ClockThứ Sáu, 01/05/2015 07:24

Thợ máy nông dân

TTH - Người thì khiếm khuyết một chân nhưng lại là thợ sửa máy cày giỏi, người chuyên chế tạo máy phục vụ nông nghiệp nức tiếng dù không bằng cấp. Họ là những nông dân chân chất ở vùng gò đồi Phong Điền.

Ông Giáp Thanh Hoài với một chân vẫn mưu sinh sửa máy cày

Một chân sửa máy cày

Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp, có một cái tên thật đặc biệt, Giáp Thanh Hoài (62 tuổi, thôn Cổ Bi 1, xã Phong Sơn). Nói cuộc đời của ông Hoài gắn với chiếc máy cày quả không sai. Bởi, vì đạn bom trong lúc lái máy cày mà ông mất một chân, suýt chết; nhờ máy cày mà lấy được vợ; giờ lại trở thành thợ sửa máy cày nổi tiếng ở làng quê.

Năm 1976, trong một lần lái máy cày thuê ở thôn Mỹ Xuyên, xã Phong Hòa, chàng thanh niên Giáp Thanh Hoài không may cán phải bom bi còn sót lại sau chiến tranh. Sau tiếng nổ lớn, mảnh đạn đã cướp đi phần chân trái. Những tháng ngày sau đó là cả một màn đêm u tối với chàng trai khi tuổi đời con đang phơi phới. Ông nhớ lại: “Suốt 4 năm liền tui không ra khỏi nhà vì buồn tủi, trầm uất. Nghĩ cuộc đời mình rứa là xong!” Năm 1980 được sự động viên, giúp đỡ của gia đình, ông Hoài về làm tại một xí nghiệp phân bón ở Phú Bài. Nhưng rồi đi lại khó khăn, nghĩ mình giờ là người khuyết tật, nếu không kiếm nghề nghiệp ổn định sẽ trở thành gánh nặng cho cha mẹ. Ông Hoài xoay sang làm nghề sửa xe máy. Vốn có khiếu từ nhỏ, ông học sửa chữa cơ khí trong TP. Huế. Rồi có lần, trong xóm bà con có máy cày hỏng, không sao kiếm ra thợ. Phụ tùng thay chí ít vào Đà Nẵng mới có. Ông Hoài đánh bạo: “Để đó tui”!

Máy làm cỏ, vun gốc trỉa đậu của ông Hồ Ngọc Nhuẫn được nông dân Phong Xuân đánh giá cao

Ông nhớ lại: “Máy cày là phương tiện vốn không xa lạ gì với mình. Nhưng hồi đó sửa máy cày “độ” là chính, làm gì có phụ tùng mà thay thế. Bởi thế, khi đó không biết răng mình lại liều nhận sửa. Mà liều thì lại được.” Mở chiếc đầu máy cày của hàng xóm ra, ông toát mồ hôi khi bộ phận điều tiết dầu bị hỏng do bào mòn lâu ngày. Không có đồ thay thế, buộc ông phải mày mò để “độ”. Ông lấy tấm gương, đặt giấy nhám trên mặt phẳng rồi cầm bộ phận điều tiết dầu mà mài. Lần từng chút một đến khi nào phần bào mòn nhẵn, cân đối mới thôi. Ông giải thích: “Cái khó của khâu này là do mình không có máy móc, dùng tay mà phải cân chỉnh cho nó chính xác từng li. Nếu lệch thì xì dầu ra ngay.” Xong xuôi, lắp vào máy cày chạy ngon ơ! Từ đó, ông Hoài được bà con tin tưởng bắt tay vào nghiệp sửa máy cày. Lâu dần, tay nghề ông không chỉ ở Phong An mà được nhiều nơi biết đến. Năm 2004, chiếc máy cày nhãn hiệu Kubuta 2000 đầu tiên được ông Hoài “tậu” để vừa cày thuê, vừa làm nghề sửa máy cho bà con.

Năm 28 tuổi, ông Hoài lấy vợ. Ngồi kể chuyện lấy được vợ, ông cười bảo, tui nghĩ phận mình e ế vợ chơ. Một hôm bên nhà có thuê lái máy cày để cày ruộng. Máy cày của tui phải “độ” lại côn tay (do ông Hoài mất chân- NV). Hình ảnh anh lái máy cày… một chân bà con ai cũng thấy lạ. Vợ tui thay người làm mang nước ra cho thợ. Tui giỡn là “anh cày ruộng nhà em rồi. Mai ni không biết cày chỗ mô nữa đây?” Nói bạo thế ai dè… thương thật. Rứa là anh sửa máy cày cụt chân như tui lấy được vợ.” Sau bao năm sống với nghề sửa máy, vợ chồng ông làm thêm 8 sào đậu, 2 sào lúa, các con trai cũng lần lượt ra đời trong niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Giờ, những người con của ông đã thành đạt, làm ăn xa tận Sài Gòn.

“Kỹ sư” nông dân

Ở Phong Xuân, không nông dân nào không biết tiếng ông Hồ Ngọc Nhuẫn (66 tuổi). Những máy móc ông làm ra đều được bà con làm nông nghiệp đánh giá rất cao bởi tiện lợi mà hiệu quả trên đồng ruộng. Cuối giờ chiều, câu chuyện giữa chúng tôi với ông Nhuẫn cứ ngắt quãng bởi thỉnh thoảng, bà con trong xóm lại đến hỏi để mượn máy trỉa, máy cày, vun đất cho cây đậu. Vốn xuất thân từ nghề thợ rèn. Cũng như bao hộ dân khác ở Phong Xuân, năm 1976, ông đưa cả gia đình lên vùng gò đồi này làm kinh tế mới. Cuộc sống nơi vùng kinh tế mới buổi đầu quá khó khăn do đường sá, thủy lợi chưa có gì. Bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp bằng công cụ truyền thống, máy móc cũng là điều mơ ước của nhiều nông dân ở vùng đất này. Ban đầu, để phục vụ sản xuất, vốn là thợ rèn, ông cũng chỉ biết chế tạo những cái cuốc, cây mác để làm việc. Đến năm 2010, ông đầu tư phát triển 1,4 mẫu lạc trên khoảnh đất nhà mình canh tác. Trồng lạc vốn cho thu nhập không cao, công cán bỏ ra trong nông nghiệp lại rất nhiều. Vất vả nhất là khâu làm cỏ, tạo rãnh trỉa hạt đậu và vun đất.

Ông Nhuẫn tâm sự: “Ban đầu chưa có máy móc, tui chế máy làm cỏ đậu bằng tay đẩy từ khung xe đạp. Nhưng nhược điểm của nó là rất tốn sức đẩy. Thế là tui nghiên cứu lại từ đầu để chế một máy làm cỏ đậu bằng động cơ xe Honda.” Ông Nhuẫn ra tiệm sửa xe, mua một máy Honda xe dream cũ gắn trên thân một chiếc máy cày nhỏ. Bánh trước máy cày được làm từ vành xe máy hàn bởi các thanh ngang. Giữa thân máy cày gắn 2 “bánh” thép hình xoắn ốc. Cuối thân máy gắn thêm một lưỡi cày nhỏ xới đất và bánh xe để di chuyển. Ông còn chế thêm hộp số để “ngắt côn” khi máy dừng. Để có một kết cấu hoàn thiện, hiệu quả như hôm nay là cả một quá trình mày mò nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần trên đồng ruộng của ông. Ông Nhuẫn giải thích: “Máy có 3 chức năng: cày đất, làm cỏ và tạo rãnh để trỉa hạt đậu. Với máy này, 1 ngày làm việc, chỉ với 1 người có thể làm được 7-8 sào đất, tiêu hao hết khoảng 1 lít xăng. Hiệu suất gấp 4-5 lần cách làm máy đẩy tay của người dân.” 

Ngoài chế tạo máy làm cỏ cây lạc, ông còn có các sáng kiến cải tiến máy đạp, tuốt lúa. Nhận thấy vùng gò đồi trồng nhiều lạc, ông đang bắt tay nghiên cứu máy tuốt lạc bằng động cơ xăng. Ông Nhuẫn cho biết, mọi ý tưởng, tài liệu đã hình thành sẵn. Thời gian tới ông sẽ cho “ra lò” sáng kiến của mình.

“Những sáng kiến của ông Hồ Ngọc Nhuẫn rất hiệu quả cho nông nghiệp. Vốn làm nghề rèn, ông thường xuyên mày mò, chế tạo nhiều máy móc, được nông dân trong vùng đánh giá cao. Những kinh nghiệm chế tạo máy móc ông sẵn sàng chia sẻ với người dân, giúp tăng hiệu suất trong sản xuất nông nghiệp” ông Trần Văn Cân, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân đánh giá.
Bài, ảnh: Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

TIN MỚI

Return to top