Thừa Thiên Huế cuối tuần Cây xanh xứ Huế
Thông thiên - người bạn đồng hành với cây trúc đào
TTH - Cũng trên chuyên mục này, quý độc giả đã có lần tiếp cận cây trúc đào - một loài cây cảnh đẹp nhưng độc hại. Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu cùng quý độc giả một loài cây cảnh cùng họ hàng với cây trúc đào, cũng được nhiều người ưa chuộng, hiện đang được trồng nhiều ở các công viên, công sở, trường học, thậm chí cả trong sân vườn... mà người trồng lắm khi không thấy được đó là một cái bẫy sinh học đáng gờm, có thể gây tử vong cho bất kỳ ai lạm dụng nó.
Đó là cây thông thiên, tên tiếng Trung là hoàng hoa giáp trúc đào (trúc đào hoa vàng), tên tiếng Anh là be still tree, tên khoa học là Thevetia peruviana, họ Trúc đào - Apocynaceae. Thông thiên có nguồn gốc từ Mexico và một số nước Trung Mỹ, có quan hệ họ hàng rất gần với trúc đào. Là một loài cây bụi hay cây gỗ nhỏ thường xanh, lá hình kiếm, thon nhỏ, màu xanh sáng, mọc tập trung dày đặc ở đầu cành; hoa dạng loa kèn khá lớn, màu vàng, vàng cam hoặc đôi khi màu trắng. Toàn thân có nhựa mủ trắng chứa một loạt chất glycoside tim, điển hình là thevetin A và thevetin B, có tác dụng vượng tim và kích thích hệ tiêu hóa như chất neriin trong thân cây trúc đào.
Chính các chất glycoside này sẽ gây độc mạnh cho cơ thể người và động vật khi bị nhiễm liều cao. Những hội chứng phổ biến do nhiễm chứng như: tê cóng, lở loét miệng, buồn nôn và nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy... Những triệu chứng khác cũng thường gặp là buồn ngủ, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim. Tất cả các bộ phận của cây đều có độc tố, đặc biệt hạt có độc tính cao nhất. Nuốt một vài hạt có thể dẫn đến tử vong. Cũng như trúc đào, mủ của thông thiên vấy vào da sẽ gây dị ứng, có thể làm bong rộp da tùy cơ địa từng người, mủ vấy vào mắt sẽ gây tổn thương giác mạc. Ngoài thevetin A và B, trong mủ của thông thiên còn có các glycoside tim khác như: thevetoxin, peruvoside, ruvoside và nerifolin.
Thông thiên hoa vàng

Thông thiên hoa trắng