ClockThứ Ba, 27/12/2016 18:56

Thủ tướng ‘đặt hàng’ thể chế cho Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

TTH.VN - Thủ tướng đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) nghiên cứu đề xuất xử lý các thể chế kinh tế-xã hội ràng buộc Việt Nam không phát triển được.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị VASS nghiên cứu đề xuất xử lý các thể chế kinh tế-xã hội ràng buộc Việt Nam không phát triển được

Sáng 27/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành đã dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của VASS.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá, Viện là nơi hội tụ và kết tinh tinh hoa trí tuệ của giới khoa học xã hội (KHXH) nhân văn. Ở đây có các nhà KHXH uyên thâm, các học giả xuất sắc, có một số người là đỉnh cao trí tuệ về KHXH của cả nước. Viện thường xuyên cung cấp các tư vấn độc lập và khách quan cho Đảng, Chính phủ về các vấn đề liên quan đến KHXH.

“Một trong những sứ mạng của Viện là thúc đẩy sự phát triển của nền KHXH Việt Nam, đóng góp có ý nghĩa và xứng đáng vào kho tàng tri thức của nhân loại, tạo ra các giá trị học thuật mang tầm thời đại, đưa nền khoa học Việt Nam vươn ra tầm quốc tế”, Thủ tướng nói. Quy mô, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, các sản phẩm nghiên cứu của Viện không thua kém các Viện KHXH của các nước tiên tiến và giàu có trên thế giới.

Trước nhu cầu lý luận và thực tiễn của Việt Nam, Viện đã triển khai nhiều nghiên cứu quan trọng, qua đó góp phần đưa ra các ý kiến và gợi ý chính sách cho Đảng, Chính phủ liên quan đến nhiều vấn đề như kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học thuộc VASS

Các nghiên cứu về khoa học nhân văn của VASS góp phần nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về lịch sử văn hóa và giá trị nhân văn Việt Nam.

Viện có nhiều nghiên cứu, trong đó có những nghiên cứu về Biển Đông, góp phần cung cấp thông tin, lý luận đối với đối sách của Việt Nam trong an ninh chủ quyền lãnh thổ quốc gia, vấn đề hệ trọng, nhạy cảm và thiêng liêng.

Một số ý kiến của Viện về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đánh giá tốt. Chính phủ đã một phần nào lắng nghe để hình thành các chủ trương và giải pháp cụ thể, Thủ tướng cho biết.

Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu 4 yêu cầu đối với VASS.

Thứ nhất, là viện nghiên cứu nhưng phải kịp thời nắm bắt nhịp thời sự cuộc sống của xã hội, thế giới cũng như bản sắc văn hóa xã hội của Việt Nam; đồng thời đầu tư thỏa đáng để các số liệu dự báo có độ tin cậy cao, có tư vấn đúng và trúng trọng tâm về các chính sách quản lý cũng như các quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ.

Thứ hai, song song với nghiên cứu, cần đánh giá và áp dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học của nhân loại vào việc giải quyết các bài toán mà thực tế đặt ra cho xã hội Việt Nam. Ví dụ vấn đề khoảng cách giàu nghèo, vấn đề gia đình trong kinh tế thị trường…

Thứ ba, phải là địa chỉ đỏ để các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đến đặt hàng giải quyết các bài toán mang tính xã hội, cũng như nơi cung cấp thông tin chuẩn mực về quan điểm chính sách của Đảng và Nhà nước một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác.

Thứ tư, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, cho nên Viện cần tiếp tục tinh gọn bộ máy, áp dụng phương thức quản lý phù hợp để thu hút nhân tài, phát huy tối đa nội lực, mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập có hiệu quả vào chuỗi giá trị tri thức của nhân loại. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không hành chính hóa các nhà khoa học.

Ảnh: VPCP

Các nhà khoa học tốt cũng phải là nhà tư vấn tốt

Nhân dịp này, Thủ tướng đặt hàng 5 vấn đề đối với VASS.

Thứ nhất là nghiên cứu đề xuất xử lý các thể chế kinh tế-xã hội ràng buộc Việt Nam không phát triển được. Từ đó, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt bài toán chuyển dịch lao động giữa các khu vực. Hiện nay chênh lệch giữa nông thôn và thành thị rất lớn, người dân bỏ ruộng nương lên thành phố làm ăn. Vậy thể chế nào để giải quyết vấn đề này, thể chế nào để người dân tin, ủng hộ Đảng, Nhà nước chúng ta. 

Thứ hai, nghiên cứu đặc điểm địa lý kinh tế nhân văn từng vùng miền để từ đó đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế phù hợp, nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Thứ ba là giữ gìn và phát huy bản văn hóa sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng.

Thứ tư, tập hợp luận cứ khoa học mang tính thuyết phục cao để làm cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Thứ năm là đề xuất cơ chế hữu hiệu hơn để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đưa Việt Nam đạt và vượt mục tiêu có trên 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Thủ tướng cho biết, theo dự toán năm 2017, VASS được cấp đến 615 tỷ đồng để chi thường xuyên. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, đối diện hàng loạt vấn đề nan giải như nợ công, nợ xấu, thâm hụt ngân sách, cơ sở hạ tầng, giáo dục, các điều kiện y tế cho người dân, xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc… tất cả đều đang rất cần vốn và nguồn vốn ngân sách nêu trên là sự ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực tiềm năng của Viện. Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị các cơ quan nghiên cứu, đặc biệt là 2 Viện Hàn lâm, cần phối hợp chặt chẽ, là đối tác tương tác như “răng với môi”.

Thủ tướng tham quan các công trình nghiên cứu của VASS

Nhân dịp này, Thủ tướng chia sẻ với các nhà khoa học một số tâm tư, trăn trở.

“Nhiều ý kiến cho rằng, nền khoa học Việt Nam vừa yếu, vừa thiếu. Thiếu ở đây chắc hẳn là thiếu thể chế, cơ chế quản lý phù hợp, để nhờ đó có thể khai thác tối đa tiềm năng của các nhà khoa học. Thiếu vốn đầu tư chỉ là thứ yếu. Yếu ở đây chắc hẳn là nhân tố con người, cho nên đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, các nhà kỹ thuật của chúng ta đông đảo, song các các kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng còn khiêm tốn”, Thủ tướng nói.

Các nhà sản xuất đứng trước các vấn đề liên quan đến công nghệ, cải tiến thiết bị, cải tiến quản lý chủ yếu là tìm đến các nhà sản xuất và đơn vị tư vấn nước ngoài. Đó là một thực tế buồn, là thách thức và yêu cầu mà Viện cũng như mỗi nhà khoa học cần khắc phục, rút kinh nghiệm.

Thủ tướng cho rằng, không ít đề tài nghiên cứu còn nặng tính lý thuyết, chỉ góp phần làm dày thêm các tủ lưu trữ tại các thư viện lớn. Nghiên cứu là cần thiết, nhưng không gắn với thực tế, không đáp ứng yêu cầu của thực tế thì tự mình thua trên sân nhà. Chúng ta cứ mải mê nghiên cứu những vấn đề cao siêu, mà không lưu ý những vấn đề đơn giản của thực tế để đứng nhìn các doanh nghiệp Việt Nam phải chi trả những khoản tiền lớn cho ngước ngoài cho những vấn đề mà không phải trong nước không giải quyết được.

Thủ tướng yêu cầu, VASS phải xây dựng cơ sở dữ liệu tin cậy về các kết quả nghiên cứu và khả năng áp dụng vào thực tế Việt Nam để các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu tham khảo.

Các nhà khoa học Việt Nam vừa là nhà khoa học tốt, nhưng cũng phải là nhà tư vấn tốt. Đây là vấn đề cần thay đổi tư duy, kỹ năng và cả văn hóa làm việc để bắt kịp thực tế, cũng như thích ứng với cơ chế thị trường.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn, từ những nghiên cứu đề xuất, ý tưởng khoa học của Viện, chúng ta sẽ có những nhà khởi nghiệp thành công trong nước và tầm quốc tế. “Chính phủ kỳ vọng Viện sẽ làm tốt điểm này và mong muốn ngay trong lòng VASS có những nhà khởi nghiệp xuất sắc”, Thủ tướng nói.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Việt Nam - Indonesia: Điểm tựa Mỹ Đình

Chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam lại bị dư luận phản ứng nhiều như hiện tại. Điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Philippe Troussier.

Việt Nam - Indonesia Điểm tựa Mỹ Đình
Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 148 (IPU-148) và các hội nghị liên quan tại Thụy Sĩ.

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top