ClockChủ Nhật, 20/11/2016 14:20
Kinh doanh xăng dầu 2 năm theo Nghị định 83:

Thị trường xăng, dầu giá giảm nhiều hơn tăng

Trong 2 năm thực hiện Nghị định 83 số lần giảm giá xăng, dầu là chủ yếu nhưng còn chưa tương xứng với mức độ giảm của thế giới.

Có hiệu lực từ ngày 1/11/2014, Nghị định 83/QĐ-TTg (thay thế Nghị định 84/QĐ-TTg) về kinh doanh xăng, dầu đã khiến thị trường có nhiều chuyển biến tích cực. Xăng dầu ít có biến động bất thường về giá khi đây là mặt hàng thiết yếu, đầu vào quan trọng của nhiều ngành kinh tế cũng như tiêu dùng của người dân.

Giá xăng, dầu giảm là chủ yếu

Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, có được điều đó là bởi “may mắn” nhiều hơn năng lực điều hành. May mắn đầu tiên và bản chất nhất thuộc về yếu tố giá dầu. Bởi lẽ, giá dầu thô 2 năm qua  liên tục giảm sâu và giá xăng, dầu thành phẩm cũng luôn ở mức thấp.

Nhà nước quyết định giá bán lẻ xăng dầu là hoàn toàn phù hợp với định chế của quản lý kinh tế thị trường. (Ảnh minh họa: KT)

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, kể từ khi Nghị định 83 có hiệu lực đến nay, số lần điều chỉnh giá xăng, dầu giảm là chủ yếu. Dự báo cho thấy, giá dầu trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục ổn định ở mức thấp từ nay đến năm 2020.

“Khi nguồn cung dầu mỏ dồi dào, các chính sách khai thác và tiêu thụ nguồn năng lượng này của nhiều quốc gia có sự thay đổi khiến giá dầu giảm sẽ là cơ hội cho cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, điều hành”, TS. Lê Đăng Doanh cho biết.

Phân tích về mặt thị trường, PGS. TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, giá xăng, dầu ở Việt Nam đã tuân thủ theo nguyên tắc thị trường khi thị trường xăng, dầu còn có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường, Nhà nước đã không để cho doanh nghiệp tự định giá. Trên cơ sở xác định giá cơ sở, Nhà nước quyết định giá bán lẻ là hoàn toàn phù hợp với định chế của quản lý kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, giá xăng, dầu Việt Nam đã dựa trên cơ sở giá thế giới và các sắc thuế cũng như mức trích/xả quỹ bình ổn giá xăng, dầu (Quý BOG). Đồng thời, căn cứ vào định mức chi phí kinh doanh và mức lợi nhuận hợp lý để quyết định giá cơ sở - căn cứ để điều hành giá bán lẻ theo chu kỳ 15 ngày.

“Về cơ bản giá bán lẻ xăng, dầu của Việt Nam đã phù hợp với cơ chế giá thị trường, phù hợp với giá thế giới. Tuy nhiên, mức độ tăng/giảm - đặc biệt là mức độ giảm vẫn còn chưa tương xứng với mức độ giảm của thế giới”, PGS.TS. Ngô Trí Long chỉ rõ.

Vẫn còn những điều “đáng tiếc”

Theo PGS. TS Ngô Trí Long thì trong điều hành giá xăng dầu dù đã có công khai nhưng chưa minh bạch. Khi Nghị định 83 có hiệu lực, quyền công bố, điều hành giá xăng, dầu được chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương, các thông tin về quỹ BOG, giá cơ sở xăng, dầu đã được thông tin công khai. Nhưng minh bạch là phải phản ánh đúng, đảm bảo đúng những công bố đó một cách chính xác.

PGS.TS. Ngô Trí Long dẫn chứng, trong quá trình điều hành giá xăng dầu, vẫn còn hiện tượng “quên, thiếu, nhầm” một số khoản thuế, phí tính trên mỗi lít xăng, dầu.

Có hai điều “đáng tiếc” đã xảy ra là: Việc áp dụng tính thuế nhập khẩu xăng, dầu ở mức cao nhất đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng hơn 3.500 tỷ đồng, đối tượng được hưởng lợi là các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu. Việc tính thiếu một khoản thuế tiêu thụ đặc biệt gây thiệt hại cho doanh nghiệp hơn 163 tỷ đồng.

Cụ  thể với trường hợp tính thuế nhập khẩu, do Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, mỗi nước lại áp dụng các mức thuế khác nhau: Thuế thông thường, thuế ưu đãi và thuế ưu đãi đặc biệt, với mức áp dụng từ 0-5-10-20%. Việt Nam nhập khẩu xăng, dầu ở mỗi nước với một khối lượng khác nhau và áp dụng mức cao nhất đối với xăng, dầu Dung Quất. Điều này đã “làm khó” sản xuất xăng, dầu trong nước cũng như cách tính giá cơ sở xăng, dầu.

Để sửa sự không phù hợp này, Bộ Tài chính đã áp dụng cách tính thuế nhập khẩu theo hình thức “thuế bình quân gia quyền” để tính giá cơ sở. Lấy mức bình quân gia quyền các mức thuế nhập khẩu ưu đãi, theo thực tế hàng hóa nhập khẩu từng quý, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau.

“Cách tính thuế bình quân gia quyền rối rắm, dễ gây hiểu lầm bởi sự phức tạp trong khi người dân vốn nghi ngại về sự không rõ ràng, thiếu minh bạch. Thuế nhập khẩu bình quân gia quyền còn không phản ánh đúng quy luật của thị trường. Sự biến động giá xăng, dầu trong nước khi đó sẽ phụ thuộc vào lượng xăng dầu nhập khẩu vào nội địa, không còn phụ thuộc vào sự biến động giá trên thị trường thế giới”, PGS.TS. Ngô Trí Long chỉ rõ.

Đối với việc tính sai trong thuế tiêu thụ đặc biệt, do Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt chậm hơn 12 ngày, nên đã “quên” không tính vào giá cơ sở, làm cho giá cơ sở thấp hơn giá bán gần 200 đồng/lít.

“Điều này do chính các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu phát hiện và báo “thiệt trên 163 tỷ đồng” sau 3 lần điều hành giá liên tiếp từ kỳ giữa tháng 7-8/2016”, PGS.TS. Ngô Trí Long nêu rõ.

Cũng theo PGS.TS. Ngô Trí Long, hiện vẫn còn nhiều khoản thuế chồng thuế, phí: “Đơn cử, hiện nay mỗi lít xăng đang phải chịu 3.000 đồng thuế môi trường, nhưng lại đánh thuế đánh thuế tiêu thụ đặc biệt trên 10% của khoảng 3.000 đồng đó. Bất cập nhất là Quỹ BOG là tiền mà người tiêu dùng ứng trước ra để lập quỹ dự phòng khi có rủi ro biến động về giá, nhưng lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% trên quỹ đó là không thể chấp nhận được”.

Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu xác định rõ 3 mục tiêu cụ thể: Giá bán xăng, dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; Công khai, minh bạch trong điều hành giá và kinh doanh xăng, dầu; Phát triển thị trường xăng sinh học - mặt hàng chiến lược góp phần bảo vệ môi trường và chủ động nguồn cung trong nước.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá xăng tăng, giá dầu giảm

Từ 15h hôm nay (28/3), mỗi lít xăng tăng 410 - 530 đồng, trong khi các mặt hàng dầu (trừ mazut) giảm 320 - 390 đồng tùy loại.

Giá xăng tăng, giá dầu giảm
VPI dự báo giá xăng tăng trên 2% trong kỳ điều hành ngày 21/3

Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày 21/3, giá bán lẻ xăng dầu dự báo sẽ tăng từ 0,7 - 3,8% và Liên bộ Tài chính - Công Thương có thể sẽ tiếp tục trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut.

VPI dự báo giá xăng tăng trên 2 trong kỳ điều hành ngày 21 3
Giá vé máy bay tăng, doanh nghiệp lo khó làm tour nội địa

Nhiều doanh nghiệp lữ hành đang lo ngại về thị trường tour nội địa, khi trần giá vé máy bay nội địa điều chỉnh tăng từ ngày 1/3/2024. Nỗi lo lớn nhất là lượng khách nội địa sẽ sụt giảm khi sắp vào mùa du lịch và doanh nghiệp cũng dè dặt hơn trong việc “ôm” vé giá rẻ như mọi năm.

Giá vé máy bay tăng, doanh nghiệp lo khó làm tour nội địa
ECDC cảnh báo tăng đột biến số ca nhiễm chủng vi khuẩn nguy hiểm

Khu vực châu Âu vừa chứng kiến số lượng gia tăng các ca nhiễm chủng siêu vi khuẩn hypervirulent Klebsiella pneumoniae (hvKp) kháng kháng sinh, được dự báo sẽ dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong gia tăng, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết trong một báo cáo.

ECDC cảnh báo tăng đột biến số ca nhiễm chủng vi khuẩn nguy hiểm
Return to top