bởi vậy, các em có học thêm một môn nhưng mà chúng ta được một cái lớn hơn là các em không học lệch, các em được giáo dục một cách toàn diện”.

Những điểm thay đổi về kỹ thuật trong khâu tổ chức thi so với dự thảo như: tăng số câu hỏi trong mỗi môn thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, tăng thời gian làm bài... được nhiều trường đại học đánh giá là đảm bảo kiểm tra được kiến thức, đáp ứng được yêu cầu vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Ông Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi cho biết, việc quy định rõ thời gian, quy trình làm bài của mỗi môn thành phần trong bài thi tổ hợp sẽ giảm được tình trạng thí sinh tập trung toàn bộ thời gian vào làm môn thành phần mà các em dự kiến dùng để xét tuyển đại học.

Về phía các trường cũng xét tuyển theo điểm bài thi tổ hợp, hoặc điểm mỗi môn thành phần mà không gặp khó khăn: Tăng số lượng câu hỏi lên sẽ gúp cho việc đánh giá năng lực của các em được tốt hơn. Bộ vẫn tổ chức thi môn tổ hợp theo các mô đun của môn truyền thống thì sẽ thuận lợi cho các thí sinh, giúp cho các em không quá bỡ ngỡ, thứ 2 là giúp cho các trường trong công tác tuyển sinh, tức là vẫn có thể tuyển theo khối thi truyền thống được. Trường nào muốn sử dụng kết quả tổ hợp, xét tuyển theo khối bình thường.

Băn khoăn nhất là câu hỏi trắc nghiệm trong bài tổ hợp

Ông Lê Vinh, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Đà Nẵng cho rằng, phương thức thi trắc nghiệm với các môn Toán và Khoa học xã hội sẽ đánh giá được năng lực học sinh. Tuy nhiên, điều ông Lê Vinh băn khoăn là bài thi tổ hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên có quá nhiều câu hỏi có thể tạo tâm lý mệt mỏi cho thí sinh và hiệu quả làm bài không tốt.

“Tổ hợp môn tự nhiên và xã hôi, dự thảo là 60 câu hỏi trong mỗi nhóm, hiện Bộ Giáo dục tăng lên 120 câu hỏi mỗi nhóm. Nếu như 120 câu hỏi mỗi nhóm như vậy mà thực hiện trong vòng 150 phút thì tôi nghĩ là với học sinh phổ thông là có áp lực, sợ về mặt sinh lý là không chịu nổi.

Vì đọc cho được 120 câu hỏi, với mỗi câu hỏi 4 phương án, nếu như những phương án mà đưa ra mà dài nữa thì học sinh làm những đoạn đầu hiệu quả, nhưng những đoạn sau vì các em tư duy bắt đầu mệt mỏi rồi thì tôi nghĩ những câu hỏi sau chất lượng sẽ không cao”.

Một vấn đề mà nhiều chuyên gia, lãnh đạo các trường quan tâm đó là câu hỏi trắc nghiệm của các môn trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội sẽ như thế nào để có thể đánh giá được học sinh, nhưng không làm học sinh học tủ, học thuộc lòng, hoặc ghi nhớ máy móc.

Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, môn Lịch sử có thể thi trắc nghiệm, nhưng việc ra đề thi như thế nào thì cần phải tính toán, cân nhắc: Vấn đề quan trọng bậc nhất là thi trắc nghiệm như thế nào đó, với hệ thống câu hỏi như thế nào đó để không biến môn Sử thành ra môn chỉ đo kiến thức.

Hỏi để đánh giá được trình độ hiểu biết thực chất của học sinh, tức là tư duy Sử học, mà về phương diện này thì câu hỏi trắc nghiệm là cực kỳ khó. Cái mà tôi chờ đợi là Bộ sớm đưa ra một số ví dụ và nguyên tắc ra câu hỏi trắc nghiệm như thế nào”.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi chính thức, các trường đại học, cao đẳng, trường phổ thông và học sinh mong muốn Bộ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn và Quy chế thi để các trường, thí sinh có thời gian làm quen với phương thức thi mới, các trường đại học có thể xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp.

Đến thời điểm này, hầu hết các trường đại học đều sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển sinh, chưa tính đến tổ chức phương án thi và xét tuyển riêng, để giảm bớt vất vả cho thí sinh.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Điều em muốn nói”

“Em ước gia đình em hạnh phúc, không có cãi vã, ba mẹ em dễ tính”. “Con muốn gia đình không có bạo lực”. Đó là hai trong số hàng trăm lời nhắn gửi được đính lên Cây mong ước trong chương trình Vòng tay yêu thương.

“Điều em muốn nói”
Thời tiết thất thường, nông dân làng rau lo “mất” tết

Thời tiết mưa lạnh kéo dài, ít nắng cùng với sự ảnh hưởng của đợt mưa lũ tháng 10 khiến cho phần lớn diện tích rau gieo trồng cho dịp tết tại thôn Thành Trung (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) bị hư hại nặng. Nông dân như “ngồi trên đống lửa” vì Tết Nguyên đán đang cận kề.

Thời tiết thất thường, nông dân làng rau lo “mất” tết
Return to top