ClockChủ Nhật, 14/07/2019 07:19

“Thợ kép”

TTH - Khi những “thành phố lăng” mọc lên ngày càng nhiều, “thợ kép” trở thành một nghề “sang chảnh”...

Để có được bộ long, lân, quy, phụng, mặt nguyệt, long môn, trụ biểu, vân tiết, chép hóa rồng… đạt chuẩn, đòi hỏi người “thợ kép” không chỉ dày công, miệt mài mà còn cần đôi bàn tay tài hoa, điệu nghệ và cả sự sáng tạo.

"Kép" bình phong

Học 10, tốt nghiệp 1-2

Tìm hiểu về chuyện đời, chuyện nghề của các thợ kép, một người hiểu chuyện  bảo: Muốn biết về “thợ kép” thì nên đến làng Vân Quật Thượng, xã Hương Phong (TX. Hương Trà)-nơi được mệnh danh “làng thợ kép”.

Thời điểm này đang là “vụ chính” của giới “thợ kép”. Muốn gặp họ phải đến các nghĩa trang, công trình nhà thờ họ tộc, đình làng, miếu mạo…

Vuốt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, Võ Mừng (ở thôn Vân Quật Thượng) kể: “Thợ kép” là nghề cha truyền con nối có từ bao đời nay, anh Mừng (45 tuổi) là đời thứ ba. Có lẽ nghề đã ngấm vào huyết thống của gia đình nên từ nhỏ anh Mừng đã cảm thấy đam mê.

Một buổi đến trường, một buổi anh thường theo cha đến các công trình xem những người thợ tô vẽ, uốn nắn những con rồng bay, phượng múa để thỏa chí tò mò và niềm đam mê.

Cha anh Mừng từng đắn đo muốn cho anh theo nghề từ nhỏ, chủ yếu để nối nghiệp gia truyền, vì hồi đó công trình ít, thu nhập lại thấp. Đời sống của những người “thợ kép” không mấy sung túc, thậm chí thiếu thốn trăm bề. Nhưng có lẽ cái duyên với nghề là điều khó cản khi học hết cấp 2, anh Mừng quyết định học nghề, theo nghiệp cha ông.

Từ khi anh Mừng tập tễnh bước vào nghề đến nay cũng đã ngót nghét 30 năm. Chừng ấy thời gian đủ cho anh thẩm thấu những gian khó của nghề. Một nghề không chỉ đơn giản ngày ngày dầm sương dãi nắng mà đòi hỏi phải có sự đam mê, tâm huyết, kiên trì; chưa kể phải có năng khiếu mới trụ được.

“Nếu so sánh với học đại học thì quá khập khiễng nhưng nói không ngoa, học nghề “thợ kép” không hề đơn giản. Tùy thuộc vào năng khiếu của từng người, có thể phải mất 3-4 năm mới thành thợ. Muốn trở thành người thợ giỏi phải mất đến 7-8 năm, qua quá trình vừa học vừa làm”, anh Mừng khẳng khái.

Một tay thợ giỏi có hơn 30 năm kinh nghiệm ở làng Vân Quật Thượng, anh Võ Quán cũng thừa nhận, học được nghề “thợ kép” không hề dễ dàng. Năm đầu tiên học nghề chỉ được giúp việc cho thợ, rèn luyện khả năng chịu đựng gian khó của nghề, ngồi xem những người thợ tô, vẽ, thực hiện những công đoạn cuối cùng làm nên một “tác phẩm”.

Năm thứ hai mới được học vẽ, bắt hình thù, tạo thế, dáng những con vật, bon sai… Những năm tiếp theo mới học những kỹ năng hoàn thiện một “tác phẩm” như gắn sành, tạo hình, trạng thái vui cười hay giận dữ… cho các bộ long, lân, quy, phụng, mặt nguyệt.

“Kéo” hoa văn

Theo anh Quán, để tạo ra một bộ long, lân, quy, phụng, mặt nguyệt... đạt độ chuẩn, ngoài sự tinh xảo đến từng “mi li mét” trong khâu vẽ, tỉa ..., đòi hỏi quá trình bắt hình, đầu con vật không quá mập, cũng không quá ốm. Với thế rồng bay phải tạo đuôi, bộ vi, thân và đầu phải mượt, chân đạp mây. Nếu muốn mặt rồng giận dữ thì chú ý đôi mắt phải to tròn, răng nhe và nhọn. Muốn rồng, hay phượng có nét tươi vui, người thợ cần phải tinh tế trong từng nét bút, nét bay và có “bí quyết” riêng...

Khó nhất trong nghề “thợ kép” là khâu hoàn thiện một “tác phẩm”, khâu cuối cùng này thường mất chừng một nửa khóa học nghề. Có người đã vẽ, bắt được hình dáng rồng bay hẳn hoi nhưng khi hoàn thiện thì lại hóa ra con rắn, hay đã bắt được hình dạng phượng múa mỹ miều nhưng khi hoàn thiện lại hóa gà... Rất nhiều “học viên” không thể làm được công đoạn khó này đành bỏ học giữa chừng, hoặc thường 10 người học thì may ra chỉ một vài người được cho là “tốt nghiệp”, có thể ra nghề, sống được bằng nghề.

Điều khác lạ so với nhiều nghề, học “thợ kép” quy định rất khắt khe vì uy tín của tổ nghề và những người thợ. Không phải ai cũng học 3-4 năm là được “tốt nghiệp”, tự “bay nhảy trên thương trường”. Nếu học 3-4 năm vẫn chưa thành thạo thì người thầy sẽ nhất quyết không cho “tốt nghiệp” vì người thợ sẽ không đủ khả năng hành nghề, ảnh hưởng đến uy tín chung.

Trước khi học việc, thầy và trò thường cam kết nếu chưa lành nghề mà đòi “tốt nghiệp” thì phải bồi thường một khoản kinh phí khá lớn cho thầy. Vì vậy hầu hết các “học viên” đều chấp hành tốt, tuân thủ theo các quy định của thầy.

“Sang chảnh”

So với thợ xây thì nghề “thợ kép” khá hiếm, cũng chính là “đối tượng quyết định” công trình đẹp hay không nên thường được gia chủ ưu ái. Giới làm nghề thợ xây thường “gán” cho “thợ kép” là nghề “sang chảnh”.

Anh Quán kể: Cách đây mấy năm, đội “thợ kép” của anh Quán, anh Cư… làm “kép” tại một nhà thờ họ tộc ở xã Phong Hải (Phong Điền), là một trong những công trình có quy mô lớn nhất tại vùng quê “Việt kiều” này.

Rồng chầu đã hoàn thiện

Công trình xây dựng trong vòng một năm rưỡi, riêng phần “kép” phải mất cả năm mới hoàn thiện. Xa nhà, cách trở đò giang nên đội thợ anh Quán ra điều kiện chủ công trình phải xây một ngôi nhà tạm, đảm bảo nơi ăn chốn nghỉ cho thợ.

Thuộc “diện ưu tiên” nên chủ công trình sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, xây hẳn một căn nhà 40m2 với hai căn phòng, điện nước đầy đủ đảm bảo cho 6-7 thợ nghỉ ngơi. Các thợ phải từ chối nhiều cuộc tiệc do con dân trong họ chiêu đãi vì “lịch mời quá dày”.

Trong quá trình hoàn thiện các bộ “long, lân, quy, phụng”, hay các hạng mục quan trọng khác, nếu xuất sắc, như ý thì đội thợ anh Quán còn được con dân trong họ khen ngợi, “thưởng nóng”. Anh Quán tiết lộ, ngoài tiền công theo hợp đồng, hồi đó làm xong công trình nhà thờ họ ở Phong Hải, đội thợ của anh nhận được số tiền thưởng tương đương gần một nửa số tiền hợp đồng làm “kép” cho cả công trình.

Sau này làm nhiều công trình khác cũng vậy, tiền thưởng cho thợ tuy không lớn nhưng luôn được các gia chủ ưu ái, quan tâm. Tuy nhiên, có được lời khen kèm theo tiền thưởng buộc người thợ luôn phải cố gắng, tâm huyết, tạo ra một “tác phẩm” phải như ý gia chủ.

Mấy chục năm làm nghề, anh Quán cũng đã từng nếm trải những “trái đắng” để đời. Có một gia chủ rất khó tính, yêu cầu rất khắt khe đối với các “tác phẩm”, như rồng, phượng, mặt nguyệt nhìn mặt bên phải thấy cười, nhìn bên trái phải giận dữ… Nhiều lúc không như ý gia chủ phải đập ra làm lại, mất rất nhiều thời gian, công sức. Những lần như thế coi như “công toi”, lỗ nặng nhưng đổi lại được gia chủ luôn quan tâm, ưu ái, bù đắp bằng tiền thưởng.

Một người “thợ kép” giỏi, ngoài các kỹ năng tinh xảo, cần phải đáp ứng những yêu cầu, nhu cầu của gia chủ. Nhiều năm nay, những người “thợ kép” ở Vân Quật Thượng không chỉ “phủ sóng” hầu khắp các công trình trên địa bàn tỉnh mà còn vươn đến nhiều tỉnh miền Trung, như Quảng Trị, Quảng Bình, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang…

Theo anh Quán, thời gian làm việc ngoại tỉnh, xa nhà tuy vất vả, nhớ vợ con nhưng đổi lại tiền công cũng như tiền thưởng của “thợ kép” khá cao. Với những người thợ mới ra nghề, tiền công mỗi ngày không dưới 500 ngàn đồng, thợ giỏi từ 700 ngàn đồng trở lên, còn được bố trí nơi ăn chốn ở.

Chủ tịch UBND xã Hương Phong, ông Trần Viết Én thông tin, nghề “thợ kép” ở làng Vân Quật Thượng có truyền thống từ lâu đời. Ngoài các bậc cao niên, trung niên, hiện nay cả làng còn có hàng trăm thanh niên theo nghề. Hầu hết đời sống các gia đình làm nghề “thợ kép” đều ổn định, khá giả. Vài năm gần đây, nhiều thanh niên ở các làng khác trên địa bàn xã cũng theo nghề này, có công việc, cuộc sống ổn định.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top