ClockThứ Sáu, 02/09/2016 05:25

“Thời tui qua rồi, bây giờ dành cho người trẻ...”

TTH - Không chút câu nệ, ngay khi cán bộ Đảng ủy xã Thủy Bằng giới thiệu có người muốn được nghe kể chuyện đánh giặc ngày xưa ở Hương Thủy, người đàn ông già cười hiền: “Rứa mấy o muốn nghe trận mô?”… Ông là Lê Văn Nhơn, cán bộ lão thành cách mạng xã Thủy Bằng, năm nay 93 tuổi đời và 67 năm tuổi đảng.

Ông Lê Văn Nhơn  

Giọng nói, tiếng cười của ông Nhơn còn rổn rảng, cứ như con số 93 tuổi đời của ông còn ở đâu xa lắm. Ông bắt đầu bằng trận đánh Pháp trên đất Võ Xá (Thủy Bằng) vào năm 1947. Trận đó, ông Nhơn tham gia trực tiếp với vai trò của tiểu đội trưởng dân quân.

Cuối tháng 5/1947, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tiểu đoàn 18 của Trung đoàn Trần Cao Vân đã hành quân vào chiến khu Phương Hải để hỗ trợ cho phong trào các huyện phía Nam. Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định phải tổ chức một trận đánh tiêu diệt địch để mở màn cho phong trào phản công địch và bảo vệ vùng căn cứ cách mạng ở Thừa Thiên Huế. Thực hiện quyết định đó, Ban Chỉ huy Trung đoàn và Ban Chỉ huy Huyện đội Hương Thủy lập kế hoạch và chọn trận địa phục kích của ta để tiêu diệt địch tại Võ Xá.

Ông Nhơn nhớ lại: “Mình chuẩn bị khoảng 60 quân và 2 người đi chợ nấu ăn. Ăn buổi trưa, buổi tối và cả buổi sáng hôm sau nữa. Khoảng 4 giờ sáng ăn xong, ta cử Lý trưởng Chiêm (Lý trưởng của địch nhưng làm việc cho ta) chạy về đồn Tuần tin cho Pháp: “Việt Minh về thôn phá quá, đề nghị lên cứu giúp…”. Trên ni quân mình được bố trí đầy đủ ở các vị trí, đồng thời tổ chức 2 cô gái trẻ gánh hai gánh trái cây (thơm, mít, chuối…) đóng giả người đi chợ để lừa địch vào ổ phục kích của ta. Đến trưa, Pháp kéo lên ngay đèo Võ Xá. Quân địch từ dưới đi lên, 2 cô gái gánh trái cây đi từ trên xuống, đến đoạn có gài bom sẵn thì giả vờ sợ địch, thả quang gánh mà bỏ chạy. Địch thấy người nhưng không dám bắn chỉ đuổi theo đến chỗ quang gánh bị vứt lại thì xúm vô ăn…” Kể đến đây, ánh mắt ông Nhơn sáng quắc, giọng cao hơn: “Tụi hắn ham “bu” vô ăn, lệnh ông Một côi xóm “mần” một phát súng. Ui cha, súng trên về, súng dưới lên, lựu đạn “côi ni” đôi xuống, rứa là chết hơn 40 thằng tề. Có 2 thằng địch sống sót nhờ lăn xuống ruộng rồi đục rào chạy về Tuần”. Trận này, quân ta có thương vong nhưng không đáng kể, còn phía địch thì bị tiêu diệt gần cả trung đội và bắt sống hai tên lính Âu Phi do tên quan hai Pháp chỉ huy, thu được nhiều chiến lợi phẩm.

Một trận khác trong thời chống Pháp cũng được ông Nhơn nhớ lại. Trận đó, trong vai trò tiểu đội trưởng, ông Nhơn dẫn thêm 5 người đào hầm, cầm theo dây điện, bò vô sát hàng thép gai của địch ở đồn Tuần. Một đầu dây cột vào hàng thép gai, đầu còn lại cầm theo người bò trở ra. “Tụi hắn buộc lúc lắc quanh hàng thép gai, mình về hầm lôi dây điện là lúc lắc nớ cứ kêu cả đêm, bọn địch trong đồn cũng bắn ra cả đêm, bắn đến khi mô mình hết lôi, lúc lắc hết kêu thì thôi. Trận nớ, địch không chết thằng mô, nhưng tụi hắn bị tiêu hao đạn nhiều vô cùng”, ông Nhơn cười.

Điếu thuốc được châm lên từ đầu, chưa hút hơi nào cũng đã tàn hơn nửa. Ông Nhơn mặc kệ. Rồi ông nhẹ giọng: “Có trận ni hay hơn nì. Trận đánh Pháp ở cầu Vực (Thủy Châu), quân ta dùng tay đu dây qua sông, tiêu diệt gọn 2 lô cốt địch”. Trận cầu Vực, ông Nhơn cũng cầm quân, khoảng 15 anh em tiếp cận 2 lô cốt địch đang được chốt chặn khoảng 17-18 tên. Vì không thể di chuyển trên mặt đất nên anh em giăng dây đu qua sông, vác súng trên vai và đôi lựu đạn sát thương địch. “Trận nớ hay nhứt, đặc biệt nhứt. Địch bị tiêu diệt hết, quân ta hoàn thành nhiệm vụ, bảo toàn lực lượng mà lại có được thêm mấy khẩu súng nữa”, ông Nhơn vui vẻ.

Ông Nhơn tham gia dân quân từ năm 1947, đánh xong trận trên đèo Võ Xá thì gia nhập lực lượng bộ đội chủ lực, đánh ra Phủ Lý, Nam Định, Hà Nội, ngược lên Điện Biên Phủ rồi đi thẳng vào chiến trường miền Nam. “11 năm mới trở về nhà, cha không nhìn ra con, con không nhận ra cha. Khiếp luôn”, ông nhìn xa xăm.

Trở về từ các chiến trường, may mắn hơn nhiều đồng đội, đồng chí khác khi thân thể vẫn còn trọn vẹn nên ông Nhơn tiếp tục góp sức kiến thiết quê hương sau đổ nát chiến tranh và là Bí thư Chi bộ xã Thủy Bằng những năm 1976-1978. Ông cũng tự hào với gia tài “khổng lồ”: 11 Huân chương, còn Huy chương thì 2 bên áo không còn chỗ để đeo cho “ngạ” nữa. Động viên ông gìn giữ sức khỏe, chị Phạm Thị Ngọc Lĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Thủy Bằng, nắm chặt bàn tay, mong ông vững vàng cho đến ngày tự hào nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Muốn ông có vài lời nhắn nhủ dành cho lớp trẻ, nhưng ông chỉ cười - nụ cười nhẹ nhàng trong ánh mắt, cả trên khuôn má da xếp lớp nhăn nheo: “Thời của tui qua rồi, bây giờ dành cho người trẻ. Tui cũng dặn các cháu nhiều rồi, chừ không còn chi lo lắng nữa cả”.  

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top