ClockThứ Năm, 16/03/2017 15:01

Thủ tướng ‘cởi trói’ chính sách cho hạt gạo

Cuối cùng, sau khá nhiều tranh cãi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết hướng xử lý cho hàng loạt vấn đề chính sách đang “trói” hạt gạo Việt Nam vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tại Hội nghịẢnh: VGP/Quang Hiếu

Hội nghị bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa diễn ra trong bối cảnh ngành lúa gạo Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã đạt được những kết quả thần kỳ. Nhưng so với tiềm năng, lợi thế đặc biệt của Việt Nam, thì hạt gạo vẫn chưa đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người nông dân trồng lúa, các doanh nghiệp làm lúa gạo.

Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra, giá thành gạo cao hơn so với thế giới, khả năng cạnh tranh kém, chủ yếu bán vào thị trường dễ tính, chưa qua chế biến sâu, chất lượng không đồng đều, hầu như không có tên tuổi nổi trội. Ngay ở vựa lúa lớn nhất cả nước, người nông dân trồng lúa bao đời nay cũng chỉ lấy công làm lãi.

Nhiều ý kiến tại nhiều diễn đàn khác nhau đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới việc tiềm năng, lợi thế to lớn của hạt gạo chưa được tận dụng tối đa. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là thể chế, chính sách còn nhiều bất cập. Mối quan hệ giữa hạt gạo và thể chế, như lời Thủ tướng, là vẫn đất đai ấy, vẫn con người đó mà trước đổi mới, dân ta thiếu đói nghiêm trọng và tình hình chỉ thay đổi nhờ đổi mới với một loạt chính sách quan trọng như Khoán 10, Chỉ thị 100, tự do lưu thông lương thực…

Hiện nay cũng vậy, cơ chế, chính sách so với 30 năm trước đã tiến một bước rất dài, nhưng đâu đó vẫn còn những điểm chưa phù hợp, gây vướng mắc, thậm chí “trói buộc” sản xuất, kinh doanh. Trong đó, vướng mắc trực tiếp nhất liên quan tới hạt gạo là những quy định về điều kiện kinh doanh tại Nghị định 109 năm 2010 về xuất khẩu gạo.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp từng không thể xin được giấy phép xuất khẩu và buộc phải lập các công ty tại nước khác để nhập gạo của chính mình từ quê nhà Việt Nam qua một đối tác được ủy thác xuất khẩu.

Lý do, những điều kiện kinh doanh đặt ra tại Nghị định 109 đòi hỏi sự đầu tư quá lớn, như doanh nghiệp phải có ít nhất 01 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ…

Các điều kiện này nghe ra có vẻ hợp lý, nhưng vấn đề là trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp không cần thiết phải có quy mô lớn đến thế, như khi họ xuất khẩu các loại gạo đặc sản cho một số phân khúc khách hàng hẹp, xâm nhập các thị trường ngách. Hơn thế nữa, việc doanh nghiệp phải đầu tư lớn như vậy là đầy rủi ro, bởi không có gì chắc chắn họ có thể bán được gạo ở nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

Đặc biệt, cũng theo Nghị định 109, đã khi có hợp đồng, doanh nghiệp phải đăng ký với Hiệp hội Lương thực (VFA) và chỉ khi có sự chấp thuận của đơn vị này, doanh nghiệp mới xuất khẩu được dù hai phía đã thỏa thuận xong… Và cũng có ý kiến cho rằng, nòng cốt của Hiệp hội này là một số doanh nghiệp, có thể dẫn tới xung đột lợi ích với các doanh nghiệp khác.

Theo các doanh nghiệp, những quy định như vậy sẽ chặn đường các doanh nghiệp nhỏ tham gia thị trường gạo xuất khẩu, khiến thị trường trở nên kém cạnh tranh và do đó, Việt Nam sẽ khó có thể có những doanh nghiệp và thương hiệu gạo tầm cỡ quốc tế, có đủ khả năng “thi đấu” với các doanh nghiệp nước ngoài.

Hạt gạo còn gặp hàng loạt vướng mắc khác trong Nghị định 35 về quản lý sử dụng đất trồng lúa, Quyết định 1898 về phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành lúa ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn…

Đó là chưa kể, ngành lúa gạo Việt Nam còn chịu những khó khăn chung của nền nông nghiệp liên quan tới chính sách đất đai như mức hạn điền trong Luật Đất đai hiện nay…

Những vấn đề nói trên đã được phản ánh nhiều lần, tại nhiều diễn đàn khác nhau, bởi nhiều bên khác nhau, nhưng chưa được giải quyết rốt ráo. Nay, ngay tại Hội nghị, Thủ tướng đã dứt khoát yêu cầu các bộ ngành phải nghiên cứu, trình phương án sửa đổi những vướng mắc nói trên.

Đặc biệt, với Nghị định 109, Thủ tướng chỉ rõ yêu cầu sửa đổi là không đưa nhiều quy định phức tạp trong xuất khẩu gạo, không quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, không nên cho trao cho Hiệp hội Lương thực VFA nhiều quyền không nên có như quy định giá sàn, phân phối hạn ngạch cứng 80% để bảo đảm kinh tế thị trường.

Ngay từ khi mới nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành quan tâm đặc biệt với việc hoàn thiện, cải cách thể chế. Ông từng khẳng định “phát triển hay kìm hãm chính là do thể chế” và “tăng trưởng xét đến cùng là công việc của người dân và doanh nghiệp, nhiệm vụ của Chính phủ và địa phương là tạo tiền đề để người dân, doanh nghiệp tạo ra tăng trưởng. Đây chính là bản chất của Chính phủ kiến tạo”.

Những vướng mắc thể chế bao giờ cũng hết sức cụ thể và việc tháo gỡ đòi hỏi sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của các bộ ngành và từng cán bộ, công chức. Thủ tướng đã vạch ra hướng xử lý với những “nút thắt” lớn nhất, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Cộng đồng doanh nghiệp trông đợi các bộ ngành, địa phương sẽ thực thi yêu cầu của Thủ tướng, cùng xắn tay áo lo cho sản xuất lúa gạo, sớm tháo gỡ mọi rào cản để hạt gạo Việt Nam tiến lên những nấc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Chinhphu.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Chiều tối 6/4, làm việc tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác tham quan cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế; thăm, tặng quà hai ca ghép tạng xuyên Việt mới đây đang được theo dõi sau phẫu thuật.

Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

TIN MỚI

Return to top