ClockThứ Hai, 21/03/2016 06:54

“Thủ lĩnh” Đoàn năng động, sáng tạo

TTH - Với tinh thần ham học hỏi, phấn đấu và cống hiến không ngừng, “thủ lĩnh thanh niên” Lâm Văn Long, Bí thư Đoàn phường Hương Hồ (Hương Trà) vinh dự là một trong 85 cán bộ, đoàn viên tiêu biểu của cả nước được nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2016 vào ngày 25/3 tới.

Người “thủ lĩnh” làm kinh tế giỏi

Vẻ bề ngoài, Lâm Văn Long đậm chất nông dân. Nước da ngăm và gương mặt chững chạc, già dặn so với tuổi 32, nhưng khi trò chuyện, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ với sự năng động, dám nghĩ, dám làm và thành tích học tập đáng nể của anh.

Mô hình trồng hoa, đúc chậu của thủ lĩnh Đoàn Lâm Văn Long đạt hiệu quả cao

Gắn bó với phong trào Đoàn từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Văn Long để lại dấu ấn với nhiều phong trào khi làm Bí thư chi đoàn thôn Xước Dũ (nay là tổ dân phố 8) từ năm 2006. Để thu hút đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia sinh hoạt, anh tổ chức làm báo tường định kỳ hàng quý và treo trang trọng tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn. “Các bài văn, thơ tự sáng tác dù chưa thật xuất sắc nhưng không riêng tác giả mà gia đình cũng rất tự hào khi tác phẩm của con em mình được “lên” báo tường. Qua đó, tôi còn đăng tải nhiều hoạt động, sinh hoạt của Đoàn và các bài hát về Đoàn, Hội cho thanh niên (TN) cùng xem”, Văn Long hào hứng kể. Hay việc thành lập Quỹ “Tấm lòng vàng” của thôn với sự đóng góp của ĐVTN và các nhà hảo tâm để có kinh phí giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết... Những hoạt động như vậy vẫn được duy trì cho đến nay.

Nhận thấy, dù là địa phương có truyền thống trồng hoa Tết nhưng mô hình trồng cúc chậu chưa có, năm 2009, Long “khăn gói” đi học nghề đúc chậu và trồng hoa cúc ở Thủy Vân (Hương Thủy). “Thời điểm đó, vừa học văn bằng 2 về Triết học (trước đã tốt nghiệp cử nhân văn hóa du lịch hệ chính quy), tôi vừa tranh thủ học nghề. Một phần để tăng thu nhập cho gia đình, nhưng đồng thời nhằm thu hút TN địa phương cùng tham gia phát triển kinh tế”, anh cho hay. Sau khi “tầm sư học đạo” trở về, anh đã “biến” 4 sào đất ruộng của gia đình thành mô hình trồng cúc chậu bán Tết và trồng hoa lan cắt cành (Môkara) có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Thấy hiệu quả, nhiều TN địa phương đã đến học tập và làm theo, đem lại thu nhập tương đối ổn định.

Sát cánh cùng thanh niên

Luôn hăng hái, nhiệt tình trong mọi hoạt động, phong trào của tuổi trẻ, anh nhanh chóng khẳng định được vị trí, vai trò của mình sau khi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn phường Hương Hồ (năm 2011). Khi đó, hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc đoàn kết, tập hợp TN, sinh hoạt chi đoàn, kinh phí hoạt động... Bằng sự nhiệt huyết, sáng tạo, không ngừng đổi mới và “bí quyết” thu hút TN, anh đã từng bước khắc phục khó khăn, đưa Đoàn TN phường Hương Hồ trở thành một trong 3 đơn vị dẫn đầu của phong trào thị xã.

Giải thưởng Lý Tự Trọng do Trung ương Đoàn trao tặng hàng năm nhằm vinh danh các cán bộ Đoàn, đoàn viên đã lập nhiều chiến công trong thực hiện nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, nghiên cứu khoa học, trong công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi...   

“Hàng năm, các hoạt động văn nghệ thay vì Đoàn phường đứng ra phụ trách, các Đoàn cơ sở phối hợp tham gia, thì tôi làm... ngược lại”, Long cho hay. Qua đó, giúp đoàn kết và thu hút ĐVTN có trách nhiệm với hoạt động địa phương. Các chương trình văn nghệ được đầu tư bài bản, công phu và được tổ chức bán vé nhằm gây quỹ giúp đỡ các gia đình chính sách. “Gây tiếng vang” đến mức, trước mỗi lần tổ chức văn nghệ bà con lại hỏi thăm vé có bán không để mua, chị Hoài Thanh, ĐVTN phường vui vẻ kể.

Dù kinh phí hoạt động hạn chế, nhưng định kỳ hàng năm, Đoàn phường đều tổ chức thành công giải bóng đá mini nam, nữ nhờ mô hình “xã hội hóa kinh phí hoạt động” và phần thưởng là cộng điểm thi đua hàng năm. Nhờ đó, các hoạt động văn hóa, thể dục-thể thao không chỉ tạo được sân chơi cho TN mà còn thu hút được sự quan tâm của xã hội. Khi được hỏi bí quyết để tổ chức các hoạt động vừa không tốn tiền ngân sách mà còn có thêm kinh phí cho các hoạt động vì cộng đồng, Bí thư Lâm Văn Long thẳng thắn nói: “Đó là nhờ tạo được uy tín trong ĐVTN và Nhân dân từ những hoạt động thiết thực, hiệu quả”.

Vừa qua, sau dịp phường ra mắt cuốn Lịch sử Đảng bộ, Long đề xuất và được sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, Đoàn phường đã tổ chức thành công cuộc thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ phường nhằm giúp ĐVTN hiểu thêm về truyền thống, thêm tự hào và yêu quý quê hương. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức cuộc thi này và qua đó tạo được hiệu ứng tốt trong ĐVTN. 

Luôn xung phong đi đầu và là người “thắp lửa” cho các phong trào, nhưng khi nói về mình, Bí thư Đoàn Lâm Văn Long khiêm tốn: “Thành tích mà tôi đạt được là thành quả của cả tập thể. Vì vậy, vinh dự và tự hào khi được nhận giải thưởng Lý Tự Trọng nhưng tôi cũng phải rèn luyện, học tập nhiều hơn để làm sao xứng đáng với sự tin tưởng mà mình được nhận”.

Nhận xét về Lâm Văn Long, Bí thư Thị đoàn Hương Trà Nguyễn Tiến Giang cho biết: “Không chỉ là cán bộ Đoàn mẫu mực, năng động, sáng tạo, Lâm Văn Long còn là thanh niên làm kinh tế giỏi, là tấm gương để các TN phấn đấu và noi theo”. 

Với tinh thần ham học hỏi, phấn đấu và cống hiến không ngừng, “thủ lĩnh thanh niên” Lâm Văn Long đã được ghi nhận bằng nhiều bằng khen, giấy khen các cấp; Trung ương Đoàn tặng Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” năm 2013 và là ĐVTN duy nhất được Thị ủy Hương Trà tuyên dương, khen thưởng về “Học tập và làm theo lời Bác” liên tục từ năm 2007 đến nay.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế

Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng để gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với tôn chỉ hướng tới là thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc. Trong những lĩnh vực đó, Thừa Thiên Huế chọn ưu thế về tiêu chí Ẩm thực để tiến hành điều nghiên, lập hồ sơ trình xét trong năm 2024.

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế
"Trạm cá chép siêu tốc" tiễn ông Táo

Từ một vài phường xã triển khai, đến nay, mô hình Trạm tiễn ông táo tập trung được nhiều đơn vị nhân rộng ở TP. Huế. Ngoài bảo vệ môi trường, cách làm sáng tạo này còn góp phần nâng cao ý nghĩa của ngày 23 tháng Chạp.

Trạm cá chép siêu tốc tiễn ông Táo
Phát huy tiềm lực đội ngũ trí thức khoa học công nghệ

Chiều 19/1, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) tổ chức hội thảo khoa học "Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và hội nghị triển khai công tác năm 2024.

Phát huy tiềm lực đội ngũ trí thức khoa học công nghệ
Return to top