ClockThứ Tư, 15/07/2015 15:40

Thu lợi bất chính từ bán tượng phật giả cổ

TTH.VN - Một nhóm đối tượng ở Tây Ninh ra Huế dùng thủ đoạn lừa bán tượng phật giả cổ tại các chùa vừa bị triệt phá.

Ngày 15/7, Thượng tá Võ Văn Sáu, Phó trưởng Công an TP Huế xác nhận: Công an TP Huế vừa làm rõ một nhóm 8 đối tượng từ Tây Ninh ra Huế thuê nhà trọ để bán tượng phật bằng đồng giả cổ nhằm thu lợi bất chính nhiều triệu đồng.

 
Các tượng bằng đồng bình thường được nhóm đối tượng bôi bẩn để giả cổ vật bán cho các thầy ở chùa thu lợi bất chính
 
Nhóm đối tượng này gồm: Trần Văn Thiện (SN 1980), Đặng Văn Trường (SN 1984), Lê Hoài Phong (SN 1981), Nguyễn Minh Sang (SN 1983), Lê Đức Thành (SN 1982), Nguyễn Lộc Tuyên (SN 1984), Phạm Văn Bích (SN 1984), Nguyễn Văn Chung (SN 1984), cùng trú các huyện: Gò Dầu, Hiệp Thành, Dương Minh Châu; tỉnh Tây Ninh.
 
Ngày 13/7, Nguyễn Minh Sang chạy xe máy đến chùa Hải Đức (đường Phan Bội Châu, TP Huế) gặp sư thầy Trần Đình Th. để gạ bán những “bức tượng đồng cổ”. Thấy nghi ngờ, thầy Th. đã bí mật báo cơ quan công an đến đưa đối tượng này cùng tang vật về trụ sở làm việc. Tại đây, Công an TP Huế xác định, một nhóm đối tượng gồm 8 người từ Tây Ninh dùng các loại tượng đồng giả cổ để bán lại cho người dân trên địa bàn với giá cao nhằm thu lợi bất chính.
 
Nhóm đối tượng bước đầu thừa nhận, được sự hướng dẫn của Võ Văn Phong (trú An Nhơn, Bình Định), các đối tượng ra Huế tổ chức bán tượng phật bằng đồng giả cổ rất được giá. Nguồn hàng sẽ do Phong chuyển ra sau.
 
Để thực hiện hành vi của mình, 8 đối tượng ra Huế, thuê nhà nghỉ B. A. ở cạnh bến xe phía bắc TP Huế ở lại từ 3/7- 13/7. Thiện và Trường nhận hàng của Phong chuyển ra 3 lần gồm 11 tượng quan âm nhỏ, 18 hồ lô nhỏ, 4 tượng phật tổ lớn, 6 ấm trà (bình tích), 7 tượng quan âm lớn, 5 hồ lô lớn, tất cả đều làm bằng đồng.
 
Thiện khai nhận, các loại tượng trên được Phong lấy với giá từ 400.000 đồng đến 1,2 triệu đồng (tùy theo loại nhỏ, to). Theo đó, 8 đối tượng chia làm 4 phòng, mỗi phòng 2 người để đi bán các loại tượng nói trên. Trong thời gian 10 ngày lưu lại Huế, Trường và Thiện bán được một số hàng tổng giá trị 4 triệu đồng, hưởng lợi 1,6 triệu đồng, rồi tiền lãi chia hai.
 
Cũng với thủ đoạn trên, Phong và Tuyên ra Quảng Trị bán được 5 triệu đồng, lãi 2,7 triệu đồng, chia đôi. Sang bán được 6 triệu đồng. Đến ngày 13/7, Sang đến chùa Hải Đức bán thì bị phát hiện mời về công an làm việc. Riêng Chung chưa bán được món đồ nào.
 
Công an TP Huế đang làm việc với các đối tượng 
 
 
Các đối tượng khai nhận, sau khi nhận hàng của Phong gửi ra từ Bình Định, để tạo niềm tin của “con mồi”, các đối tượng dùng đất ruộng lấy gần bến xe phía bắc bôi bẩn lên tượng phật. Sau đó, các đối tượng cũng ăn mạc áo quần bẩn đóng như người vừa làm ở các công trình xây dựng cùng các tượng phật trên đến các chùa bảo rằng mình vừa đào được các bức tượng phật ở công trình xây dựng, có đưa về nhà thờ được không.
 
Khi một số thầy ở các chùa bảo rằng đó là đồ cửa phật, không thể đưa về nhà thờ cúng, chỉ để ở chùa thờ tự, thì các đối tượng gạ gẫm để bán với giá rẻ. Nhưng thực chất đó là các món đồ được làm giả được mua giá rẻ để bán lại với giá “cắt cổ” nhằm hưởng chênh lệch. Công an TP Huế đã thu giữ của nhóm đối tượng trên gần 30 triệu đồng, 27 cuộn dây điện, một số áo quần, mũ của thợ ngành điện, nhiều món đồ đồng giả cổ, 6 điện thoại di động, 3 xe máy…
 
Rõ ràng, các đối tượng đã có hành vi gian dối bán hàng với giá cao nhằm thu lợi bất chính. Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Huế đang tạm giữ số tang vật trên cùng giấy tờ tùy thân của nhóm đối tượng để mở rộng điều tra. Đồng thời, làm việc với các bị hại, xác định nguồn gốc số tài sản và thành lập hội đồng giám định định giá số hàng hóa trên để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
 
Thượng tá Võ Xuân Thiện, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Huế cho biết đang cảnh báo về phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này để người dân, nhất là các sư thầy ở chùa biết để cảnh giác.           
 
Liên quan đến nhóm đối tượng này, Công an TP Huế còn lãm rõ 2 đối tượng Lê Đức Thành (SN 1982, trú ấp 6) và Phạm Văn Bích (SN 1984, trú Ấp 3, cùng xã Bàu Đồn, Gò Dầu, Tây Ninh) thu 5 bộ áo, quần, mũ của thợ điện (màu vàng) cùng 27 cuộn dây điện. Số tang vật này được Thành và Bích đóng giả thợ điện đang thi công công trình còn dư đem bán.
Thái Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

TIN MỚI

Return to top