ClockThứ Bảy, 20/08/2016 09:48

Thi, xét tốt nghiệp và tuyển sinh: Cần “buông” để giao quyền tự chủ

Theo nhiều chuyên gia, phương án thi xét tốt nghiệp và giao quyền xét tuyển ĐH cho các trường chủ động là việc ngành giáo dục nên làm.

Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án tối ưu nhất cho kỳ thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 và những năm tiếp theo để sớm công bố vào đầu năm học mới!

Thi chung khó đạt mục đích chung

Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 vừa kết thúc. Bên cạnh những đánh giá ưu điểm vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về kỳ thi này. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng thừa nhận: “Mặc dù nỗ lực đổi mới thi tuyển sinh tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã được ghi nhận, nhưng đúng là vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Băn khoăn lớn nhất là khó có thể đạt được hai mục đích một cách trọn vẹn với một kỳ thi như hiện nay vì yêu cầu của xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ khác nhau. Hơn nữa, trên thực tế chỉ có khoảng 60 - 70 trường ĐH có tính cạnh tranh cao trong tổng số gần 450 trường ĐH, CĐ, vậy có cần thiết tổ chức thi chung để phục vụ tuyển sinh cho tất cả các trường?”.

Các trường ĐH, CĐ muốn được tự chủ trong tuyển sinh (ảnh: TRUBE)

Dư luận cũng cho rằng, kỳ thi năm nay tốt hơn kỳ thi năm ngoái ở khâu minh bạch thông tin, nhưng có thể đâu đó vẫn còn chuyện coi thi “lỏng” gây mất công bằng trong thi cử. Thực tế lâu nay, khâu coi thi vẫn luôn được coi là khâu yếu nhất. Có thể thấy, nếu nơi trông chặt, nơi trông lỏng thì sẽ khiến điểm các nơi chênh lệch nhau khá rõ rệt.

Theo thống kê mới đây (do trường FPT thực hiện) trên dữ liệu của 115 cụm thi 62 tỉnh/thành cho thấy, kết quả thi tại các cụm thi khiến nhiều người sửng sốt, “không lý giải được”. Trong “bảng xếp hạng”, các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đã chiếm lĩnh hết các vị trí cao nhất (trên cả Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh giàu truyền thống hiếu học ở miền Trung). Thế nhưng, có nhiều địa phương tưởng như chất lượng giáo dục phổ thông thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước thì lại có kết quả thi khá cao.

Bên cạnh đó, việc nhập thành một kỳ thi đã gây phức tạp từ khâu ra đề cho đến việc coi thi và đặc biệt, các trường ĐH, CĐ bị động trong khâu xét tuyển. Lãnh đạo nhiều trường ĐH kiến nghị, nếu được tự tổ chức thi, các trường sẽ lựa chọn được những thí sinh đúng theo yêu cầu đào tạo của mình, đảm bảo chất lượng giáo dục.

Đã đến lúc “buông”

Theo nhiều chuyên gia, phương án thi xét tốt nghiệp và giao quyền xét tuyển ĐH cho các trường chủ động là việc ngành giáo dục nên làm. GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc tách 2 kỳ thi này là đúng bởi vì mục đích của hai kỳ thi khác nhau. Không có nước nào mà bộ giáo dục lại đứng lên tổ chức thi và tuyển sinh cho các trường.

Trường ĐH cần được giao quyền tự chủ theo đúng Luật Giáo dục ĐH. Ví dụ, vấn đề tuyển sinh, các trường có thể tự tổ chức thi một mình, hoặc tổ chức thi theo cụm, thậm chí có thể xét theo học bạ THPT để tiếp nhận thí sinh vào miễn là có bằng tốt nghiệp THPT.

“Bộ cần quyết liệt hơn trong vấn đề này, đã đến lúc phải “buông” để giao về cho địa phương, chứ không thể nhùng nhằng mãi được. Về lộ trình, bộ có thể ra quyết định giao ngay cho tất cả các địa phương hoặc thận trọng cho một số địa phương thí điểm trước rồi mới nhân rộng ra cả nước” - Ông Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh  thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất.

Để tránh sai sót, rủi ro, Bộ nên chuẩn bị ngân hàng đề thi phục vụ cho việc thi xét tốt nghiệp để các địa phương lựa chọn. Còn về tuyển sinh ĐH nên giao cho các trường ĐH, bởi trước đây họ cũng đã tự làm rồi và tùy tiêu chí của từng trường họ có thể tổ chức thi hoặc xét tuyển.

Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã nhận được văn bản của các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ đề xuất phương án thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy cho năm 2017 và những năm tiếp theo. Hầu hết các sở GD&ĐT muốn được chủ động tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; trong khi đó các trường ĐH muốn được tự chủ trong tuyển sinh vào trường mình. Bộ đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án tối ưu nhất và sẽ sớm công bố vào đầu năm học tới.

“Hai năm qua chúng ta đổi mới thi dần dần. Nhưng chưa phải cuối cùng, đến một năm nào đó chúng ta phải đổi mới thi theo đúng xu hướng quốc tế: phổ thông là phổ thông, đại học là các trường tự chủ tuyển sinh, không có thi chung nữa. Bộ GD&ĐT cần sớm công bố lộ trình đổi mới thi cử, tránh gây lo lắng cho xã hội” - phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyển sinh đại học 2023 có gì mới?

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Năm 2023, Bộ sẽ không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Về cơ bản, công tác tuyển sinh sẽ giữ ổn định như năm 2022.

Tuyển sinh đại học 2023 có gì mới
Return to top