ClockThứ Bảy, 20/10/2018 07:45

Thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và nữ

Một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất trong sửa đổi Luật Lao động là vấn đề tuổi nghỉ hưu của nữ giới sẽ được tiệm cận hơn với tuổi nghỉ hưu nam giới.

Lao động trong lĩnh vực thủy sản sử dụng nhiều lao động nữ. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tại hội thảo tham vấn thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Luật Lao động mới đây, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Theo quy định hiện hành, nữ giới được ưu tiên về hưu trước 5 năm so với nam giới. Nếu áp ngay tuổi nghỉ hưu theo đề xuất là nữ giới 60 tuổi và nam 62 tuổi sẽ dẫn đến tình trạng chưa chắc đã bình đẳng và sốc với nhiều người.

“Do đó, các phương án sửa Luật lao động đang được đưa ra để nghiên cứu, xem xét phương án nào là hợp lý. Hiện nay có rất nhiều quan điểm về bình đẳng. Có quan điểm cho rằng tuổi nghỉ hưu của hai giới bằng nhau mới là công bằng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng tuổi nghỉ hưu của nữ thấp hơn cũng là bình đẳng, bởi còn các yếu tố về tâm, sinh lý... Hiện tại, dự thảo mới đưa ra lấy ý kiến và phải nghiên cứu kỹ theo nhóm và theo giới. Đơn cử, nếu lấy ý kiến từ người lao động thì chắc chắn sẽ nhận được sự phản đối ở những đối tượng lao động nặng nhọc không muốn làm quá 55 tuổi, chưa nói đến 60 tuổi. Còn nhóm làm hành chính, nếu vẫn ở mốc 55 tuổi, chắc họ cũng không đồng tình. Do đó, đợt lấy ý kiến dự thảo Luật Lao động sửa đổi lần này nên lấy công bằng giữa các nhóm. Tuy nhiên, tinh thần của Luật Lao động sửa đổi sẽ tăng tuổi nghỉ hưu và thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ”, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Còn ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), đơn vị chủ trì về soạn thảo Luật Lao động sửa đổi cho biết: Lần sửa đổi này tiếp tục giữ nguyên các quan điểm về bình đẳng giới đã được thực hiện ổn định, từng bước đi vào cuộc sống. Đối với những điều đã quy định nhưng chưa được thực hiện đầy đủ cần tiếp tục quy định rõ các giải pháp cơ chế chính sách. Điểm mới được nhiều người quan tâm tại Luật Lao động sửa đổi là tuổi nghỉ hưu sẽ quy định theo hướng rút dần khoảng cách giữa nam và nữ.

Đối với nam đang quy định là 60 tuổi , nữ 55 tuổi thì theo phương án 1 từ năm 2021 cứ mỗi năm, nam tăng 3 tháng, nữ 4 tháng cho đến khi đủ 62 đối với nam, đủ 60 với nữ. Phương án 2 là tất cả tăng 6 tháng cho đến khi nam đủ 62, nữ đủ 60 từ năm 2021. Việc tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp ổn định Quỹ BHXH về lâu dài.

“Luật sửa đổi theo hướng là các quy định không ngăn cấm đối với việc sử dụng lao động, đảm bảo tất cả lao động có quyền lựa chọn việc làm, cơ hội việc làm. Nhưng với những danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản, bà mẹ mang thai nuôi con nhỏ thì có thể phải quy định có quyền lựa chọn, tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ có lựa chọn. Theo đó, cơ quan sử dụng lao động có trách nhiệm phải thông báo các thông tin về công việc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, ông Bốn cho biết.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rút ngắn khoảng cách công nghệ số

Tiếp cận với internet và sử dụng một số thao tác trên nền tảng này đối với 2/3 dân số cả nước có lẽ đã là điều bình thường.

Rút ngắn khoảng cách công nghệ số
Pháp đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 64 tuổi

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne hôm qua (10/1) đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu hợp pháp lên 64 tuổi vào năm 2030, có nghĩa là người lao động Pháp sẽ phải làm việc thêm hai năm nữa trước khi về hưu. Đề xuất này, cùng với thông báo về một cuộc đại tu hệ thống lương hưu, dự kiến sẽ vấp phải nhiều sự phản đối của công chúng, khiến các công đoàn kêu gọi đình công và biểu tình.

Pháp đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 64 tuổi
Return to top