ClockThứ Bảy, 25/07/2015 08:57

Thơ tình của người già

TTH - Ở xã Thủy Phù (Hương Thủy) có một câu lạc bộ (CLB) thơ dành cho người cao tuổi. Tuy là những người dân bình thường chưa qua trường lớp đào tạo thơ văn, nhưng niềm đam mê đã giúp họ gắn bó, sáng tác nên những vần thơ yêu quê hương, đất nước.

Đam mê

Bảy giờ sáng, căn nhà của ông Lê Hồng Sơn (81 tuổi) rộn rã tiếng cười với những cái bắt tay thân mật của các cụ cao tuổi. Ấm trà nóng và bàn ghế được dọn sẵn giữa vườn. Các cụ lần lượt đến, trên tay là cuốn sổ ghi những dòng thơ còn chưa ráo mực.

Các cụ trong CLB thơ người cao tuổi Thủy Phù tại một buổi sinh hoạt

Bắt đầu buổi sinh hoạt, ông Bùi Ánh Cương, Chủ nhiệm CLB thơ người cao tuổi Thủy Phù thông báo các hoạt động sắp diễn ra tại địa phương, cũng là những đề tài để các cây bút thơ tập trung hướng đến, sau đó là phần đọc - ngâm thơ và bình thơ. Như một sức hút kỳ lạ với thơ, các cụ tiếp nối nhau đọc những bài thơ do mình sáng tác. Có người 1-2 bài, nhưng cũng có cụ sáng tác đến 4 bài, với chủ đề và thể loại tự do, đa phần hướng đến tình yêu quê hương đất nước và những vấn đề thời sự đang diễn ra ngoài xã hội. Những bài thơ hay, họ tập hợp lại, gửi lên địa phương xét duyệt rồi xin in thành tập san nội bộ, gửi tặng CLB thơ thị xã Hương Thủy và giữ làm kỷ niệm.

Ông Lê Hồng Sơn, thành viên CLB kể: “Ngày xưa tui là sĩ quan quân đội. Bây giờ, tuổi về già vẫn theo dõi thông tin thời sự hằng ngày. Thời chiến qua lâu, nhưng tinh thần của người lính và tình yêu đất nước không bao giờ cạn. Tui đến với thơ như một vũ khí chiến đấu trong thời bình, nói về chuyện tham ô, tham nhũng, về tình đồng chí, đồng đội”. Trên giường nằm của “nhà thơ làng” bao giờ cũng để sẵn một ngọn đèn, bởi ông cho rằng thơ đến do cảm hứng, chỉ cần ý tưởng đến là lập tức ngồi dậy lật sổ làm thơ.

Tình yêu quê hương

Ra đời năm 2010, dù chỉ với 10 thành viên nhưng đến nay, CLB đã in được 3 tập san lưu hành nội bộ là Nắng thu 1 (2011), Xuân quê (2012) và Nắng thu 2 (2014). Ngoài 3 thành viên là cán bộ hưu trí, các “thi sĩ” còn lại đều là người dân bình thường gắn bó với công việc đồng áng nhưng yêu thơ. Ông Cương chia sẻ, mục đích ban đầu của CLB thơ là tạo ra sân chơi thư giãn giúp người cao tuổi sống vui sống khỏe, nhưng khi hoạt động đã trở thành nơi hội ngộ của những người hết lòng với tình yêu quê hương. Thông qua những ngày lễ như: Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày dân số thế giới (11/7), ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7)… các cụ đều làm thơ để “trò chuyện” cùng con cháu. Có những bài thơ được đọc ở các cuộc hội thảo, buổi sinh hoạt của các hội, thôn, xã, thông qua loa truyền thanh đến với người dân địa phương.

Ông Lê Văn Soa, thành viên CLB ngâm những bài thơ tâm đắc

Ông Nguyễn Nhạc, (77 tuổi) có 18 năm làm công tác mặt trận thôn tâm sự, qua những lần sinh hoạt, bản thân ông rất phấn khởi. Những vần thơ trở thành kênh tuyên truyền, vận động chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước hiệu quả. “Trong những thành viên của câu lạc bộ thơ, có người đang làm công tác mặt trận thôn, cựu chiến binh, hội Người cao tuổi… Những bài thơ chúng tôi sáng tác khi đọc ra như góp một tiếng nói cùng thôn để phản biện cái xấu của xã hội, giúp mọi người có nhận thức đúng đắn”. Thông qua những “bài thơ làng” của mình, không ít cụ giáo dục cho con cháu nhận thức được chủ quyền biển đảo, tình yêu Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam.

Ngoài ngày khai bút đầu xuân mỗi dịp Tết, các buổi sinh hoạt của CLB đều được tổ chức vào thời gian rảnh sau giờ làm đồng, mỗi tháng (khi bận thì mỗi quý) một lần, theo hình thức luân phiên, xoay vòng ở nhà từng “thi sĩ”. Các thành viên CLB cho rằng, thơ của họ là thơ làng, đậm chất bình dân của những người nông dân mộc mạc chất phác. Tuy làm thơ để đọc cho vui, nhưng những lời thơ ấy luôn gắn liền với cuộc sống và vì một tình yêu thầm lặng – tình yêu quê hương.

Hữu Phúc-Nam Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top