ClockThứ Năm, 16/08/2012 06:09

Thời của Việt Nam đồng

TTH - Dù mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm không phải là cao, song Việt Nam đồng (VND) vẫn chiếm ưu thế so với các kênh đầu tư khác trong bối cảnh tính thanh khoản cần được coi trọng hơn lợi nhuận. "Nắm giữ VND là lựa chọn khôn ngoan hiện nay", nhiều chuyên gia đồng quan điểm.

Theo gợi ý của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tính thanh khoản cần được coi trọng hơn lợi nhuận.

“Ngôi vương” trong thanh khoản
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Trưởng ban Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn, giảng viên Khoa Báo chí Trường đại học Khoa học - Xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh trong lần trao đổi nghiệp vụ tại Báo Thừa Thiên Huế, về lý thuyết kinh tế, tính thanh khoản của một tài sản là khả năng quy đổi ra tiền mặt của tài sản đó. Tính thanh khoản cao là khả năng quy đổi ra tiền mặt nhanh nhất, tính thanh khoản thấp thì ngược lại. Có lẽ thế mà một số nhà đầu tư (NĐT) ở Cố đô khi được phỏng vấn đều thừa nhận, VND là có tính thanh khoản cao nhất, vì nó không cần phải quy đổi, trừ khi NĐT muốn đổi ra ngoại tệ hoặc đồng tiền khác.
 

Vàng-sự lựa chọn của một số nhà đầu tư (Giao dịch vàng tại SJC Huế)

 
Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia trong lần nói chuyện với các doanh nghiệp (DN) ở Thừa Thiên Huế, nếu xếp thứ tự thanh khoản thứ 2 đối với USD thì cần xem lại; thanh khoản của vàng có thể còn cao hơn USD. Bởi hiện việc chuyển đổi từ vàng sang VND và ngược lại còn dễ dàng và thuận tiện hơn, trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chủ trương kiểm soát chặt thị trường ngoại tệ và Nhà nước cũng không khuyến khích người dân nắm giữ ngoại tệ như hiện nay. Bằng chứng là ngay cả NĐT nước ngoài muốn chuyển đổi USD sang VND phải đăng ký giao dịch với NHNN, sau đó mới được chuyển. Hơn nữa, việc chuyển đổi từ VND sang USD còn khó khăn hơn vì bình thường muốn mua USD, các NĐT phải có lý do.
 
Thậm chí có chuyên gia còn cho rằng, nhiều khi khả năng chuyển đổi cổ phiếu sang VND có thể nhanh hơn chuyển đổi từ USD sang VND. Thế nhưng, nhiều ý kiến lại tỏ ra không đồng tình khi cho rằng, hiện cổ phiếu chỉ được giao dịch từ 8 giờ 30 sáng đến 2 giờ 15 chiều chứ không kéo dài cả ngày như vàng hay ngoại tệ. Chưa hết, phải 3 ngày sau khi mua (bán) thì cổ phiếu (tiền) mới được chuyển về tài khoản của người mua (bán). Như vậy, tính về mức độ linh hoạt của nó có hạn chế hơn so với vàng hay ngoại tệ. Song, để giao dịch một số lượng lớn tới 1.000 tỷ đồng trên thị trường mà mua vào và bán ra với cổ phiếu có tính thanh khoản cao lại dễ hơn, tốc độ lưu chuyển tiền lớn hơn so với vàng.
 
Kế tiếp là USD, vàng, chứng khoán...?
 
Các chuyên gia và NĐT tỏ ra khá đồng tình khi xếp BĐS vào vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng thanh khoản. Việc xếp BĐS đứng cuối bảng không phải là không có lý khi hiện thị trường BĐS đang trong tình trạng “ngủ đông”, giao dịch “đóng băng” khi tìm cả tháng không có người mua. “BĐS lại càng ảm đạm khi giá liên tục sụt giảm thê thảm, song giao dịch vẫn thưa thớt”, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Phúc An (Huế)-Đỗ Văn Chung than thở. Hiện, giá nhiều phân khúc BĐS đã giảm đến 30-40%, nhưng dường như vẫn chưa về đến “đáy” và vẫn vượt quá xa so với khả năng thanh toán của nhiều người dân. Dự báo, thị trường BĐS khó có thể phục hồi trong năm 2012.
 

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thanh khoản tốt nhất của các tài sản hiện nay được xếp theo thứ tự: VND, USD, vàng, cổ phiếu, trái phiếu và BĐS. Bởi mặt bằng lãi suất VND vẫn đang thực dương, khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn dưới 12 tháng ở mức 9%/năm; còn kỳ hạn trên 12 tháng lên tới 11-12%/năm. Hơn thế, lạm phát đang được kiềm chế.

Theo ông Ngô Văn Vinh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Thừa Thiên Huế, sau nhiều giải pháp quyết liệt của NHNN, thời gian qua, tỷ giá USD/VND được duy trì khá ổn định và dự báo, từ nay đến cuối năm, áp lực lên tỷ giá là không lớn và nếu có biến động cũng không quá 3%. Điều đó có nghĩa, việc nắm giữ USD là không có nhiều lợi thế. “Trong khi việc đầu tư vào vàng lại quá rủi ro do giá vàng diễn biến khá bất thường và mức độ biến động giá thường khá lớn trong một thời gian ngắn. Điều đó có nghĩa, vàng là kênh đầu tư không dành cho những NĐT nhỏ lẻ, ít vốn và thiếu kinh nghiệm, hiểu biết”, bà Nguyễn Thị Nễ, Q. Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Đà Nẵng tại Thừa Thiên Huế thừa nhận.
 
Chứng khoán cũng chưa được coi là kênh đầu tư hấp dẫn khi diễn biến thị trường thời gian qua khá lình xình, triển vọng cũng chưa rõ ràng. Xu hướng tăng điểm bền vững chỉ trở lại khi thanh khoản tăng theo khối lượng. Chưa kể kết quả kinh doanh của các DN niêm yết hiện nay còn rất yếu, quý III nhiều khả năng còn xấu hơn quý II/2012. Một số NĐT chuyên nghiệp trên địa bàn nhận định. Ông Đặng Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương APEC tại Huế đồng quan điểm.
 
Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng VND là có lợi thế hơn cả. Hơn nữa, lạm phát thấp càng củng cố xu thế ổn định của tỷ giá và gia tăng vị thế cho VND.

Bạch Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Return to top