ClockThứ Tư, 24/08/2016 13:46

Thời của cá nước ngọt

TTH - Sản phẩm an toàn, người dân yên tâm sử dụng, nên nuôi cá nước ngọt đang trở thành một hướng phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản.

Nuôi cá lồng trên hồ Khe Ngang

An toàn

Chị Trần Thị Huệ, người bán cá ở chợ Bến Ngự cho biết, từ khi xảy ra sự cố môi trường biển, các loại cá nước lợ, cá biển bán rất ế, giá lại giảm nên lãi chẳng là bao. Gần đây, nhiều gia đình ưa chuộng cá nước ngọt, nên chị chuyển sang bán các loại cá này.

Chị Nguyễn Thị Mai Huyền ở phường Phước Vĩnh (TP. Huế) tự tin: “Đã mấy tháng nay, gia đình tôi chuyển sang ăn cá nước ngọt. Các loại cá rô, trắm cỏ, mè, trê phi, dét, lóc… tuy không ngon bằng cá “đặc sản” nuôi nước lợ, nhưng đảm bảo an toàn”.  

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Minh Đức khẳng định, cá nuôi nước ngọt luôn đảm bảo an toàn thực phẩm, hoàn toàn không sử dụng kháng sinh, chất cấm. Các hộ nuôi chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn, phế phẩm tại chỗ, sẵn có trong vườn, nhà như rau, cỏ, cám, cá tạp… làm thức ăn cho cá. Một số hộ còn mua thêm thức ăn bột công nghiệp nhằm kích thích cá phát triển, tăng chất lượng sản phẩm. Các loại thức ăn này được các ban, ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không phát hiện các chất cấm.

Nuôi cá trên hồ Khe Ngang

Đến nay, tổng diện tích nuôi cá nước ngọt toàn tỉnh khoảng 1.500 ha, phấn đấu đến năm 2020 là 2.360 ha, sản lượng đạt 5.900 tấn. Có 4 đơn vị sản xuất giống thủy sản nước ngọt và nhiều hộ tổ chức sản xuất, ương giống, cơ bản đáp ứng nhu cầu thả nuôi…

“Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo” điều này hoàn toàn thực tế, khi không ít hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ nuôi cá. Nhiều hộ ở vùng cao Nam Đông có cơ hội làm giàu khi thu nhập từ nuôi cá trên dưới 100 triệu đồng/năm. Điển hình như gia đình ông Ta Rương ở xã Thượng Quảng; Trần Đình Sơn (Hương Hòa), hay Hồ Thương Nam, Hồ Văn Dương (Thượng Nhật)... xây dựng được nhà kiên cố, khang trang, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

Các trang trại tổng hợp vùng gò đồi, miền núi đều thích hợp cho việc nuôi cá trắm cỏ, rô phi, chép, mè… Chủ trang trại Trần Văn Minh ở xã Phong Xuân (Phong Điền) khẳng định, nuôi cá nước ngọt là không thể thiếu ở bất kỳ một trang trại tổng hợp nào. Cá không chỉ dễ nuôi mà còn mang lại thu nhập ổn định, bền vững cho các trang trại. Tận dụng nguồn phế phẩm rau, cỏ… tại trang trại làm thức ăn, vừa giảm chi phí đầu tư, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm. Các loại gia súc, gia cầm khi xảy ra dịch bệnh, giá hạ thì nguồn thu từ cá sẽ bù lại, hạn chế rủi ro, thua lỗ.

Nâng cao giá trị kinh tế

Các đối tượng nuôi truyền thống như cá chép, trê, lóc, trắm cỏ, mè… hiệu quả kinh tế không cao, chưa tương xứng với tiềm năng. Trong khi nhu cầu đời sống ngày càng cao, yêu cầu việc nâng cao chất lượng sản phẩm là điều tất yếu. Điều đó thôi thúc ngành thủy sản từng bước nghiên cứu, sản xuất thí điểm thành công nhiều loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế, chất lượng an toàn.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đề án nuôi cá trên hồ chứa giai đoạn 2016-2020, tỉnh từng bước đầu tư phát triển nuôi cá lồng, đến năm 2020 khoảng 1.000 lồng (sản lượng trên 1.000 tấn). Riêng tại các hồ chứa sinh thái, từ năm 2017 phát triển khoảng 150 ha, nhân rộng diện tích nuôi lên 700 ha (sản lượng 500 tấn) đến năm 2020. Tỉnh sẽ đầu tư các cơ sở nghiên cứu, sản xuất các giống cá chất lượng, có giá trị kinh tế cao nhằm cung ứng nhu cầu sản xuất như cá tầm, ba sa, lăng nha, diêu hồng… Đồng thời, có chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm, trình diễn nhằm chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Trưởng phòng Kỹ thuật Thủy sản - Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, đơn vị sản xuất thành công một số mô hình thí điểm nuôi lươn đồng, cá chạch bùn… Mỗi mô hình đều lãi trên dưới 40 triệu đồng. Theo tính toán với diện tích nuôi 1 ha lãi 140-160 triệu đồng. Đây là các loại thủy sản chất lượng thịt thơm ngon, có thể đưa vào các nhà hàng, khách sạn, được nhiều người ưa chuộng. Giá lươn đồng, chạch bùn thương phẩm luôn ở mức cao và ổn định, từ 170-200 ngàn đồng/kg… Trung tâm Khuyến nông đang tiếp tục triển khai các mô hình trình diễn, nghiên cứu sản xuất nguồn giống các loại cá nhằm nhân rộng mô hình, đảm bảo số lượng sản phẩm cung ứng nhu cầu thị trường.

Giám đốc Công ty TNHHNN một thành viên Quản lý-Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đỗ Văn Đính cho biết, hướng đi mới của tỉnh hiện nay là quy hoạch, phát triển nuôi cá nước ngọt có giá trị kinh tế, chất lượng an toàn trên các hồ chứa tự nhiên, hồ thủy điện, thủy lợi… Với tổng diện tích mặt nước gần 5.300 ha, dung tích trên 1.050 triệu m3 tại các hồ chứa, môi trường, chất lượng nguồn nước rất tốt là điều kiện thuận lợi, thích hợp cho việc nuôi cá lồng, gồm các loại cá có giá trị kinh tế cao như tầm, chình, lăng nha, trắm cỏ, ba sa...

Tại hồ thủy lợi Khe Lời, xã Thủy Phù (TX Hương Thủy), hai năm nay, ông Nguyễn Văn Bình ở xã Lộc Bổn (Phú Lộc) thuê mặt nước nuôi cá diêu hồng, ba sa, rô đầu vuông… với 54 lồng nuôi, bình quân mỗi năm lãi 300 triệu đồng. Ở hồ thủy lợi Khe Ngang, xã Hương Hồ (TX Hương Trà) cũng có một số hộ nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Ông Hoàng Ngọc Thanh ở phường Xuân Phú (TP. Huế) thuê mặt nước nuôi thử nghiệm hơn 30 lồng cá diêu hồng, ba sa… Trừ các loại chi phí con giống, thức ăn, thuốc men… mỗi năm lãi trên 100 triệu đồng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu
Ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024

Ngày 25/2, UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) tổ chức lễ ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024. Sau tiếng trống xuất quân, đoàn tàu đánh bắt xa bờ rẽ sóng ra khơi, với hy vọng một năm thắng lợi, tôm, cá đầy khoang.

Ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024
Tuyên truyền pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Ngày 25/1, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp với UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) tổ chức tuyên truyền một số quy định của pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) cho ngư dân trên địa bàn.

Tuyên truyền pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
Đánh bắt xa bờ bội thu

Dù vẫn bắt gặp nhiều khó khăn, thách thức, song đánh bắt thủy sản năm nay được xác định là năm gặt hái những kết quả đáng ghi nhận, với tổng sản lượng hơn 41 ngàn tấn.

Đánh bắt xa bờ bội thu

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top