ClockThứ Ba, 20/09/2016 13:26

Thương tâm hoàn cảnh gia đình em Khải

TTH - Cha mẹ bệnh hơn mười năm, nhà quá nghèo nên mới 16 tuổi, em Nguyễn Đỗ Khải (thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang) phải xin đi học nghề thợ nề, mong muốn kiếm tiền phụ giúp nuôi các em ăn học. Không may tai họa giáng xuống, Khải ngã từ giàn giáo bị chấn thương sọ não, chấn thương 3 đốt sống cổ. Cha đứt ruột, mẹ ngất lịm khi Khải trút hơi thở cuối cùng sau những ngày mê man trong bệnh viện.

Nhà em Khải đơn sơ, dột nát

Thương tâm

Nhá nhem chiều ngày 6/9, hàng xóm láng giềng thấy chị Đỗ Thị Cùng lảo đảo ngã xuống nền nhà. Tưởng căn bệnh u tử cung chị Cùng đang mang là nguyên nhân, vài người chạy qua giúp. Không ngờ, chồng chị Cùng là anh Nguyễn Văn Lơ cũng đang sụp xuống cạnh vợ, mặt tái nhợt thất thần. Vợ chồng anh vừa nhận cuộc điện thoại của chủ thầu từ tỉnh Nghệ An, hốt hoảng báo tin đứa con trai của họ là Nguyễn Đỗ Khải vừa gặp nạn, ngã từ giàn giáo xuống đất mê man bất tỉnh. Bệnh viện ở TP. Vinh đã “lắc đầu”. Người chủ thầu đang đưa Khải vào Huế. Nhờ hàng xóm trông coi giúp người vợ bệnh tật đang suy sụp vì tin dữ, anh Lơ lập cập cùng mấy người bà con bắt xe ngược ra Bắc. Đến TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) thì đón được đứa con trai. Nhưng dù người cha khóc nức nở, lay gọi đến tuyệt vọng, đứa con vẫn mê man, chẳng thể nào nghe được. Đứa con còn “nhúm” tuổi nhưng biết thương yêu, có trách nhiệm với gia đình, hai hôm trước mới gọi điện thoại về tỉ tê dặn dò mẹ với các em. Vậy mà…

Hơn mười năm qua, chị Cùng bị u tử cung phải liên tục “vào ra” bệnh viện. Không làm được việc nặng, chị cố gắng lo việc nhà, chăm sóc cho chồng và bốn đứa con. Ở làng chài, mưu sinh trên biển, nhưng cũng mười năm qua, anh Lơ bị thoái hóa cột sống, nên thường “đứt” những chuyến ra khơi. Nhà là hộ nghèo, mỗi bận nằm viện, không phải trả chi phí thuốc men, nhưng dù đau đến mấy anh cũng không dám đến bệnh viện. Bởi nếu đi khám, thể nào bác sĩ cũng “bắt” nhập viện điều trị. Nếu anh nằm viện thì ai sẽ là người kiếm tiền lo miếng cơm manh áo cho bốn đứa con (đứa út năm nay đang học mẫu giáo). Lo tiền “đổ” vào thuốc men và lo cho sáu miệng ăn nên nhà cứ mãi trống huơ trống hoác, ngày càng xập xệ. Những bức vách đã quá cũ kỹ. Mái nhà lợp bằng Fibro xi măng cũng cũ nát. Thương cha mẹ bệnh tật triền miên mà vẫn phải gồng lên lo cơm áo gạo tiền, khi đang học lớp 9, cậu con trai đầu của anh Lơ, chị Cùng quyết định bỏ học đi học nghề nhôm kính. Nhưng do mắt có bệnh, không thể cắt kính được, Khải xin cha mẹ cho học nghề thợ nề. Thương con còn ít tuổi mà học nghề nặng nhọc, anh Lơ chị Cùng phân vân. Nhưng vì quyết tâm học nghề để sớm kiếm được đồng tiền phụ giúp cha mẹ nuôi em, Khải lặng lẽ đến năn nỉ một chủ thầu sống trong vùng. Thấy con như vậy, anh chị cũng đến nhà chủ thầu để “có lời”. Biết rõ và thương hoàn cảnh gia đình nên chủ thầu đồng ý. Vậy là đầu tháng 2/2016, Khải theo chủ thầu ra tỉnh Nghệ An đầu quân vào đội thợ đến các công trình xây dựng. Sau bốn tháng học nghề đầu tiên, Khải được cho về thăm nhà. Cha mẹ con cái, anh em sum vầy mừng mừng tủi tủi. Người mẹ cứ mãi cầm bàn tay con, xuýt xoa vì những vết chai. Cậu con trai lại vui vẻ động viên mẹ đừng lo lắng. Nghỉ ngơi mấy hôm, Khải quay ra Nghệ An. Sau mỗi ngày làm việc, cứ tối đến, Khải lại gọi điện thoại để cha mẹ yên tâm. Không ngờ, tai nạn bất ngờ cướp đi một đứa con hiếu thảo.

Người mẹ bệnh tật, thêm nỗi đau mất con, không còn sức lực.

Tuyệt vọng

Bệnh viện ở TP. Vinh “lắc đầu”, nhưng dù chỉ còn một hy vọng mong manh, người cha và người mẹ khốn khổ của Khải vẫn bám víu. Vợ chồng anh Lơ đưa con vào Bệnh viện Trung ương Huế. Họ hàng, xóm giềng thương tình chung tay đóng góp lo thuốc men. Các bác sĩ hết lòng cứu chữa, giành giật sự sống cho bệnh nhân. Nhưng sau ba ngày tại Khoa Hồi sức cấp cứu, tình trạng Khải ngày một xấu hơn. Đưa về nhà được ba giờ đồng hồ thì Khải trút hơi thở cuối cùng. Chị Cùng ngất lịm, chết đi sống lại. Cứ mỗi lần tỉnh lại, người mẹ tuyệt vọng ôm quan tài con. Người cha đứt ruột, không còn nước mắt, thất thần. Cảnh nhà tang thương càng thêm thê thảm khi mấy hôm trời đổ mưa, nước dột từ những tấm Fibro xi măng cũ nát, chảy xuống làm ướt cả quan tài.

Hôm ấy mưa. Thế nên phía trên bàn thờ đặt di ảnh của Khải, vẫn treo hai chiếc xô nhựa nhỏ để hứng nước dột. Trong căn nhà trống hoác, nay lại thêm phần lạnh lẽo, người mẹ ngồi dựa lưng vào tường vì chẳng còn lấy đâu ra sức lực. Chị Cùng thều thào giữa những tiếng nấc nghẹn: “Hai ngày trước khi xảy ra tai nạn, con tui gọi về. Hắn bảo đừng cố sức làm việc, lỡ bệnh phát nặng, mẹ “bỏ đi” thì ai nuôi mấy em. Mẹ đừng lo cho con, để con lo cho mẹ. Bây chừ hắn đã lớn, để hắn làm phụ ba, cố gắng cho các em ăn học. Hai đứa em (lớp 10 và lớp 5) học giỏi rứa mà bỏ giữa chừng thì tội nghiệp lắm. Con trai tui còn nói, thương mấy đứa em gái từ trước đến giờ toàn mặc đồ cũ của người ta cho. Hắn bảo chuyển máy rồi nói với em: Tết đến, thế nào chủ thầu cũng cho tiền. Đợi Tết anh về anh mua đồ mới cho các em. Rứa mà…”

Vậy mà tai nạn ác nghiệt cướp đi một người con, người anh hiếu thảo, trách nhiệm với gia đình, để lại cha mẹ bệnh tật cùng nỗi đau xé lòng. Hai em gái kế của Khải học giỏi nhưng có nguy cơ phải bỏ học.

Mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ xin gửi về anh Nguyễn Văn Lơ, chị Đỗ Thị Cùng thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang số điện thoại 0169.916.3721- 0164.878.9154 hoặc Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế.

Duy Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top