ClockThứ Năm, 29/09/2016 09:24

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT giải đáp ba vấn đề nóng kỳ thi THPT quốc gia 2017

Phương án thi trung học phổ thông quốc gia chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chiều 28/9 về cơ bản không khác nhiều so với dự thảo trước đó.

Kỳ thi vẫn gồm 5 bài thi Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học Xã hội (gồm ba môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) và Khoa học Tự nhiên (gồm ba môn Lý, Hóa, Sinh).

Trừ môn Văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Việc tổ chức cụm thi vẫn giao cho các sở giáo dục và đào tạo chủ trì.

Chia sẻ tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, Bộ hiểu với kỳ thi này, dư luận băn khoăn 3 điểm: Bài thi tổ hợp như thế nào, công bố điểm ra sao? Bài thi môn Toán trắc nghiệm có đánh giá được năng lực học sinh? Có nghiêm túc không khi giao cho các địa phương?

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga

Điều chỉnh bài thi tổ hợp

Cụ thể, với bài thi tổ hợp, học sinh và giáo viên lo lắng khi thí sinh sẽ phải thi số môn tăng lên trong khi chỉ còn một năm học nữa. Lãnh đạo các trường đại học cho rằng chỉ với 20 câu hỏi thi trắc nghiệm trong thời gian 30 phút mỗi môn như dự thảo sẽ không thể đủ để đánh giá năng lực thí sinh.

Việc tổ chức một bài thi chung trong khi có đến ba môn thi thành phần cũng sẽ dẫn đến tình trạng thí sinh có thể dùng toàn thời gian cho ba môn chỉ để làm một môn, nhằm đạt điểm cao xét tuyển vào đại học. Điều này tạo nên sự không công bằng trong thi cử.

Thứ trưởng Ga cho biết, tiếp thu các ý kiến này, Bộ đã có điều chỉnh xung quanh bài thi tổ hợp về thời gian thi, số lượng câu hỏi và cách tổ chức thi và chấm thi.

Cụ thể, số lượng câu hỏi bài thi tổ hợp tăng gấp đôi, từ 60 câu (mỗi môn 20 câu) trong dự thảo lên 120 câu (mỗi môn 40 câu), thời gian làm bài ban đầu dự kiến là 90 phút, tăng lên 150 phút.

Bộ cũng quy định rõ khi làm bài thi tổ hợp, mỗi môn thi thành phần làm trong 50 phút. Sau khi làm xong mỗi môn, thí sinh phải nộp bài và nhận đề thi môn tiếp theo.

“Như vậy sẽ không thể xảy ra tình trạng thí sinh dùng thời gian thi môn này để làm bài môn khác,” ông Ga nhấn mạnh.

Điểm bài thi tổ hợp gồm hai loại điểm là điểm tổng hợp của cả bài và điểm của từng môn thành phần. Cả hai loại điểm đều tính theo thang điểm 10. Việc tính điểm môn thành phần theo thang điểm 10 sẽ tạo thuận lợi cho các trường trong xét tuyển.

Trước lo lắng của học sinh, giáo viên về việc khó ôn tập kịp khi thi nhiều môn hơn, ông Ga cho biết, khác với mọi năm, nội dung thi nằm trong chương trình của cả bậc trung học phổ thông, năm 2017, nội dung thi chỉ nằm trong chương trình lớp 12. “Vì thế, học sinh cứ yên tâm tập trung học tập đạt kết quả tốt,” ông Ga nói.

"Kỳ thi sẽ nhẹ nhàng"

Về vấn đề trắc nghiệm môn Toán, theo ông Ga, trong hơn 10 năm qua, Bộ tổ chức thi trắc nghiệm các môn Lý, Hóa, Sinh, hình thức này đã thể hiện được tính ưu việt và có độ phân hóa điểm cao. 

“Chúng ta hiểu mục đích kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là xét tốt nghiệp và cung cấp kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng. Đây không phải là kỳ thi học sinh giỏi. Và với mục đích như vậy thi trắc nghiệm hay tự luận đều được. Nhưng với quy mô của thi trung học phổ thông quốc gia thì thi trắc nghiệm có ưu việt hơn,” ông Ga nói.

Thứ trưởng Ga cũng cho biết, Bộ có kinh nghiệm trong ra đề thi và có hướng dẫn hàng năm đối với các nhà trường và học sinh trong việc thi trắc nghiệm nên hình thức này không xa lạ.

Bên cạnh đó, Bộ đã tập hợp các nhóm chuyên gia làm công tác đề thi và tiến hành vào đầu tháng 10 tới, đảm bảo đến năm sau có ngân hàng đề thi đáp ứng được yêu cầu. 

"Đầu tháng 10, Bộ sẽ công bố đề thi minh họa để thí sinh và giáo viên biết, tham khảo," ông Ga cho biết.

Tính nghiêm túc của kỳ thi cũng là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Năm 2016, các trường đại học cử giảng viên về coi thi và chủ trì cụm thi. Năm nay, Bộ giao cho các sở giáo dục và đào tạo chủ trì. Nhiều lãnh đạo các trường đại học cho rằng điều này sẽ khó đảm bảo tính khách quan của kỳ thi, tính trung thực của điểm thi, dẫn đến sự không công bằng giữa các thí sinh ở những cụm thi có mức độ nghiêm túc khác nhau.

Tuy nhiên, ông Ga khẳng định đây là vấn đề đã được Bộ tính toán đến. Theo đó, Bộ sẽ cử một số ít cán bộ của các trường đại học, cao đẳng về tham gia tổ chức kỳ thi, nhất là khâu chấm thi. 

“Đặc biệt, chúng ta có hàng rào kỹ thuật là thi trắc nghiệm, mỗi em một đề, chấm thi bằng máy quét nên đảm bảo được sự công bằng, khách quan. Vì vậy, các trường đại học cứ yên tâm sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào trường mình,” Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 và Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT ngày 24/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Công bố dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top