ClockThứ Bảy, 29/10/2016 13:59

Thị trường tài chính: Minh bạch thông tin cao để giảm “rủi ro bầy đàn”

Thị trường tài chính Việt Nam khi hội nhập, bên cạnh chủ động tăng năng lực cạnh tranh, cần minh bạch thông tin để giảm thiểu rủi ro.

Theo TS. Bùi Tín Nghị, Giám đốc Học viện Ngân hàng, hầu như không có cơ hội lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận một thực tế hiển nhiên là chúng ta phải bị cuốn theo cơn lốc toàn cầu hóa tài chính. Những tiến bộ trong hệ thống thông tin và những phát triển vượt bậc trong các dịch vụ tài chính đã làm cho toàn cầu hóa tài chính là không thể tránh được. Vấn đề ở chỗ là chúng ta sẽ quyết định hội nhập như thế nào, lựa chọn những chính sách nào để mang lại lợi ích cho nền kinh tế và tránh được những cuộc khủng hoảng tiềm tàng. 

Hội nhập quốc tế đem đến cả thách thức và cơ hội cho hệ thống tài chính VN (Ảnh minh họa: KT)

Tín hiệu “đèn vàng”

“Việt Nam cần tăng cường vai trò và hoạt động hợp tác của các cơ quan quản lý, giám sát. Việc thành lập một Hội đồng các Cơ quan Giám sát Tài chính ở Việt Nam là hoàn toàn khả thi khi mà các cơ quan giám sát được nói đến ở trên đều trực thuộc Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ, ngoại trừ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia là cơ quan chịu sự quản lý trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Một tổ chức chung như vậy có thể giúp cho các cơ quan quản lý có được sự liên kết chặt chẽ và hoạt động trao đổi thông tin trong các vấn đề về chính sách đối với lĩnh vực tài chính và các định chế tài chính.”- TS. Bùi Tín Nghị, Giám đốc Học viện Ngân hàng

Tại hội thảo khoa học Quốc tế “Phát triển bền vững thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Học viện Ngân hàng tổ chức, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam đã và đang từng bước nới lỏng dần các quy định trong lĩnh vực tài chính, thực hiện các cam kết theo đúng lộ trình. Việc hạ thấp các rào cản gia nhập thị trường và cho phép chào bán các dịch vụ tài chính mới sẽ làm các chủ thể đầu tư cũng như chủng loại hàng hóa, kênh đầu tư trên thị trường tài chính ngày càng đa dạng hơn, tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn cho tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam hiện tại đang phải đối diện với những thách thức không nhỏ từ quá trình hội nhập quốc tế. Bởi hiện nay, diễn biến thị trường tài chính toàn cầu vẫn chứa đựng nhiều bất ổn khó lường khi các nền kinh tế phục hồi chậm, các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm lại, sự suy giảm của thị trường hàng hóa, sự co hẹp của thanh khoản toàn cầu trước lo ngại về việc dừng các biện pháp nới lỏng tiền tệ, dòng vốn đầu tư dịch chuyển khó lường…

Theo ông Jonathan Dunn, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam đang có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tương đối cao so với các quốc gia khác do hệ thống tài chính phụ thuộc nhiều vào ngành ngân hàng, trong khi lợi nhuận ngân hàng còn thấp. Nên IMF coi đây là tín hiệu “đèn vàng” mà Việt Nam cần hết sức chú ý.

Còn chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, nhìn nhận, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam nhìn chung không cao. Các ngân hàng đang áp dụng theo tiêu chuẩn Basel I nên CAR là 11%, nhưng nếu lên Basel II theo lộ trình mà Ngân hàng Nhà nước đang đề ra, thì CAR giảm xuống còn 7,8-8%, vừa không đạt mức tối thiểu 9% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, vừa gây rủi ro bởi các ngân hàng hiện có vốn mỏng, tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) chỉ đạt mức 0,6%. Vì vậy, nếu tăng trưởng tín dụng quá nhanh, mà không có sự kiểm soát tốt sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống tổ chức tín dụng.

Còn TS. Đào Minh Phúc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đánh giá mặc dù số lượng ngân hàng ở nước ta hiện nay là khá nhiều, tuy nhiên tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt còn cao, thanh toán qua ngân hàng chưa nhiều, số tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng cũng chưa nhiều. Điều này cũng đã tạo những khó khăn trong hoạt động của các NHTM, đồng thời cũng gây khó khăn cho NHNN trong quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng ngân hàng và khó khăn trong điều hành và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia. Bên cạnh đó, mạng lưới ngân hàng phân bổ chưa đồng đều, hầu hết các NHTM tập trung ở các thành phố lớn, sự có mặt của các NHTM ở các tỉnh lẻ, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa là rất ít. Điều này làm việc phát triển kinh tế đồng đều giữa các khu vực, vùng miền ở Việt nam là rất khó khăn.

Phải giảm thiểu “rủi ro bầy đàn”

“Cần đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, giảm tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước; Xử lý kiên quyết, dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém và đẩy mạnh cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước mua lại; Triển khai biện pháp phá sản đối với một số tổ chức tín dụng yếu kém không có khả năng tự tái cơ cấu mà việc phá sản không ảnh hưởng lớn đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng và thị trường tiền tệ”- TS. Nguyễn Tiến Đông, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Để tận dụng các cơ hội cũng như vượt qua những khó khăn, thách thức từ tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế, các chuyên gia khuyến nghị cần sớm có các giải pháp phát triển thị trường tài chính một cách đồng bộ, kịp thời, hài hòa từ tất cả các bên có liên quan tham gia trên thị trường tài chính nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các chủ thể nội địa trên thị trường tài chính Việt Nam trong môi trường kinh doanh mới ngày càng phức tạp.

Theo TS. Bùi Tín Nghị, điều kiện tiên quyết để tham gia thị trường tài chính quốc tế thành công là phải có một khung pháp lý tài chính lành mạnh, đặc biệt là một vị thế tài chính vững chắc; không có những biến dạng lớn trong giá cả do chính sách bảo hộ quá mức. Rủi ro bầy đàn sẽ được giảm thiểu trong một thị trường tài chính có tính minh bạch thông tin cao.

Hơn nữa, theo ông Nghị, phải xây dựng được chính sách kiểm soát được dòng vốn để cho các nhà đầu tư nắm bắt. Một khi được kết hợp với những chính sách kinh tế vĩ mô khác, kiểm soát vốn sẽ làm thay đổi một cách hợp lý kết cấu của dòng vốn chảy vào theo hướng chúng ta ngầm khuyến khích các dòng vốn dài hạn, từ đó hạn chế rủi ro bay hơi tài chính và vỡ nợ.

Gắn với hội nhập tài chính thì các nguy cơ gây bất ổn thị trường luôn thường trực, cho nên, theo PGS.TS. Kiều Hữu Thiện, Học viện Ngân hàng, bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường thực lực tài chính của hệ thống tài chính, Chính phủ cần nâng cao năng lực ứng phó với các diễn biến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường tài chính thông qua tăng cường sự phối kết hợp với các định chế tài chính quốc tế trong dự báo cũng như can thiệp thị trường tài chính.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top