ClockThứ Sáu, 09/02/2018 08:36

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản hỏa tốc gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Phùng Xuân Nhạ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Văn bản hỏa tốc của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Văn bản hỏa tốc này cho hay, sau khi Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017, có nhiều thông tin (kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng) phản ánh số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến so với các năm trước.

Bên cạnh đó là nhiều lo ngại về chất lượng như không có đủ sách hoặc bài báo khoa học, không có đủ thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học...

Một số thành viên hội đồng có rất ít (thậm chí không có) công bố nghiên cứu khoa học quốc tế so với các ứng viên.

Không ít thông tin cho rằng đã có những dấu hiệu không bình thường khi thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một "đợt vét" trước khi có quy định mới về tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư và có ứng viên phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Văn phòng Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước...

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/2/2018.

Trước đó, ngày 2/2, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã công bố số lượng các tân giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) được công nhận năm 2017. Theo đó năm 2017 Việt Nam có thêm hơn 1.200 tân GS, PGS.

Giải thích về việc GS, PGS tăng đột biến, GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký HĐCDGSNN cho hay, năm 2017, thời điểm thông báo kế hoạch triển khai xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS bắt đầu vào tháng 7 (những năm trước vào tháng 1), do đó thời gian kết thúc nhận hồ sơ trễ hơn mọi năm khoảng 6 tháng (đầu tháng 11 so với cuối tháng 5 những năm trước).

Lý do khách quan của việc trễ này là phải chờ đợi văn bản mới thay thế văn bản cũ (Quyết định 174 và Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên do văn bản mới cần tham khảo ý kiến rộng rãi của nhiều đối tượng khác nhau nên cho đến nay vẫn chưa được ban hành.

So với năm 2016, số ứng viên nộp hồ sơ để xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2017 tăng mạnh, cụ thể tổng số ứng viên nộp hồ sơ là 1.537, trong đó có 151 ứng viên GS và 1.386 ứng viên PGS.

Sau khi xem xét ở 3 cấp Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, đã có 1.226/1.537 (79,76%) ứng viên đạt tiêu chuẩn, trong đó ứng viên GS là 85/151 (56,29%), ứng viên PGS là 1.141/1.386 (82,32%). So với năm 2016 tổng số GS, PGS được công nhận năm 2017 tăng 1,7 lần.

Bên cạnh việc tăng về số lượng, so với năm 2016 và các năm trước, chất lượng khoa học của các ứng viên đã tăng lên một bước rõ rệt và ngày càng tiệm cận tới các chuẩn mực quốc tế. Số lượng các bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (ISI và Scopus) của các ứng viên tăng mạnh. Năm 2017 (có 5.316 bài) tăng 2,1 lần so với năm 2016 (2.510 bài).

Cụ thể, Vật lý: 1.177 bài, Hóa học - Công nghệ thực phẩm: 1.027 bài, Y học: 674 bài, Sinh học: 597 bài, Toán học: 265 bài,... Ứng viên của một số ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng đã có bài báo đăng trên các tạp chí ISI và Scopus, cụ thể: Kinh tế: 102 bài, Triết học-Xã hội học-Chính trị học: 14 bài,...

Năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh của các ứng viên tốt hơn các năm trước, nhất là các ứng viên trẻ, các ứng viên được đi du học theo Đề án 322, Đề án 911 của Chính phủ Việt Nam, ứng viên của các cơ sở giáo dục đại học có hợp tác quốc tế hiệu quả.

Nhiều ứng viên thành thạo 2 ngoại ngữ, tham gia giảng dạy ở các trường đại học nước ngoài hay dạy các chương trình bằng tiếng nước ngoài ở các trường đại học trong nước. Các ứng viên trẻ và giỏi với nhiều công bố quốc tế có giá trị và trình độ tiếng Anh tốt cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nhanh số lượng tân GS, PGS.

Tuy nhiên, sau đó nhiều chuyên gia đã có những phân tích đánh giá các vấn đề “bất ổn” về việc GS, PGS tăng đột biến chẳng hạn như có ứng viên không có sáng chế, có rất ít công bố quốc tế…

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp tục các giải pháp đồng bộ, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 332/TB-VPCP về Kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023.

Tiếp tục các giải pháp đồng bộ, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội
Xét tuyển đại học 2023: Công bố kết quả chậm nhất ngày 22/8

Đến thời điểm này, các khâu đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng, thực hiện nộp lệ phí đăng ký xét tuyển đã kết thúc. Từ ngày 12 đến 20/8 Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ sở đào tạo bắt đầu thực hiện công tác xét tuyển, xử lý nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023 của thí sinh. Dự kiến, chậm nhất đến ngày 22/8 sẽ công bố kết quả.

Xét tuyển đại học 2023 Công bố kết quả chậm nhất ngày 22 8
Return to top