ClockThứ Tư, 27/02/2019 21:27

Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 trước mong đợi của các nước

TTH - Bắc Triều Tiên không chỉ là vấn đề ở khu vực, đây cũng được cho là vấn đề đầy thách thức và rất được chú trọng đối với nhiều nước trên thế giới, từ các nước EU cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó, việc Tokyo và Seoul quan tâm đến Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 đang diễn ra ở Việt Nam là điều hiển nhiên, do sự gần gũi của các nước này với Bình Nhưỡng, nhưng các quốc gia EU cũng đặt kỳ vọng vào hội nghị lần này do có mối quan tâm trực tiếp đến sự ổn định ở Đông Á, không chỉ vì lý do kinh tế.

Hành động của Triều Tiên sẽ tùy thuộc vào phản ứng của MỹThế giới đánh giá cao Việt Nam qua việc tổ chức Thượng đỉnh Mỹ-TriềuThượng đỉnh Mỹ-Triều 2: Mỹ và Triều Tiên muốn gì?

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Getty Images

Theo tin từ The Diplomat, Thụy Điển đã tổ chức nhiều cuộc hội đàm về vấn đề Triều Tiên trước khi diễn ra hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un. Pháp, một cường quốc hạt nhân và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc với lập trường cứng rắn nhất trong số các thành viên EU về phi hạt nhân hóa Triều Tiên, cũng đã đưa ra những ý kiến chuyên môn về vấn đề này. Ngoài ra, mối quan tâm của EU đối với Bắc Triều Tiên không chỉ về việc phi hạt nhân hoá, các lệnh trừng phạt, mà còn là tiềm năng về các cuộc đối thoại và các chương trình viện trợ.

Trong khi EU hoan nghênh Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tại Singapore vào tháng 6/2018 và tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị một cách thận trọng, nhiều nhà phân tích kỳ vọng rằng, một kết quả cụ thể hơn ở hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra ở Hà Nội sẽ là một lộ trình rõ ràng để phi hạt nhân hóa và có thể kiểm chứng lẫn nhau.

Ngoài ra, các nước cũng mong đợi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ đưa ra tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, những cam kết của Bình Nhưỡng về các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân, cũng như tiếp tục các biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai nước.

Thực tế, các báo cáo tin tức của Mỹ cho thấy hai bên đã sẵn sàng ký kết văn bản tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, Bình Nhưỡng cũng sẽ chấm dứt hoạt động của cơ sở hạt nhân Yongbyon, đổi lại Mỹ sẽ nỗ lực dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt quốc tế áp dụng với nước này. Ngoài ra, một số cơ sở hạt nhân khác của Triều Tiên có thể cũng sẽ được đề nghị dỡ bỏ.

Đối với Hàn Quốc, sự kiện này mang nhiều kỳ vọng từ giới lãnh đạo, quan chức, cho đến người dân. Trang Korea Herald đưa tin, với vai trò là nhà hòa giải quan trọng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên tiếng ủng hộ cho một tuyên bố kết thúc chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên rất có khả năng được đưa ra tại hội nghị, nhằm xây dựng niềm tin giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng như sẽ thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, và từ đó hướng tới kế hoạch cho các hoạt động hợp tác với Triều Tiên.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đang theo dõi chặt chẽ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này, với hi vọng hội nghị sẽ dẫn đến việc Triều Tiên loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt một cách đầy đủ, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, tin từ NHK cho biết.

Tố Quyên

(Lược dịch từ The Diplomat, CNN, Korea Herald & NHK)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top