ClockThứ Hai, 31/08/2015 15:19

Thương dân dân tạc tượng thờ

TTH.VN - Nguyễn Duy Xán sinh năm 1906 tại làng Lý Hòa huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình có truyền thống học giỏi. Bác ruột ông là Nguyễn Duy Thắng đỗ Phó bảng khoa thi Mậu Tuất (1898), chú ruột là Nguyễn Duy Phiên đỗ Tiến sĩ khoa thi Đinh Mùi (1907). Cha ông là Nguyễn Duy Tích đỗ Tiến sĩ khoa thi Tân Sửu (1901), làm quan đến chức Tham tri bộ Binh, sau được tuy tặng Thượng thư bộ Lễ. Đỗ đạt rồi ra làm quan, cha chú của Nguyễn Duy Xán đều nổi tiếng thanh liêm, cương trực.

Tượng Trần Duy Xán được dân tạc thờ lúc ông đang còn sống

Đầu những năm 30 thế kỷ trước, Nguyễn Duy Xán đỗ cử nhân Luật, được bổ làm Tri huyện Hải Hậu một huyện ven biển của tỉnh Nam Định. Nhận rõ sự cần thiết của hệ thống đê ở nơi đầu sóng ngọn gió, ông đã huy động dân tu bổ  đê biển chắc chắn. Vừa thẳng tay trừng trị quan lại dưới quyền lộng hành, tham ô, ức hiếp dân, ông vừa chăm lo cho dân lành. Những xích mích giữa đồng bào lương-giáo trong vùng đều được ông hòa giải. Ông cho làm nhiều công trình phục vụ dân sinh như làm đường, xây trường học, xây chùa, đào mương dẫn nước nhập đồng… Lòng trong sáng, lại nắm chắc luật nên ông xử án rất công minh, được dân tâm phục khẩu phục. Là phật tử thuần thành, ông thường lấy đạo đức Phật giáo để răn dân; thương dân, lại liêm khiết nên quan Xán luôn được dân quý trọng.

Khoảng năm 1936-1939, Hải Hậu là vùng quê có phong trào truyền bá Quốc ngữ rất mạnh. Trong số các thầy giáo dạy trường huyện ở đây, có thầy Mô và thầy Đào Trọng Côn, là những cán bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương hoạt động bán công khai trong vùng. Thực dân Pháp đánh hơi, gọi quan Xán lên cảnh báo và yêu cầu phối hợp để theo dõi hai ông giáo. Thay vì làm theo quan Pháp, ông đã mật báo với hai người để bảo trọng. Sau này, ông Mô trở thành đại tá Quân đội, ông Côn là giảng viên Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội; họ còn giữ mãi những ấn tượng tốt đẹp về tri huyện Nguyễn Duy Xán.

Những người cao tuổi ở thị trấn Hải Hậu kể rằng, ngày quan Xán rời nơi đây đi nhậm chức Tri phủ Khoái Châu (Hưng Yên), dân kéo lên huyện đường lưu luyến tiễn ông; nhiều người đã khóc khi xa vị quan thanh liêm, đức độ. Khi cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Nguyễn Duy Xán đang làm Án sát tỉnh Hưng Yên, nhưng được mời ở lại tham gia Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh. Lúc đầu, ông từ chối nhưng trước sự chân thành của những đại diện chính quyền Nhân dân, ông đã nhận lời.

Trước ngày toàn quốc kháng chiến không lâu, ông Xán xin trở lại quê nhà và từ đây, tham gia suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Không là đảng viên nhưng ông được giao những trọng trách như Chánh án tòa án Nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Nghỉ hưu, ông về vui thú điền viên ở quê vợ-làng Lệ Sơn huyện Tuyên Hóa và qua đời năm 1983…Các con ông đều là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên luôn giữ nếp thanh cao của gia phong, sống trong sáng, nghĩa tình. Người con gái Việt Nam xinh đẹp, được đạo diễn người Nga Các-men chọn làm hình ảnh mở đầu bộ phim nổi tiếng “Việt Nam trên đường thắng lợi” chính là bác sĩ Kim Anh con đầu của cụ Xán, nay ở Hà Nội, vừa nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.

Mãi đến năm 1993, con cháu cụ Xán mới biết người dân Hải Hậu đã tạc tượng thờ cụ tại chùa Tùng Lâm ở Xóm 4 xã Hải Phương. Từ khắp nơi, họ tìm về, xúc động đứng trước bức tượng của cha, ông. Tượng cao hơn một mét, bằng gỗ, tạc hình cụ Xán trong trang phục quan huyện, đầu đội mũ cánh chuồn, tay cầm thẻ bài. Riêng hai cánh chuồn trên mũ bị sứt, nay đã được chùa Tùng Lâm khôi phục lại. Tượng được tạc theo trí nhớ của những người từng biết cụ Xán nhưng khá giống nguyên mẫu, được đặt trang trọng trong gian thờ.

Chuyện rằng, khi cụ Xán rời Hải Hậu, người nơi đây vẫn nhớ một vị quan khắc kỷ, thương dân. Họ tỏ lòng thành bằng cách tạc tượng và dành gian bên trái chùa Tùng Lâm để đặt bàn thờ cụ. Sư bà Thích Đàm Quyên-trụ trì chùa này cho hay, tượng và bàn thờ cụ Xán được lập vào đầu những năm 50 thế kỷ trước, nghĩa là khi người được tạc tượng thờ đang làm cán bộ tỉnh Quảng Bình. Lúc đương chức, cụ Xán hay đi công tác Hà Nội nhưng không biết mình được thờ sống ở vùng quê chỉ cách Thủ đô chừng 100 cây số. Khi con cháu cụ Xán về thăm chùa Tùng Lâm, ông Nguyễn Thế Vy-một phật tử ở đây đã làm thơ tặng họ, trong đó có những câu dành cho người quá cố: “…Trọng nhân nghĩa, trọn một đời đức độ/Sống thương dân, dân mãi không quên/Người xưa, dẫu cõi trăm năm/Tượng kia còn mãi, tiếng thơm không mờ…” Quả là thời nào cũng vậy, quan thương dân, tất được dân tôn thờ.

Bây giờ, khi đã biết ngày giỗ cụ Xán là mùng 7/8 âm lịch; hằng năm, bà con trong vùng lại tụ về chùa Tùng Lâm vào ngày này để cúng cụ, như một người thân trong gia đình./.

Nguyễn Cảnh Tường
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bắt giữ tàu giã cào hoạt động trái phép

Chiều tối ngày 23/4, Đồn Biên phòng Lăng Cô đã phát hiện 1 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi hành nghề giã cào trái phép tại vùng biển ven bờ thuộc huyện Phú Lộc và đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ người cùng phương tiện để xử lý theo quy định.

Bắt giữ tàu giã cào hoạt động trái phép
Nhiều mô hình hay

Bằng những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền đã huy động được sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.

Nhiều mô hình hay
Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Từ những chính sách, các chương trình, dự án, hoạt động trợ giúp, nhiều hoàn cảnh được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, được nâng cao kỹ năng để giải quyết khó khăn về vật chất và tinh thần.

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội
Return to top