ClockThứ Bảy, 21/10/2017 05:56
CÁ LỒNG NUÔI TRONG ĐẦM LĂNG CÔ BỊ CHẾT:

Thông số pH trong mẫu nước cao hơn bình thường

TTH - Kết quả đo nhanh cho thấy, tất cả các mẫu nước được lấy ở vị trí lồng nuôi trên đầm Lăng Cô (Lăng Cô, Phú Lộc), có thông số pH đo được dao động từ 8,9-9,1- cao hơn giá trị giới hạn của thông số chất lượng nước quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển, có thể ảnh hưởng đến sự sống và phát triển của thủy sản trong đầm.

Tìm nguyên nhân cá chết trên đầm Lăng Cô

Cá lồng nuôi chết hàng loạt trên đầm Lăng Cô

pH cao hơn bình thường

Chiều 20/10, Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh (CCBVMT, Sở TN&MT) cho biết, đơn vị có báo cáo sơ bộ về kết quả bước đầu chất lượng nước khu vực đầm Lăng Cô, nơi diễn ra hiện tượng cá lồng nuôi của người dân thị trấn Lăng Cô bị chết hàng loạt từ đầu tháng 10 đến nay. Ngày 15/10, ngay sau khi nhận được tin báo từ UBND huyện Phú Lộc, CCBVMT tỉnh đã tiến hành khảo sát, đo nhanh, và lấy mẫu nước để phân tích ở khu vực nuôi cá lồng của các hộ dân và khu vực nước đầm gần công trình thi công hầm đường bộ Hải Vân (thuộc Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân, do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư).

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng CCBVMT tỉnh cho biết, do hiện nay chưa có quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước đầm phá, Sở TN&MT tạm thời so sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển. Theo kết quả đo nhanh cho thấy, tất cả các mẫu nước (kể cả các vị tri lồng nuôi đo nhanh ở tầng mặt, giữa và đáy) trên khu vực đầm Lăng Cô đều có hàm lượng oxy hòa tan trong nước lớn hơn 5,0, đảm bảo giá trị giới hạn của thông số chất lượng nước phù hợp với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh. Tuy nhiên, tại các mẫu đo nhanh có thông số pH đo được dao động từ 8,9-9,1, cao hơn giá trị giới hạn của thông số chất lượng nước quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (từ 6,5-8,5). Do vậy, sự sống và phát triển của thủy sản trong đầm Lăng Cô có thể bị ảnh hưởng bởi sự biến động tăng cao của chỉ số pH so với bình thường. “Tuy nhiên, cần tăng cường tần suất quan trắc chất lượng nước trong đầm để có sự theo dõi về diễn biến độ pH, đồng thời có cơ sở khoa học để chứng minh sự ảnh hưởng của pH cao đối với đời sống thủy sản”, ông Hùng cho biết thêm.

Cũng theo ông Hùng, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, để có cơ sở nhận định nguyên nhân về hiện tượng cá chết ở đầm Lăng Cô, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở NN&PTNT kiểm tra lượng thủy sản chết ở trong đầm có xuất phát từ nguyên nhân nhiễm bệnh hay không, đồng thời nghiên cứu sự ảnh hưởng của pH ở giá trị cao đối với đời sống thủy sản.

Tăng cường quan trắc môi trường

Sở TN & MT vừa có văn bản gửi Ban Quản lý Dự án hầm đường bộ Hải Vân về việc tăng cường thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân. Ông Lê Bá Phúc, Phó Giám đốc sở TN&MT cho biết, qua rà soát các công trình, dự án có khả năng gây ảnh hưởng đến chất lượng nước đầm Lăng Cô, có hoạt động thi công của Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân. Do đó, Sở TN&MT yêu cầu Ban Quản lý Dự án hầm đường bộ Hải Vân thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công đã cam kết theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đảm bảo chất thải phát sinh được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quy định trước khi thải vào nguồn tiếp nhận. Trước đó, đơn vị này có gửi báo cáo kết quả quan trắc chất lượng môi trường trong quá trình thi công của dự án về Sở TN&MT. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện quan trắc môi trường chưa có sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Do vậy, Sở TN & MT yêu cầu Ban Quản lý Dự án hầm đường bộ Hải Vân thực hiện đúng quy định về giám sát hoạt động qua trắc môi trường định kỳ đã được sở này hướng dẫn.

Cũng theo ông Phúc, đơn vị cũng đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh (đã được UBND tỉnh phân cấp, phân quyền quản lý), thực hiện việc giám sát các công trình đang thi công trên địa bàn khu kinh tế có nguồn thải ảnh hưởng đến chất lượng nước đầm Lăng Cô, yêu cầu chủ dự án thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, tránh để chất thải chưa qua xử lý thải vào nguồn nước trong đầm Lăng Cô; tham gia, chủ trì, phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan trong việc giải quyết sự cố môi trường trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô.

Như Báo Thừa Thiên Huế trước đó đã thông tin, từ đầu tháng 10 đến nay, hiện tượng cá lồng nuôi (chủ yếu là cá bớp) của các hộ dân ở khu vực đầm Lăng Cô chết hàng loạt. Người dân cho rằng nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do công trình hầm Hải Vân đang thi công gần đó làm ảnh hưởng đến nguồn nước. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục tìm nguyên nhân sự việc.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị

Trong một báo cáo ngày 28/2, Liên Hiệp Quốc cho biết thế giới đã tạo ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị vào năm ngoái và lượng rác thải này ước tính sẽ tăng thêm 2/3 vào năm 2050, đồng thời cảnh báo về những tổn thất nặng nề đối với sức khỏe, nền kinh tế và môi trường.

Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị
Return to top