ClockThứ Sáu, 20/10/2017 14:18

Thủ tướng nhắc các Bộ tình trạng ‘của anh, của tôi’ khi kiểm tra hàng hóa

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ khi cam kết giảm 96% số lô hàng phải kiểm tra trước thông quan, đồng thời nhắc nhở các Bộ chấm dứt tình trạng “phần dưới cần cẩu bộ này kiểm tra, phần trên cần cẩu bộ khác”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 20/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tính từ đầu  năm tới nay, Bộ được giao 403 nhiệm vụ. Trong đó đã hoàn thành 245 nhiệm vụ (225 nhiệm vụ đúng hạn, 20 nhiệm vụ quá hạn); đang thực hiện 158 nhiệm vụ trong hạn. Như vậy, Bộ không còn bất cứ nhiệm vụ nào chậm trễ.

Thủ tướng ghi nhận nỗ lực lớn của Bộ Khoa học và Công nghệ

Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị thứ 38 được kiểm tra.

Tổ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời đánh giá Bộ Khoa học và Công nghệ “từ đầu nhiệm kỳ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao”.

“Cái nổi lên nhất là Bộ đã cố gắng rất nhiều. Bộ đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng nhiều chủ trương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thị trường khoa học và công nghệ tuy chưa phát triển mạnh mẽ nhưng phong trào khởi nghiệp rất tốt, trong đó có khởi nghiệp sáng tạo”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.

Một trong những kết quả ấn tượng là hồi tháng 6 vừa qua, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới đã công bố Việt Nam tăng 12 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu về “Chỉ số đổi mới sáng tạo”. Bộ cũng đã có nhiều đổi mới về tổ chức, bộ máy, giữ được đoàn kết, thống nhất.

Đánh giá Bộ đã làm tốt nhưng việc lớn như vậy, tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ tiếp tục tập trung, nỗ lực triển khai một số vấn đề theo tinh thần đổi mới sáng tạo hơn nữa.

Trước hết, cần tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế về khoa học và công nghệ, thu hút nhân tài. “Chẳng hạn các nhà khoa học rất băn khoăn về thủ tục thanh toán khi triển khai các đề tài nghiên cứu. Rồi việc ứng dụng các các đề tài nghiên cứu ở địa phương. Thủ tướng mong muốn Bộ có hướng dẫn, xây dựng thể chế mạnh để tháo gỡ”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng với đó, phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học, công nghệ, phát triển công nghệ mới. Tạo chuyển biến trong các lĩnh vực công tác như sở hữu trí tuệ, đo lường, kiểm tra chất lượng.

Riêng với việc ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị được giao chủ trì, nên cần tham mưu mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử.

Thủ tướng cũng lưu ý về việc quản lý đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Việc quản lý cán bộ đã có phân cấp, vừa qua có một số vấn đề được dư luận rất quan tâm liên quan tới công tác cán bộ khoa học và công nghệ ở một số địa phương, cần chấn chỉnh.

Tổ trưởng Mai Tiến Dũng cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm danh mục hàng hóa nhóm 2 trước thông quan, chuyển đổi 91% nhóm SPHH sang hậu kiểm.

“Bộ rất nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm, vừa qua Bộ đã chủ trì cùng 12 Bộ tổ chức hội thảo 3 ngày tại Vĩnh Phúc, qua đó cam kết giảm 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2, đồng thời cam kết chuyển mạnh từ tiển kiểm sang hậu kiểm, tăng cường công nhận lẫn nhau, áp dụng quản lý rủi ro”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.

Iphone 8 và ô tô của G7 có cần kiểm tra không?

Theo Tổ trưởng Mai Tiến Dũng, cải cách kiểm tra chuyên ngành là một trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, bởi hiện nay hoạt động này đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Tính trung bình một năm các doanh nghiệp phải mất 30 triệu ngày công và chi phí gần 15.000 tỷ đồng cho kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện có gần 100.000 mặt hàng phải kiểm tra khi thông quan, con số rất lớn, kiểm tra rất nhiều nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm rất ít, chỉ khoảng 0,06%.

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ là giảm tối đa tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chất lượng, một mặt hàng chỉ giao 1 đầu mối quản lý.

“Ví dụ một dây chuyền sản xuất ô tô, đã kiểm tra khi nhập khẩu rồi nhưng khi lắp ráp xong ở nhà máy thì Bộ khác lại đến kiểm tra lần nữa. Rồi với cần cẩu thì phần dưới thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, phần trên của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Như vậy không ổn, Chính phủ, các Bộ đã thống nhất chỉ giao 1 đầu mối kiểm tra”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm nêu rõ.

Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cần tiếp tục rà soát, sớm công bố các quy chuẩn quốc gia với hàng hóa. Điều này rất quan trọng để việc kiểm tra hàng hóa có căn cứ. “Như động cơ ô tô của các nước G7, hay điện thoại Iphone 8 thì phải xem xét có cần kiểm tra nữa không? Có công nhận kết quả  đánh giá của nước ngoài được không? Rồi các sản phẩm chạy thử, hàng triển lãm, hàng mẫu… thì phải xem xét để thông quan rất nhanh. Nếu không ảnh hưởng gì  đến con người, môi trường, an ninh quốc phòng… thì xem xét cắt bỏ thủ tục”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu vấn đề.

Đặc biệt, Bộ cần tích cực triển khai cơ chế một cửa quốc gia, công bố danh mục hàng hóa gắn mã HS, cùng với các Bộ nâng cao hiệu quả của các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung… Tinh thần là đã cố gắng rồi cần cố gắng hơn nữa.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết Bộ đã nỗ lực quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ được giao. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại buổi làm việc, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nêu bật các kết quả trong việc cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Cụ thể như Bộ đã phối hợp với các Bộ, trình Thủ tướng bãi bỏ 114 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chất lượng theo Quyết định số 37 năm 2017 của Thủ tướng.

Bộ cũng đã ban hành Thông tư 07 năm 2017, theo đó chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan. Trước đây có 24 nhóm hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng nay chỉ còn 2 nhóm là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.

Cùng với đó, đẩy mạnh thừa nhận kết quả đánh giá của nước ngoài, xã hội hóa toàn bộ hoạt động đánh giá sự phù hợp, ban hành Thông tư 02 năm 2017 để chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm với một số nhóm sản phẩm hàng hóa, đồng thời làm rõ cách thức tiền kiểm, hậu kiểm…

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết Bộ  đã nỗ lực quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ  được giao. Tuy nhiên, buổi kiểm tra là cơ hội để Bộ lắng nghe phản hồi từ thực tiễn, từ các bộ ngành và các doanh nghiệp, từ đó tiếp tục nỗ lực góp phần xây dựng Chính phủ kiển tạo, hành động, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi sẽ cùng Tổ công tác của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ tăng cường phối hợp, đôn đốc các Bộ trong việc đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu

Theo Chinhphu.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công
Báo động tình trạng trộm ở chung cư

Một đường dây trộm mô tô tại các chung cư (CC) đã bị lực lượng nghiệp vụ Công an TP. Huế triệt xóa. Các đối tượng thực hiện hành vi này đều đang trong lứa tuổi thanh, thiếu niên (TTN). Đây là vấn đề đáng báo động trong xã hội hiện nay và việc quản lý an ninh tại các CC cũng cần phải chặt chẽ hơn.

Báo động tình trạng trộm ở chung cư
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tới Australia và New Zealand

Theo đặc phái viên TTXVN, sáng sớm 12/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia và thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 3.

Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tới Australia và New Zealand
Thủ tướng có các cuộc làm việc với giới khoa học, doanh nhân New Zealand

Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức New Zealand sáng 10/3, tại thành phố Auckland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với các nhà khoa học công nghệ người Việt tại New Zealand; tiếp Hiệu trưởng Đại học Waikato; làm việc với Hội đồng Kinh doanh thành phố Auckland và một số doanh nghiệp tiêu biểu của New Zealand để nắm bắt tình hình; tìm hiểu nhu cầu, tiềm năng, khả năng, cơ hội hợp tác; chia sẻ kinh nghiệm; kết nối hợp tác trong các lĩnh vực.

Thủ tướng có các cuộc làm việc với giới khoa học, doanh nhân New Zealand

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top