ClockThứ Ba, 25/06/2019 09:48

Thương...

TTH - Xế chiều, vợ chồng tôi ghé thăm nhà ông. Đường ven sông vắng. Nắng đến nỗi đứng luôn cả gió. Huế đang trong những ngày nóng nhất. Chừng như mọi thứ đều khô kháp đi.

Trưởng thành

Tôi vẫn thường chào ông khi gặp ở đầu ngõ. Ông bà chuyển về đấy, cùng với vợ chồng hai đứa con và mấy đứa cháu. Căn nhà trọ vốn dành cho sinh viên, chật hẹp, nhưng có vẻ không là vấn đề gì với người đã quen lam lũ. Mà kể từ khi có những người khách mới, khoảng sân nhỏ đã trở nên chộn rộn hơn. Nó làm góc không gian đó trở nên vui vẻ hơn với những chiếc ghế luôn được đặt trước hiên nhà, tíu tít tiếng con trẻ và giọng ông, giọng bà…

Nhà ông ở tít trong một con ngõ sâu, quá chợ Thủy Bằng một đỗi. Con đường cũng đã khác thời gian trước, khi mà tôi còn lọ mọ đi tác nghiệp khắp chốn. Giờ thì nơi này đã nhiều nhà xây hơn, dù vẫn còn những vườn bưởi, thanh trà đang mùa nuôi quả. Những dãy chè tàu xanh ngắt quãng. Đôi chỗ bụi mù lên vì đường bằng bê tông vẫn chưa về đến. Cuối con đường ấy, là nơi chúng tôi dừng lại.

Ông kể, xây được ngôi nhà này gần chục năm rồi, đến giờ vẫn chưa sơn được. Vài ngày nữa, tranh thủ lúc giao xe phở lại cho hai đứa con đứng bán, ông sẽ trở lên để dựng cái mái hiên, dọn lại con đường vào nhà. “Việc ni mền (mình) phải lo thôi – ông nói – vợ chồng đứa con trai đầu của tui đang ở, nhưng tụi hắn còn cực, suốt ngày lụi cụi soi trầm cho người ta cũng mới chỉ lo đủ ăn cho hai đứa nhỏ. Mà mền còn lo được chi thì lo, không phải không mong con cháu đỡ đần nhưng nhìn con cháu rứa, ai nỡ…”

Tôi nghe sự bao dung trong giọng ông. Phần vì câu chuyện trước đó trên xe ông kể, nghe nhiều điều thấy thương. 16 năm ông bà bám vào xe phở, kiếm một chỗ bên lề đường làm kế sinh nhai và nuôi 6 đứa con “ra ràng”. Ngay cả chuyện về xóm tôi thuê chỗ trọ, không phải ông bà lo cho mình nữa mà để có thêm thu nhập hàng ngày lo cho hai đứa con, một trai một gái và cả mấy đứa cháu. Ông kể hôm qua được khách, xong hàng lúc 9h30 và được về nghỉ sớm. Hỏi, ông nói ngày mô cũng bán chừng trên 200 tô phở, kiếm chừng 500 ngàn đồng. Hỏi sao ông không bán thêm ít nữa, ông bảo chừng nớ là đủ rồi. Về nghỉ ngơi rồi lo cho ngày tiếp. “Tui nói thiệt với cô, bán thêm cũng được, bán đắt một chút cũng được, nhưng như rứa không bền lâu. Vợ chồng tui giữ nguyên giá, nguyên chất và mang đến sự hài lòng cho người ta nhất. Lấy số nhiều làm lãi, ít mà bền lâu cô à… Khách giờ cũng đã quen mặt, quen chỗ và quen vị”.

Trong câu chuyện nhẩn nha lúc đó, ông kể đã “sắm” được một mảnh đất mạn Hương Sơ cho con trai thứ. Ông bà cũng cho luôn 300 triệu đồng cho cậu trai khi dựng nhà. Cậu con trai cả thì cứ ở cái nhà trên Thủy Bằng. Giấy tờ ông vẫn giữ. Khi mô về với ông mệ rồi “hay chắc”. “Thương con chớ cô, nhưng mình phải làm răng để tụi hắn biết lo, biết thân biết phận và sống có trách nhiệm”.

Tôi nhớ điều ông vừa nói, và thấy thương đến tần ngần khi nhìn cách mà người đàn ông hơn 65 tuổi cúi xuống, khơi lại đám củi cho lửa bùng lên dưới xe phở. Hai chữ trách nhiệm nghe nặng vậy mà có khi lại nhẹ hều trong một cử chỉ, dài đến hàng năm.

Ngân Hạnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân
Tết muộn

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng chài ven biển quanh năm đượm mùi tôm cá. Tết của những làng chài ven biển cũng không khác gì ở những nơi khác, có chăng chỉ là tuổi thơ của tôi gắn liền với những chuyến đi biển xa biền biệt của ba. Vì thời gian tết về thì ở chỗ chúng tôi cũng là lúc bắt đầu mùa cá. Khi ấy những người đàn ông sẽ dong thuyền ra khơi và có khi đi cả tháng trời mới về. Tết của chúng tôi khi ấy vừa là hòa vào không khí chung của ngày lễ cổ truyền, vừa là sự chờ đợi và cầu bình an cho những người chủ gia đình đang lênh đênh trên sóng.

Tết muộn
Cuối năm, thăm gia đình người hiến tạng

Vòng xe chúng tôi lăn bánh từ Nghệ An rồi trở lại Huế, chưa có chuyến đi nào đầy cảm xúc như chuyến đi này. Mỗi gia đình người hiến mô/tạng là một câu chuyện khác nhau, song tựu trung vẫn là cái nhìn vị nhân sinh, sự cho đi nặng trĩu tình người…

Cuối năm, thăm gia đình người hiến tạng
Quý nghề xưa, giữ nếp nhà

Bánh tiến cung tưởng lùi vào dĩ vãng vẫn được gìn giữ theo cách riêng mỗi gia đình. Nhờ vậy, một dòng mạch ngầm ẩm thực âm thầm chảy trong đời sống người Huế, mang theo tình yêu và niềm tự hào một thuở…

Quý nghề xưa, giữ nếp nhà
Return to top