ClockThứ Năm, 31/03/2016 09:16

Thức ăn đường phố - Đừng ham giá rẻ

TTH - Một buổi trưa cuối tuần, người bạn rủ tôi ra khu vực đường Lê Thánh Tôn ăn bún hến. Quán bán trên một khu vỉa hè rộng. Lúc lấy xe về, chúng tôi hơi khựng người khi thấy cái cách mà nhân viên ở đây rửa chén bát. Họ chỉ tráng chén qua một lượt nước và nhúng vào một chậu nước có pha nước tẩy rửa rồi lấy tay khua nhẹ, sau đó tráng lại qua loa ở xô nước cũng không còn sạch rồi úp vào rổ.

Lướt sang chỗ để rau sống, tôi hơi hãi khi nhân viên dùng tay không bốc rau cho khách dù trước đó họ làm đủ mọi việc. Chỉ thoảng quan sát tôi cũng cảm nhận là quán không đảm bảo vệ sinh.

Có không ít người lựa chọn thức ăn đường phố. Ảnh: Anh Phong

Ở Huế có rất nhiều hàng quán bán thức ăn mọc lên ở vỉa hè, lề đường. Tuy nhiên, để chọn được các hàng ăn đảm bảo yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm là cực khó, bởi xu thế chung của các hàng ăn, uống vỉa hè là họ tiết kiệm nước, cả buổi bán hàng họ chỉ dùng vài xô nước rửa cả trăm cái chén, đĩa là chuyện bình thường. Vì thế chuyện mất vệ sinh là đương nhiên. Ngoài ra, thực phẩm dùng chế biến đồ ăn, uống của các quán hàng ở vỉa hè cũng chưa đảm bảo an toàn. Chúng tôi từng chứng kiến một hàng bán thức ăn ở cạnh nhà, thịt ướp đi, ướp lại bán tới cả tuần chưa hết và bốc mùi mà vẫn được đưa ra bán. Tất nhiên là khi chiên, nướng lên, thịt vẫn... thơm nên thực khách không phát hiện được. Thế nhưng, nếu ai một lần được chứng kiến hậu trường của các quán nướng vỉa hè như vậy, có lẽ đến già họ cũng không dám ăn nữa.

Thức ăn đường phố thường có giá bán rất rẻ để phù hợp với túi tiền của nhiều người, do đó người bán hàng thường phải mua nguyên liệu thật rẻ để giá thành thấp nhưng vẫn có lãi. Cũng vì chữ “rẻ” nên trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm, người bán hàng cần tiết kiệm thời gian với mục đích làm ra nhiều sản phẩm để “lấy công làm lãi” nên thường làm qua loa, mất vệ sinh. Bên cạnh đó, thức ăn đường phố còn bị bụi bặm, côn trùng bay vào, vi sinh vật xâm nhập...

Ngoài ra, không ít chủ hàng vì tiếc rẻ nên không đổ thức ăn thừa mà tích trữ lại, làm cho thức ăn không giữ được chất dinh dưỡng hoặc biến chất. Do đó, người tiêu dùng khi ăn những loại thực phẩm này có nhiều nguy cơ bị các vấn đề về sức khỏe như: tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, thiếu dinh dưỡng... Trước những nguy cơ này, người dân tốt nhất nên hạn chế sử dụng thức ăn đường phố, nếu có nên tìm đến những cơ sở uy tín có chứng nhận an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng cũng cần quản lý, quy hoạch những hàng quán vỉa hè để đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm. Riêng những người bán hàng cần đặt lợi ích của cộng đồng lên trên những lợi ích trước mắt để có ý thức giữ vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Ẩm thực vỉa hè đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong “bản đồ” ẩm thực Huế mà nhiều du khách khi đến Huế muốn được một lần trải nghiệm. Nhưng nơi đây cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn thực phẩm. Vì vậy, để tự bảo vệ sức khỏe của mình mà không phải từ bỏ niềm đam mê với món ăn đường phố mỗi người cần trở thành “người tiêu dùng thông minh”. Thận trọng tìm những nơi sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, có đầy đủ nguồn nước, cơ sở hạ tầng tốt cũng như có đầy đủ trang thiết bị đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường quản lý, nhắc nhở để người kinh doanh lưu ý, dần dần tiến đến tự giác có trách nhiệm với mặt hàng ẩm thực của mình. Khiến ẩm thực vỉa hè là dấu ấn văn hóa đẹp trong lòng công chúng và du khách.

Hoài Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top