ClockThứ Ba, 09/02/2016 10:31

Thương hiệu Huế từ yếu tố "Cung đình"

TTH - Huế không có tiềm năng kinh tế công - nông nghiệp thuần túy nhưng giàu tiềm năng du lịch sinh thái nhân văn, đặc biệt là những giá trị riêng có mang đậm chất cung đình của một thời quân chủ, điểm hội tụ tinh hoa của cả nước. Đó mới là những điểm ngoài Huế thì “chẳng nơi nào có được”. Khi chưa phát huy tốt những lợi thế có một không hai này, ngoài khai thác phần vật thể (như vé di tích) thì phần phi vật thể (dịch vụ bên trong, xung quanh) vẫn còn bị bỏ ngỏ bởi sự đơn điệu về chủng loại, phong cách, phương thức kinh doanh... vốn có tỉ trọng cao hơn nhiều lần. Vấn nạn nghèo nàn trong các loại hình sản phẩm dịch vụ du lịch, sự luộm thuộm, nạn chặt chém... làm “mất điểm” du lịch Huế, suy cho cùng, đều phát xuất từ sự thiếu vắng này.

Có lẽ khởi đầu cần tính đến câu chuyện thổi hồn cho sản phẩm thủ công truyền thống Huế bằng phương thức tìm về cội nguồn: Kinh đô Huế. Mọi danh hiệu của Huế cần được định vị rõ ràng, với những khái niệm và lộ trình hiện thực hóa cụ thể; tránh tình trạng mơ hồ, thiếu thực tế. Sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch không dừng lại ở những vật phẩm được trao đổi, mua bán thông thường mà là những sản phẩm đặc biệt, chứa đựng nhiều giá trị thông tin, có tính biểu tượng cho lịch sử văn hóa của vùng đất, mang nhiều thông điệp của những “sứ giả” văn hóa, từ một địa phương, cho tới vùng miền rồi quốc gia dân tộc.

Mũ Mã Vĩ phục chế. Ảnh: Kim Lộc

Từ đó, cần áp dụng một lý thuyết, chiến lược khác biệt/dị biệt hóa sản phẩm thủ công truyền thống Huế. Bối cảnh toàn cầu hóa càng cần nhấn mạnh những yếu tố khác biệt, bản sắc, đặc trưng vốn rất gần với “dị biệt”, nhất là các chiến lược khác biệt hóa sản phẩm trong kinh doanh. Đó là những ngành nghề thủ công truyền thống tinh xảo, công phu tuyệt đỉnh từ hệ thống quan xưởng của Kinh đô Huế, vốn được vận hành khắt khe, thống nhất trên khắp cả nước thông qua chế độ công tượng. Nhờ đó, Huế trở thành một đại công trường quy tụ tinh hoa thợ thủ công cả nước, và cả trong khu vực, quốc tế, nhằm phục vụ nhu cầu quốc kế dân sinh, an ninh quốc phòng, lẫn đời sống phong kiến quan liêu. Nếu như thời phong kiến, nhà nước trưng tập thợ giỏi cả nước về Kinh thì hiện nay, Huế cần có chính sách “thảm đỏ” thích hợp để mời gọi, thu hút trở lại những di duệ cung đình hiếm hoi còn lại, để có những thượng phẩm phục vụ du lịch, xuất khẩu và các nhu cầu cao cấp khác.Lý thuyết dị biệt hóa/khác biệt hóa sản phẩm trong chiến lược kinh doanh và phát triển du lịch dịch vụ là rất quan trọng: sản phẩm đặc trưng, theo hướng cao cấp khi giá cao, mà vẫn chiếm lĩnh thị trường, nhờ vào sự độc đáo đặc biệt, tạo nên sự khác biệt. Trong du lịch, với phương châm níu giữ du khách ở lại lâu nhất, hiệu suất tiêu tốn thời gian cao nhất và đương nhiên, cũng để lại nhiều tiền nhất mà vẫn cảm thấy thỏa mãn..., thì quy hoạch một khu trung tâm dành riêng cho các chủng loại hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí, khám phá của du khách, đặc biệt là các sản phẩm thủ công truyền thống là điều đương nhiên. Sức hấp dẫn từ những sản phẩm mang đậm sắc thái văn hóa địa phương, nhất là với tính chất dị biệt hóa của hệ sản phẩm cung đình Huế, không chỉ gợi mở đối với du khách từ trước, mà cũng rất bất ngờ, tạo cảm giác mới lạ, tìm tòi, khám phá. Không chỉ có vậy, quá trình tập trung, phục hồi lại các ngành nghề thủ công cung đình quý hiếm đó còn mở ra tương lai rộng mở cho ngành nghiên cứu, phục chế cổ vật đang có nhu cầu rất lớn hiện nay. Huế, nhờ đó, thực sự trở thành một bảo tàng viện, một bảo tàng sống tiêu biểu, điển hình cho việc lưu giữ những tinh hoa truyền thống và cả những ngành nghề phục chế “tìm về ngày xưa”.

Trong vai trò là một thành phố Festival, thành phố văn hóa ASEAN, cần xây dựng Huế trở thành một bảo tàng sống về di sản ngành nghề thủ công truyền thống; một trung tâm sản xuất, quảng diễn, mua bán, trao đổi hàng thủ công cao cấp mang đậm dấu ấn cung đình triều Nguyễn. Bảo tàng sống đó được tạo thành từ những điểm riêng lẻ nhưng lại được kết cấu trong một tổng thể thống nhất, chặt chẽ, hình thành nên những địa chỉ, những không gian đặc hữu Huế. Ở mỗi nơi đó, cần thể hiện được tinh thần chủ đạo của một bảo tàng về ngành nghề thủ công truyền thống độc đáo; không gian sản xuất, biểu diễn, thực nghiệm - trải nghiệm đối với du khách và là không gian trao đổi, mua bán.

Một khi kinh tế du lịch chưa thực sự vận hành mạnh mẽ, tạo môi trường và sinh khí thực sự cần thiết, tạo sức hấp dẫn mọi thành phần kinh tế trong xã hội tham gia thì trong thời gian đầu, vai trò đầu tàu, trung tâm chi phối của nhà nước là rất quan trọng. Có như vậy, nhiều tiềm năng mới chuyển hóa thành sản phẩm văn hóa du lịch thông qua phương thức thổi hồn của di sản truyền thống vào trong xã hội hiện đại theo hướng tinh hoa, điển chế hóa, sang trọng hóa sản phẩm mang đậm yếu tố cung đình Huế; chống xu hướng đơn giản hóa, tầm thường hóa và thiếu tôn trọng lịch sử - văn hóa dân tộc đang có nguy cơ ngày càng phổ biến như hiện nay.

Để thu hút sự quan tâm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, một điểm đến hấp dẫn thì Huế phải có nhiều không gian, địa chỉ thú vị để giữ chân họ ở lại lâu nhất, tiêu tốn thời gian và tiền bạc hiệu quả nhất, nhiều nhất, mà vẫn rất hài lòng.

TS. Trần Đình Hằng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV

Tại giải Vô địch Cung thủ xuất sắc Quốc gia năm 2024 được tổ chức ở sân nhà, bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV. Mục tiêu này được kỳ vọng vào cung thủ Nguyễn Thị Thanh Nhi.

Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV
Huế yên bình

Nhiều du khách chọn Huế là địa điểm du lịch lý tưởng khi muốn tìm kiếm một chút chữa lành nào đó. Cảnh đẹp nên thơ, với vô vàn địa điểm hấp dẫn của vùng đất Cố đô sẽ giúp du khách tìm thấy sự yên bình thật sự.

Huế yên bình
Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh

Sáng 21/3, tại Nhà khách Quốc hội (Hà Nội) diễn ra hội thảo “Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu văn hoá nghệ thuật do Liên hiệp các Hội VHNT của ba địa phương tổ chức.

Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh
Return to top