ClockThứ Tư, 05/10/2016 09:35

Thông cáo báo chí phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016

TTH.VN - Trong 2 ngày, 3-4/10/2016, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016.

Phiên họp này, Chính phủ thảo luận 22 nội dung quan trọng về xây dựng thể chế, về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, cả năm 2016 và kế hoạch năm 2017…

Về phiên họp này, Thủ tướng nhấn mạnh chủ đề chính là: “Phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững, nỗ lực đạt mục tiêu cao nhất kế hoạch năm 2016 từ 6,3-6,5%”.

Khái quát những kết quả nổi bật về kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Quốc hội giao Chính phủ 13 chỉ tiêu, nay 11 chỉ tiêu đã được hoàn thành và hoàn thành vượt mức; chỉ còn 2 chỉ tiêu gần hoàn thành, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ mọi rào cản cho sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

“Tôi xin nhấn mạnh, không phải chỉ có quyết tâm mà phải có giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,3-6,5%”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu việc kiểm điểm tình hình cần chú ý các bất cập, nhất là phản ứng chính sách cần thiết trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam, những tác động của chính sách đã ban hành để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; chú trọng không chỉ tăng trưởng mà phải chú ý cả các chỉ tiêu xã hội, môi trường; không chỉ quan tâm chỉ tiêu năm 2016 mà cả chỉ tiêu năm 2017 và kế hoạch trung hạn 2016-2021.

Về xây dựng thể chế, tại phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận về: Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Tờ trình thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập; Báo cáo về việc bán vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom;…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ đối với các dự án luật, nghị định, nghị quyết, Tờ trình,… để tiếp tục bổ sung, sớm hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2016 tiếp tục có những chuyển biến tích cực; nền kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển; trong đó, ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo; khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phục hồi, đạt tăng trưởng… Tăng trưởng GDP quý III đạt 6,4%, cao hơn quý I (tăng 5,48%) và quý II (tăng 5,78%); tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 5,93%.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; tỷ giá ổn định; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao với tổng vốn đăng ký trong 9 tháng đầu năm ước đạt 16,43 tỷ USD. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó nổi lên là tái cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực còn chậm; năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi; vi phạm về môi trường còn xảy ra ở nhiều địa phương; đời sống nhân dân ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, bão lũ, hạn hán, vùng bị ô nhiễm môi trường… còn gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao nhiều bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, chủ động, sáng tạo, góp phần tích cực vào kết quả chung của 9 tháng đầu năm 2016; đồng thời khẳng định, qua triển khai thực hiện nhiệm vụ, hình ảnh của một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động,… bước đầu nhận được phản hồi tốt từ người dân, doanh nghiệp.

Nhấn mạnh trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ còn lại đến cuối năm 2016 là hết sức nặng nề, nhất là mục tiêu tăng trưởng GDP và xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm hành động, năng động sáng tạo, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; kiên quyết không lùi bước trước khó khăn thách thức; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; giải phóng mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển mạnh doanh nghiệp; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế quý IV, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2016, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ mục tiêu quý IV phải nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 7,1-7,3% để cả năm đạt khoảng 6,3-6,5%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành quản lý các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ,… tính toán mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và phấn đấu thực hiện quyết liệt trong quý IV/2016.

Điều hành lạm phát theo mục tiêu, không quá 5%; kiểm soát tốt thị trường, giá cả. Tiếp tục đẩy mạnh việc đưa tín dụng vào phát triển sản xuất kinh doanh, giảm lãi suất cho vay. Thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công. Có các giải pháp hiệu quả để huy động vốn trong dân vào phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Giám sát chặt chẽ hoạt động, đi liền với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý thuế, chống thất thu, nợ động thuế…

Thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục… Tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa và tấn công trấn áp các loại tội phạm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chủ động thực hiện, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các Nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành. Văn phòng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện; kiên quyết không để chậm trễ và thực hiện kém chất lượng, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể, báo cáo Chính phủ tại phiên họp hàng tháng. Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc phát sinh và biện pháp giải quyết.

Đề cập tới nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng yêu cầu mỗi bộ, ngành cần dự thảo Kế hoạch hành động của bộ, ngành mình với tinh thần tấn công, đột phá. Cần nhận diện chính xác thách thức lớn nhất đối với bộ, ngành mình, tìm ra nguyên nhân và các giải pháp hiệu quả khắc phục để tạo ra những đột phá trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Xây dựng bộ chỉ số đánh giá làm thước đo kết quả đạt được trên từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện quyết liệt tái cơ cấu nợ công, ngân sách; đây là nhiệm vụ vừa cấp bách và vừa lâu dài, cần có bước chuyển mạnh mẽ hơn trong năm 2017. Tăng cường quản lý hiệu quả tài sản công; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh trao quyền tự chủ, xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục tập trung mạnh vào tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu; hướng ưu tiên tín dụng cho phát triển sản xuất, không để phát sinh nợ xấu mới…

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ

Trước thềm Diễn đàn với 12 phiên họp khai mở, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ với báo chí xung quanh nội dung cũng như kỳ vọng về Diễn đàn Báo chí Toàn quốc trong khuôn khổ “Hội Báo toàn quốc 2024”. Diễn đàn với 12 phiên thảo luận nhiều vấn đề cấp thiết đặt ra với báo chí đang được kỳ vọng mở ra con đường mới cho các cơ quan báo chí thích ứng và phát triển, phục vụ và đóng góp đắc lực cho quốc gia, dân tộc.

Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ
Xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 10%

Tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 2/2024 diễn ra chiều 29/2, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tập trung rà soát, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, chủ động phương án, xây dựng kịch bản phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 10%, cao hơn Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra (8,5 - 9,5%).

Xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 10
Return to top