ClockThứ Hai, 15/05/2017 14:04

Thực hiện quy định đốt, rải vàng mã: Có chuyển biến nhưng chưa triệt để

TTH - Sau gần 1 năm ban hành quy định về đốt, rải vàng mã trên địa bàn TP. Huế, người dân đã ý thức hơn song vẫn còn tình trạng đốt vàng mã ở vỉa hè và thả xuống sông.

Vẫn còn trường hợp đốt vàng mã ở vỉa hè

Tín hiệu tốt

Mùa lễ Phật đản năm nay ở các tuyến đường lớn trên địa bàn TP. Huế, đa số hộ ở mặt tiền đã đốt vàng mã trong thùng thay vì đốt ở vỉa hè như trước đây. Tại đường Điện Biên Phủ, đêm 14/4 âm lịch, hầu như nhà nào ở mặt tiền cũng cúng rằm, kèm theo đó là đốt vàng mã và gần như 100% hộ dân đều đốt vàng mã trong thùng. Chỉ lác đác vài hộ, chủ yếu là những hộ thuê mặt bằng và kinh doanh nhỏ, còn đốt vàng mã trên vỉa hè. Một phần do trời mưa, phần người dân đốt trong thùng nên tro vàng mã ít bay, bụi hơn thường lệ. Riêng việc rải hạt nổ, gạo, đường, bánh kẹo ra lòng đường còn khá phổ biến. Dù chưa quy định việc này, song cần sớm có giải pháp khi việc rải hạt nổ, bánh kẹo ra đường gặp mưa hoặc phương tiện lưu thông đè nát cũng ảnh hưởng đến môi trường và mỹ quan đô thị.

Một số tuyến đường lớn, như Hùng Vương, Bến Nghé, Lê Lợi… cũng tương tự. Tuy nhiên, ở những đường này, số hộ đốt vàng mã ở vỉa hè nhiều hơn ở đường Điện Biên Phủ, khoảng 10 hộ đốt vàng mã thì có một hai hộ chưa đốt trong thùng, còn dùng vỉa hè, lòng đường làm nơi đốt vàng mã.

Phía bờ bắc sông Hương, phố Trần Hưng Đạo triển khai khá tốt quy định của TP. Huế về đốt vàng mã. Gần như 100% hộ ở mặt tiền đều đốt vàng mã trong thùng. Ở một số khu vực khác, như đường Đinh Tiên Hoàng, Mai Thúc Loan… vẫn còn trường hợp đốt vàng mã ở vỉa hè. Việc rải vàng mã xuống sông cũng hạn chế đáng kể. Rạng sáng rằm tháng 4, đi dọc sông An Cựu, đoạn từ chợ An Cựu lên đến cầu Dã Viên, chúng tôi không ghi nhận trường hợp nào thả vàng mã xuống sông. Tuy nhiên, lúc gần 8 giờ sáng cùng ngày, có một người đàn ông cúng phóng sanh và thả vàng mã xuống sông Hương ngay giữa cầu Phú Xuân.

So với khi chưa ban hành quy định về đốt, rải vàng mã, tình trạng rải vàng mã xuống sông giảm đáng kể. Trước đây, cứ mỗi dịp “rằm to, vía lớn”, các con sông trên địa bàn, nhất là sông Hương, sông An Cựu, vàng mã nổi đầy mặt nước. Hiện, các con sông đã trong hơn, tuy vẫn còn vàng mã song không đáng kể. Điều đó khẳng định, người dân đã ý thức hơn trong việc đốt, rải vàng mã.

Tăng cường nhắc nhở, xử phạt

Gần đây, việc rải vàng mã khi đưa tang cũng giảm đáng kể. Chỉ một số ít xe đưa tang từ các huyện lân cận qua địa bàn TP. Huế còn rải vàng mã, còn các xe tang trên dịa bàn TP. Huế chấp hành khá tốt quy định không rải vàng mã trên đường phố. Công an TP. Huế thông tin, từ khi tổ chức cho các cơ sở cho thuê xe đưa tang ký cam kết không cho người dân rải vàng mã, đa số các chủ xe chấp hành tốt quy định này. Chỉ có một vài trường hợp còn rải vàng mã, song đã được mời lên cơ quan công an nhắc nhở, chấn chỉnh. Nếu vi phạm, sẽ xử lý nghiêm. Xe đưa tang của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế cũng chấp hành nghiêm quy định cấm rải vàng mã. Đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào vi phạm.

Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP. Huế cho biết, từ sau khi có quy định về đốt, rải vàng mã, dịp rằm, mùng một tháng nào, đơn vị đều cử người xuống các địa bàn để theo dõi, nắm tình hình, chụp ảnh, quay phim làm căn cứ báo cáo lãnh đạo TP. Huế. Phòng cũng nhắc nhở một số trường hợp vi phạm, song vẫn còn tình trạng chống đối, chửi bới, xua đuổi. Chúng tôi cũng gặp phải trường hợp này khi ghi hình người dân thả vàng mã xuống sông. Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa thông tin TP. Huế, dù vẫn còn một số tồn tại, song đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân, khi đây là tập tục, thói quen có từ lâu đời, ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân Huế từ đời này sang đời khác nên khó có thể thay đổi trong một thời gian ngắn. Việc loại bỏ hoàn toàn việc đốt, rải vàng mã đòi hỏi thời gian và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, vai trò của chính quyền, các đoàn thể, công an khá quan trọng.

Thực tế chứng minh, phường nào có sự vào cuộc đồng bộ đều đạt kết quả tốt. Điển hình là phường Trường An, khi hội phụ nữ, đoàn thanh niên tổ chức vận động, ký cam kết, người dân chấp hành khá tốt. Phường Phú Hòa có sự vào cuộc của công an, các đoàn thể cũng cải thiện rõ rệt tình trạng đốt vàng mã không đúng nơi quy định. Các phường Hương Sơ, Thuận Thành cũng đã tạo được thói quen đốt vàng mã trong thùng cho những hộ dân ở mặt tiền một số tuyến đường, rồi từng bước mở rộng mô hình cho các đường còn lại.

Phòng Văn hóa thông tin TP. Huế đề xuất lãnh đạo TP. Huế chỉ đạo các phường tăng cường vai trò của chính quyền, các đoàn thể… trong việc vận động người dân chấp hành quy định đốt rải, vàng mã cũng như kiến nghị công an, các cơ quan liên quan xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm và tái vi phạm để quy định về đốt, rải vàng mã đạt kết quả như mong đợi.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo

Hưởng ứng thư kêu gọi của UBND tỉnh về việc, toàn dân thực hiện cuộc vận động giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) và pháo thời gian qua, công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã thu hồi nhiều loại súng, đầu đạn pháo, CCHT các loại; góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo
Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới
Return to top