ClockThứ Sáu, 14/04/2017 09:20

Thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế

TTH - Đó là đề xuất của Bộ Y tế để thực hiện mục tiêu tất cả chất thải lỏng của bệnh viện (BV) khi xả thải ra môi trường đều phải qua xử lý.

Bộ Y tế cũng đã xây dựng dự thảo Quyết định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế trong các BV công lập và đang lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có hơn 13.000 cơ sở y tế. Trong đó, có khoảng 60% cơ sở đã có hệ thống xử lý chất thải y tế bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, 40% còn lại vẫn chưa đạt chuẩn. Đây là vấn đề hết sức cấp bách và đáng lo ngại khi một lượng lớn nước thải y tế từ các BV chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn vẫn từng ngày xả thải ra môi trường.

Thừa Thiên Huế có hơn 180 cơ sở y tế cũng đang đối mặt với tình trạng này. Kết qủa kiểm soát môi trường tại các BV, cơ sở y tế của Sở Tài nguyên & Môi trường gần đây cho thấy, tại 24 BV trên toàn tỉnh, tuy một số có hệ thống xử lý nước thải nhưng công nghệ chưa phù hợp để xử lý nước thải y tế. Cụ thể, 24/24 cơ sở có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Song, chỉ có 14/24 cơ sở được đầu tư xây dựng hệ thống có công nghệ phù hợp để xử lý, chiếm khoảng 58% số BV của tỉnh.

Đó chỉ mới đề cập đến việc xử lý nước thải. Việc quản lý chất thải y tế nguy hại (CTNH) vẫn còn bất cập. Trong số 24 BV được tiến hành kiểm soát, chỉ có 13 cơ sở có sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH; có 3/24 cơ sở có bố trí kho để lưu giữ CTNH; 22/24 cơ sở có phương án xử lý CTNH thích hợp (hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý).

Nguyên nhân tồn tại trong xử lý nước thải của các đơn vị y tế được cho là do kinh phí đầu tư xử lý nước thải y tế của các BV chủ yếu trông chờ nguồn ngân sách nhà nước và quy mô đầu tư mỗi công trình khá lớn. Tồn tại nữa là mặc dù một số BV đã được đầu tư nhưng thiếu năng lực quản lý vận hành do không có cán bộ chuyên môn, chuyên trách, không được bảo hành bảo trì kịp thời..., dẫn đến chất lượng xử lý nước thải y tế chưa cao.

Mục tiêu Bộ Y tế đặt ra đến năm 2020 là 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu về môi trường. Muốn vậy, bộ này cho rằng cần cơ chế đặc thù về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế. Bởi, nếu thực hiện theo quy định hiện nay thì đa số cơ sở y tế đều gặp khó.

Dự thảo Quyết định mà Bộ Y tế xây dựng là các BV công lập sẽ được phép thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế theo nhiều hình thức, bảo đảm yêu cầu về chất lượng dịch vụ, nước thải đầu ra sau xử lý phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Kinh phí chi trả thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế tại các BV công tự chủ sẽ do BV tự chi trả và được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Với các BV chưa tự chủ được sẽ do ngân sách và nguồn kinh phí khác chi trả.

Hoạt động này cũng chịu sự giám sát, theo dõi, kiểm tra, đánh giá định kỳ của cơ quan quản lý chuyên ngành về bảo vệ môi trường y tế và các cơ quan liên quan thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố.

Trước thực trạng hàng trăm BV đang sắp hàng chờ Nhà nước hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý, thì đề xuất thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế từ bên ngoài BV sẽ tháo gỡ nút thắt, giúp các BV chủ động trong xử lý.

Hoài Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển
Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển

Mỗi đợt tàu du lịch biển cập Cảng Chân Mây, lại xảy ra tình trạng bát nháo khai thác khách du lịch bên ngoài cảng theo kiểu tự phát, không qua đơn vị lữ hành được cấp phép. Đáng nói là dù Sở Du lịch và các ban, ngành, đơn vị nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nhưng cách thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi.

Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top