ClockThứ Hai, 20/08/2018 14:16

Thợ Huế và tính chuyên nghiệp

TTH - Xã hội càng ngày càng phát triển. Tính cạnh tranh trong mọi công việc, trong mọi thị trường ngày càng gay gắt. Nếu không luyện tính chuyên nghiệp, thì dù có làm việc gì, cũng rất dễ bị “bỏ lại phía sau”.

Chưa bao giờ được mùa xây dựng như năm nay. Đi khảo sát một số đại lý cung cấp vật liệu xây dựng tại TP. Huế, họ đều cho biết sản lượng bán ra tăng đáng kể so với những năm trước.

Tôi có quen một kỹ sư điều hành một tổng B xây dựng một công trình lớn ở Huế, riêng về phần “nề” đã thu hút 600 công nhân thường xuyên làm việc ba ca. Đó là chưa kể nhiều phần việc khác cho một tổ hợp công trình cả chục ngàn mét vuông xây dựng. Riêng công trình này, chỉ tính tấm thạch cao sử dụng cho công trình, anh cho biết gần 60.000 m2.

Huế không chỉ có một công trình như vậy, mà hiện tại, có cả hàng chục công trình lớn đang đồng loạt xây dựng. Đó là chưa kể các công trình nhà cửa xây dựng trong dân.

Công trình xây dựng nhiều, đã kích hoạt hai loại thị trường phát triển mạnh mẽ, đó là thị trường vật liệu xây dựng và và nhân công (từ lao động giản đơn đến kỹ sư). Nhưng từ đây, cũng đã phát sinh ra tính không chuyên nghiệp. Ở đây chỉ nói riêng đội ngũ thợ xây dựng ở Huế.

Tại công trình lớn kể ở đầu bài, anh kỹ sư tổng B cho biết là họ phải qua một số thầu phụ kêu gọi thợ từ một số tỉnh phía Bắc vào xây dựng công trình. Tại sao thợ ở Huế không tham gia vào công trình này? Anh chỉ cười không nói thẳng. Chỉ nói… thợ Huế khó tính.

Tôi cất công đi tìm hiểu cái sự “khó tính” của thợ Huế.

Ở đâu không biết chứ theo những gì tôi biết là thợ Huế khéo tay số một. Trong xây dựng có một thuật ngữ là “phần kép” thì có thể nói ít thợ nơi nào bằng thợ Huế. Làm đình chùa, lăng mộ và các công trình đòi hỏi độ phức tạp đến tinh xảo từng chi tiết thì thợ Huế “ăn đứt” nhiều nơi khác. Có lần tôi đi thực hiện một phóng sự ở Tây Nguyên, ghé vào một ngôi chùa ở thị xã Đồng Xoài, Bình Phước vừa xây dựng xong. Sư cô trụ trì ngôi chùa này là người Thừa Thiên Huế (ở xã Hương Hồ). Trong cuộc phỏng vấn, Sư cô cho biết: phần “thô” của ngôi chùa trị giá 4 tỷ này (thời điểm cách đây bảy tám năm) là thợ tại Đồng Xoài làm. Nhưng đến phần “kép” thì Cô phải “rước” thợ từ Huế vào. Đó là sự thật. Nghe như thế cũng thấy vui cho những người thợ Huế.

Thế thì tại sao bảo thợ Huế “khó tính”?

À! Khó tính là thế này. Đó chính là tính “không ổn định”. Nếu một người thầu nào đòi hỏi sự nghiêm túc trong công việc, nhiều người thợ, đặc biệt là thợ có tay nghề cao sẵn sàng bỏ ngang việc để đi làm với một thầu xây dựng khác. Khi công trình xây dựng nhiều, như năm nay, công thợ trở nên khan hiếm thì sự khó tính này càng bộc lộ rõ. Ở đây có một sự “ngược đời”- tôi kiếm việc làm, tôi tạo việc làm, nghĩa là tạo thu nhập cho anh, đáng lý anh phải làm việc thế nào cho thật tốt để làm hài lòng tôi, thì điều này lại ngược lại. Có khi thầu phải chiều chuộng thợ.

Không biết ở các tỉnh khác thì như thế nào chứ ở Huế, đã làm nhà, như là một luật bất thành văn, chủ nhà phải lo cho thợ “bữa lỡ”. Không bữa lỡ thì cũng cuối tuần gặp nhau một bữa. Nếu chủ nhà nào không làm như vậy, sự “khó tính” của thợ diễn ra liền. Mà một khi như vậy thì nó cũng ảnh hưởng đến khối lượng công việc của thầu.

Rồi khó tính sao nữa? Trong đội ngũ thợ xây dựng ở Huế, có một tỷ lệ đáng kể lấy nghề xây dựng là nghề tay trái, nghề làm thêm. Cho nên thợ Huế rất khó làm thường xuyên như là một công nhân xây dựng chuyên nghiệp. Có khi làm được vài ngày rồi xin nghỉ một hai ngày. Về lý do thì có khi thì bảo ở nhà gặt lúa. Có khi thì bảo trưa nay có tiệc cưới. Rồi kỵ giỗ, thăm bà con… muôn ngàn lý do. Về giờ giấc làm việc cũng vậy. Chính bản thân người viết bài này có xây dựng một công trình nho nhỏ. Trời thì nắng nóng nhưng ngày nào thợ cũng bắt đầu làm việc từ 7h30 kéo dài đến 11h 30. Hỏi sao không bắt đầu làm từ 6h30 hoặc 7 giờ rồi nghỉ sớm có phải đỡ chịu nắng nóng hơn không. Người thì bảo bận chở con đi học, người thì bảo ăn sáng cà phê đã, vội chi, mà ai cũng vậy cả. Đây là một thói quen có lẽ đã hình thành từ rất lâu khó cải thiện được nên phần nào nó cũng ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Và ngay cả chất lượng sống của chính người thợ.

Đó là phần thợ. Còn phần thầu thì sao? Tôi không dám nói là tất cả nhưng tôi đã từng biết nhiều trường hợp, thầu với thợ chính là một nhóm người rất ít thường xuyên làm việc với nhau. Thường là họ chỉ làm được các công trình dân dụng. Thầu có nhiệm vụ nhận công trình rồi tổ chức thợ làm. Với năng lực như vậy khả năng họ chỉ nhận, ví dụ 2 công trình trong một năm thì cũng đã đủ công ăn việc làm và đảm bảo tốc độ xây dựng. Nhưng nếu có ai gọi làm thêm một công trình thứ ba hoặc thứ tư, dù không đủ năng lực nhưng họ vẫn cứ nhận. Thế là số thợ ấy chia ra cho các công trình. Bởi vậy công trình nào cũng chậm tiến độ. Có khi cũng có hợp đồng hẳn hoi về tiến độ công trình nhưng ít có gia chủ nào đi phạt việc chậm tiến độ. Có lẽ từ một thực tế như vậy nên việc “nhận đại” công trình trở thành một điều như là hiển nhiên của nhà thầu ở Huế.

Nguyên Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

TIN MỚI

Return to top