ClockThứ Hai, 12/03/2018 05:15

Thi vào lớp 10: Đừng gây áp lực cho con

TTH - Theo nhiều giáo viên có kinh nghiệm, đề thi tuyển sinh lớp 10 năm nào cũng phù hợp với sức học của học sinh. Các câu hỏi hầu hết tập trung trong chương trình đã học. Vì vậy, phụ huynh không cần quá lo lắng và gây áp lực cho con.

Công bố kết quả kỳ thi lớp 10, năm học 2017-2018Hơn 5.000 thí sinh thi lớp 10Học sinh lớp 11, 12 tự chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp

Học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng trong ngày khai giảng

Lựa chọn trường vừa sức

Cách đây 10 năm, lứa học sinh tuổi quý mùi 2003 (dê vàng), được xem là "tuổi đẹp" này đã làm biến động nhiều trường học tiểu học do số lượng bùng phát. Hệ quả là, nguồn thi tuyển vào lớp 10 từ học sinh lớp 9 ở các trường đều tăng; trong đó, trường tăng ít khoảng hơn 10 em, tăng nhiều lên đến 80 em so với năm ngoái. Cá biệt, một số trường ở trung tâm TP. Huế tăng thêm đến hai lớp.

Đoán trước tình hình thi vào trường công lập sẽ khó khăn khi chỉ tiêu thường không gia tăng, năm nay nhiều phụ huynh đã phối hợp với giáo viên để được tư vấn, hướng cho con chọn trường vừa sức (hoặc dưới sức) để không bị trượt nguyện vọng đáng tiếc. Chị Nguyễn Thị Ái, có con đang học lớp 9 Trường THCS Trần Phú (TP. Huế), tâm sự: “Con tôi muốn đăng ký thi vào Trường THPT Hai Bà Trưng, nhưng lực học của cháu chỉ ở mức khá nên gia đình cân nhắc, có thể định hướng con đăng ký thi vào Trường THPT Nguyễn Trường Tộ vì điểm tuyển sinh mọi năm ở trường này thấp hơn”.

Kết thúc học kỳ 1 là thời điểm học sinh khối lớp 9 tại các trường THCS bắt đầu ráo riết ôn luyện để thi vào lớp 10. Chưa bao giờ áp lực lại đè nặng lên vai các bậc phụ huynh như lúc này. Không yên tâm với sức học của con, phụ huynh tìm thầy để lên kế hoạch ôn luyện. Có người chi mạnh tay khi tiền thêm học thêm hàng tháng cho con lên đến từ 3 đến 4 triệu đồng. Các cô cậu “dê vàng” oằn mình để học, vừa học ở trung tâm, vừa học kèm tại nhà.

Có người nghe thông tin, có thầy giáo nổi tiếng trị học trò lười, học với thầy thì hầu như đỗ hết vào lớp 10 công lập ở thành phố nên không quản đường sá, tiền bạc gửi con học ở thầy.

Em Lê Thị Thủy Tiên, học sinh lớp 9 Trường THCS Hùng Vương (TP. Huế), bộc bạch: “Lịch học của em rất dày, thường phải đi học từ sáng đến tận tối. Em học thêm 3 môn toán, văn, Anh văn. Riêng,  môn toán em phải học hai thầy, nhà thầy lại ở  khá xa, tầm 15km nên ba mẹ phải thay phiên nhau chở”.

Trao học bổng cho học sinh có thành tích tốt trong học tập ở Trường PTTH Hai Bà Trưng

Củng cổ, bổ sung thêm kiến thức

Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) vẫn  chưa công bố chính thức phương án tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2018 – 2019.

Trong khi chờ đợi, các trường THCS tiếp tục tập trung dạy và học phù hợp với học sinh. Nhiều trường bố trí giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm chủ nhiệm và dạy lớp 9 để nâng cao chất lượng đào tạo. Một số trường vùng ven có đầu vào thấp, học sinh không có điều kiện về các trung tâm học thêm, trường phân nhóm và phân loại theo năng lực để củng cố kiến thức cho các em một tuần thêm 6 tiết học bồi dưỡng ở 3 môn văn, toán, anh văn.

“Giáo viên đã chú trọng phân loại học sinh theo 4 cấp năng lực: Giỏi, khá, trung bình và yếu để có kế hoạch dạy học, ôn luyện hiệu quả. Mỗi tháng, các lớp tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực một lần. Trường hợp học sinh có học lực yếu, giáo viên sẽ điều chỉnh phương pháp dạy và phối hợp với gia đình giáo dục, định hướng phù hợp với năng lực của các em trong chọn trường, chọn nghề”. Thầy giáo Hồ Phúc Quang, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP. Huế) trao đổi.

Theo hiệu trưởng một số trường, phụ huynh và học sinh đã cởi mở hơn khi nhà trường phối hợp với các trường nghề tư vấn cho các em học nghề phù hợp. Trên cơ sở có hai năm học nghề trong trường phổ thông, các em chuyển tiếp từ THCS lên trung cấp nghề bỏ qua bậc học THPT, đặc biệt là đối với các em được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, như: giảm 50% học phí, được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi.

Thầy giáo Đặng Bá Luận, Hiệu trưởng  Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Huế), cho biết: “Đa số học sinh ở trường, con các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên khi học xong THCS, nhiều em có nguyện vọng đi học nghề. Trường đã phối hợp với các Trường trung cấp nghề số 10 và Trường trung cấp nghề Âu Lạc để tư vấn cho các em học nghề phù hợp với điều kiện và khả năng của các em. Sau khi có bằng trung cấp nghề, tương đương với thợ bậc 2, nhiều học sinh của trường đã được các doanh nghiệp tuyển dụng và có công việc ổn định” .

Theo nhiều giáo viên có kinh nghiệm, ngoài không gây áp lực cho con cha mẹ cũng không nên can thiệp quá nhiều vào việc học, lựa chọn trường khiến các em căng thẳng mà không đạt kết quả như mong muốn. Áp lực tăng số lượng học sinh chỉ là một phần, quan trọng vẫn là khả năng, thực lực học tập của học sinh, nếu học tốt không lo sẽ không có trường vừa sức, còn nếu học lực yếu hoặc muốn rẽ sang hướng học nghề, các trường nghề vẫn luôn mở cửa.

Những ngày này, nhiều học sinh, giáo viên và phụ huynh thắc mắc trước thông tin bỏ điểm cộng ưu tiên đối với học nghề và điểm khuyến khích đối với các em đoạt giải trong cuộc thi khi tuyển sinh vào lớp 10. Dự thảo quy định đối với lớp 10, sẽ chỉ tuyển thẳng những học sinh đạt giải cấp quốc gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật, chứ không phải cấp tỉnh như hiện nay. Đại diện Sở GD&ĐT cho biết, vẫn đang chờ quy chế sửa đổi chính thức của Bộ GD&ĐT ban hành để xây dựng phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm

Thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa đông xuân vào giai đoạn làm đòng, sắp trổ đại trà, một số diện tích gieo cấy sớm đã trổ. Đây là giai đoạn quan trọng trong các thời kỳ sinh trưởng của lúa, gần như quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm tốt của vụ mùa với điều kiện không bị tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch hại.

Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm
Cần suy nghĩ thấu đáo cho con

Nhận điện thoại của em gái, là giáo viên của một trường tiểu học; giọng em có vẻ gấp gáp, hốt hoảng, nhờ tôi tư vấn (vì trước đây tôi từng có thời gian công tác trong ngành tòa án).

Cần suy nghĩ thấu đáo cho con
Return to top