ClockThứ Năm, 15/02/2018 19:29

Thương mai

TTH.VN - Lùng đùng thế nào, sáng 30 Tết thấy người nhà tha về một cành mai. Việc này làm tôi hơi ngạc nhiên vì tối 29, cả nhà đã kéo quân lên Đàn Nam Giao xem mai rồi nhưng chả chọn được cành nào.

Tết với người trồng hoa

Mai cành là thú chơi truyền thống của người Huế. Ảnh: L. Thọ

Cành cao thì không đặt vào phòng khách được vì trần thấp, cành nhỏ trông không có dáng có thế, gốc lại non. Nhà tôi lại không thích mua mai chậu được uốn cong uốn queo. Với lại nhà có cây mai bên hiên. Dù vấp phải chỗ có nhiều rễ tre nên lớn nhì nhằng, thành ra mai cọt nhưng nó vẫn cứ ở đấy, vẫn cứ “cố gắng” nở hoa…

Hôm trước nữa, cả hai ghé qua chợ hoa trước Phu Văn Lâu. Tôi vốn không có ý định chưng mai nên cũng chả mấy để ý, chỉ thấy tồi tội khi nhìn người ta cắm mấy cành mai vào vỏ lon sắt gì đó rồi đứng, ngồi chờ người ghé qua. Nghĩ mình trồng mai hoài, mà chẳng ra làm sao, nên nếu có cành mai nẩy lộc hay có “thế” gì đó đôi chút, chắc mình khư khư nâng niu. Dễ chi mới có được cành mai sum suê vầy, cao hơn 1,5 m vầy… Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy thương cả người bán mai. Chắc họ cũng tiếc đứt ruột luôn chứ đâu giỡn, mà ngày Tết thì cũng phải có chút gì để sắm sanh cho bàn thờ gia tiên, cho lũ nhỏ có chiếc áo, miếng bánh… chứ đâu có ai thừa mai mà đem bán hoài vậy.

Người nhà năm nay đúng là cũng nghĩ khác thiệt luôn. Mọi năm thể nào 30 cũng ôm một bó hoa mảnh dài li ti màu tím nhạt thả vào chiếc bình cũ được hàng xóm tặng cho từ năm nào. Hàng xóm giờ đã đi nơi khác ở nhưng mỗi lần nhìn chiếc bình non cả trăm tuổi trong góc lại nhớ nụ cười rổn rảng của anh mỗi lần Tết về. Năm nay đám hoa li ti đó vắng mặt, những cành mai vừa mang về cũng nhiều nụ non hơn là hoa, nhưng trông dáng vóc có vẻ thân ái dữ lắm. Hỏi ủa cành này hôm qua có thấy trên Nam Giao đâu, người nhà bảo thì ba lên đổ xăng, thấy anh ni ôm cành mai xuống, được là lấy thôi, khỏi trả.

Anh ni là anh bán mai. Người cũng mảnh và giọng cũng nhanh nhảu và rổn rảng như người hàng xóm cũ. Nhà khách nhưng anh cũng xúm vô, kê kê dọn dọn, cũng bảo đi lấy nước nóng pha vào cho mai mau nở, cũng xê cũng xích sao đó cho có thế có thần, dù cũng không có ăn ý với ông chủ hơi có máu nghệ thuật (à ha chắc lây từ vợ). Ông chủ muốn cành nghiêng chút vào bức tranh của Võ Xuân Huy trên tường, anh bán mai thì cứ muốn đẩy nó nghiêng vào góc một chút cho khỏi va chạm. Ông chủ cũng ngẫu hứng, nên mai không đứng vững vì thiếu mấy cục đá để chèn vô. Vậy là cuối cũng cả hai thả đó. Người cầm tiền vui vẻ ra về, người hô hào lũ nhỏ chuẩn bị lên mộ thắp hương cho ông ngoại... Ngoái nhìn cành mai trước khi ra cửa, tự dưng tôi cứ thấy xon xót. Cành mai chắc vừa được cắt và đem về từ một khu vườn trên đường Lê Ngô Cát, nếu biết nghĩ chắc nó cũng không hiểu sao mình lại ở đây, sao giờ bên cạnh chẳng có ai đứng ngồi cùng…

Hôm qua, chợ hoa nhóm mấy ngày Tết mạn Nam Giao còn đầy, mà đến trưa đã được mang đi gần hết. Chỉ còn lác đác vài đám ly Huế trồng trong chậu nhựa, ít chậu cúc vàng loi thoi và phía xa là mấy chậu mai vạm vỡ còn nguyên đai nguyên kiện với cả một bầu đất được giằng chéo cẩn thận. Loại mai đó chỉ thích hợp với những nhà có vườn rộng, và người cũng phải thật nhiều tiền nữa mới mang về được. Hôm nọ khi đi quanh một vòng chọn hoa cho cơ quan, thấy người ta hét 35 triệu, 24 triệu và có những cây nhỏ hơn giá từ 10 triệu đồng trở lên mình đã khép nép rồi. Không bán được, người ta sẽ lại đem các lão mai đó về nhà chờ mùa tết sang năm.

Nhưng chí ít thì các lão mai và cội mai đó còn có cơ hội để sống cuộc đời mai ở một nền đất khác, khu vườn khác. Chứ mai cành như người nhà vừa mua, như mấy cành còn sót lại trước cửa Nam Giao mà tôi vừa trông thấy chỉ còn một khoảng thời gian không nhiều. Để vui cho người chắc cũng đến vậy mà thôi.

Thấy tôi sân si, người nhà nhấm nhẳng, không mua cho người ta mới tội nè, sao cứ nghĩ đi mô mô rứa. Có chi thì mai cũng đã bị cắt và đưa ra khỏi vườn rồi, nếu thương thì nghĩ xem, có đủ sức giữ mai lại vườn cho người ta không?

Tôi lại quay đi, dù biết đó mới là điều có thật. Dẫu sao thì hoàng mai à, đã đến nhà rồi thì cứ thản nhiên mà nở, thản nhiên mà đẹp nghe. Tết cũng đã chùng chình trước cổng rồi còn chi.

                                                                                                            Nguyễn An Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây, đồng thời tiếp tục hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, sáng 16/2, tại cồn Dã Viên, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024.

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024
Thiếu nữ Huế & tết

“Tết” - chỉ một từ ấy thôi mà làm xao xuyến bao người, đặc biệt là với những thiếu nữ, lứa tuổi hoa chơm chớm như nụ hồng, rạo rực đón mùa xuân mới với bao mơ ước thầm kín trong tâm hồn thanh khiết, băng tâm.

Thiếu nữ Huế  tết
Ô tô ken dày các trục phố chính, cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết

Sáng 11/2 (mồng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), trên các tuyến phố chính như Lê Lợi, Hà Nội, Lê Duẩn, Hùng Vương...và hai đầu cầu Phú Xuân, Dã Viên (TP. Huế), tình trạng kẹt xe diễn ra nghiêm trọng. Lực lượng cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết giao thông để kéo giản lượng người, phương tiện qua lại an toàn.

Ô tô ken dày các trục phố chính, cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết
Đi lễ nhà thờ họ

Trong mưa xuân lất phất bay ngày đầu tiên của năm mới, dân làng lại tề tựu về nhà thờ họ với mâm cúng đủ đầy, mang theo bao ước vọng.

Đi lễ nhà thờ họ
Những người thức cùng mùa xuân

Trong thời khắc thiêng liêng của đất trời, người người, nhà nhà tạm xếp lại những bộn bề cuộc sống để ở bên cạnh người thân, đón chào năm mới. Tuy vậy, đâu đó vẫn có những con người lao động vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc của mình.

Những người thức cùng mùa xuân
Return to top