ClockChủ Nhật, 11/09/2016 15:14

Tìm nét mới từ 9 gương mặt quen

TTH - Chín tác giả mà Đỗ Lai Thúy nghiên cứu trong cuốn sách “Hé gương cho người đọc”(NXB Phụ nữ, 2015) là những tên tuổi quen thuộc và nổi tiếng: Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Tú Xương, Tản Đà.

“Bí quyết” để nhà phê bình tìm ra những nét mới ấy, Đỗ Lai Thúy đã trình bày cặn kẽ và có sức thuyết phục trong chuyên luận dài gần 40 trang mở đầu cuốn sách: “Đọc trong không gian văn hoá đương đại”. Ông viết: “… để nhận diện rõ hơn các nhà thơ trung đại trên với tư cách là tác giả, nhất là tác phẩm của họ, thì phải xem người đọc đọc họ như thế nào… Người đọc bằng kinh nghiệm sống và kinh nghiệm thẩm mỹ của riêng mình sẽ “bồi đắp da thịt” cho “bộ xương” văn bản ấy trở thành sinh thể tác phẩm… Những sáng tác này qua một thời gian dài đã có cách đọc chính thống, xác lập được những giá trị ổn định, nay cách đọc mới mang lại những chiều kích mới cho tác phẩm, lấn rộng không gian thẩm mỹ…”.

Bìa sách: “Hé gương cho người đọc”

Xin hãy bắt đầu từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, tác phẩm nổi tiếng và quen thuộc nhất với tất cả chúng ta. Tác giả, “lấy Truyện Kiều làm phòng thử nghiệm những cách đọc”, không chỉ giúp người đọc hiểu lịch sử nghiên cứu phê bình tác phẩm lớn nhất của đại thi hào Nguyễn Du trong hơn nửa thế kỷ vừa qua mà đã “chứng minh” rõ ràng là “cách đọc mới mang lại những chiều kích mới cho tác phẩm, lấn rộng không gian thẩm mỹ…”. Có thể điểm qua những cách đọc/phê bình “Truyện Kiều”: Tiểu sử học (Đào Duy Anh), văn hoá-lịch sử (Trương Tửu), hiện thực chủ nghĩa (Lê Đình Kỵ), phân tâm học (Đàm Quang Thiện, Lê Tuyên), hiện tượng luận (Lê Tuyên), phong cách học (Phan Ngọc), thi pháp học (Trần Đình Sử)…

Nếu chịu khó tra cứu tư liệu thì công việc “lược sử” cách đọc/phê bình Truyện Kiều như trên có lẽ nhiều người làm được; cái khó là nêu nhận định, chỉ ra sự bất toàn trong những cách đọc nêu trên, nghĩa là phải đối thoại/đương đầu với “tác giả” những cách đọc đó mà hầu hết là những “đại gia” trong giới phê bình nghiên cứu. Đỗ Lai Thúy đã làm được việc đó với thái độ điềm tĩnh và tinh thần khách quan, khoa học, trân trọng với cả các công trình nghiên cứu ở miền Nam trước 1975, nên hẳn là không làm ai khó chịu; còn tán đồng với ông tất cả thì lại là chuyện khác. Vả lại, tác giả dẫn ra những cách đọc khác nhau cốt để nhấn mạnh tác phẩm “… không chỉ có nghĩa chủ ý mà còn có nghĩa kiến tạo, tức là nghĩa do văn bản tạo ra…” và “tác phẩm không phải chỉ được sáng tác bằng hữu thức, mà còn chủ yếu bằng vô thức của nhà văn, nên tác phẩm bao giờ cũng dài rộng hơn nhà văn… Đây chính là chỗ cần sự có mặt của những cách đọc mới…”.

Dẫn thêm bà Chúa Nôm Hồ Xuân Hương - một tác giả nữa rất quen thuộc với mọi người để dễ thấy “nét mới” mà Đỗ Lai Thúy tâm đắc. Ông viết: “Trước đây, một ý kiến đã thành đinh đóng chết thơ Hồ Xuân Hương vào tiếng cười đả kích… do cách hiểu phiến diện, thiên về hiện thực và cái nhìn giai cấp, tính phổ quát của tiếng cười Xuân Hương bị chìm khuất… Điều đó làm cùn nhụt các cực sắc nhọn của những biểu tượng lưỡng tri. Người ta không biết rằng bản chất tiếng cười Xuân Hương là để diễn đạt trạng thái đối cực và tính hai mặt của đời sống…”. Có lẽ không cần dẫn thơ bà Chúa Nôm để đối sánh vì người Việt ta ai cũng thuộc ít ra dăm ba bài. Tác giả đã từ văn bản những bài thơ đó, nhận định: “Tiếng cười Xuân Hương còn là tiếng cười tự do, tiếng cười giải phóng… tiếng cười khúc khích… mà thâm hậu”.

Có lẽ cũng nên dẫn thêm một tác giả không thật quen thuộc nhưng lại cho thấy cách đọc khác nhau đã “mang lại những chiều kích mới cho tác phẩm” như thế nào. Đó là nhà thơ Dương Khuê (1839-1902), quê Hà Đông, đỗ tiến sĩ năm 1868, làm quan đến chức Tổng đốc Nam Định-Ninh Bình thời vua Tự Đức…, nổi tiếng với bài thơ/hát nói “Gặp cô đào cũ” (còn có tên là “Hồng Hồng Tuyết Tuyết”): “Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông / Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì/Bây giờ Tuyết đã đến thì/Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già…”.

Điểm qua một ít tiểu sử của ông vì chính điều này đã khiến một số học giả (Dương Quảng Hàm, Dương Thiệu Tống) khi bình luận bài thơ này – người thì “giả vờ” (?) hiểu theo nghĩa đen, “chỉ nhấn mạnh quan niệm hưởng lạc, xu hướng trào phúng, triết lý vô vi của Lão - Trang”,  người lại hiểu theo nghĩa “ẩn dụ”, cho rằng đây là cách nhà thơ hờn trách vua Tự Đức trước tình hình đất nước bây giờ - nhưng cả hai đều “muốn chứng minh, biện chính cho con người xã hội của Dương Khuê vốn đang bị ngộ nhận, hiểu lầm”.

Đỗ Lai Thúy cho rằng “cách đọc này… dễ biến thành cách đọc phi văn chương, đúng hơn, dùng văn chương như một thứ tài liệu để tìm hiểu… tác giả tiểu sử”. Do đó, tác giả muốn phân tích bài thơ từ hệ quy chiếu thẩm mỹ, cho rằng“đây là một bài thơ tình, một tình yêu luôn bị lệch pha thời gian… Sự có-thể-không-thể này tạo ra một bi kịch của cuộc sống và cái đẹp của nghệ thuật..”.

Không thể điểm hết những “nét mới” của 9 gương mặt văn học trung đại nổi bật mà Đỗ Lai Thúy đề cập đến trong cuốn sách này. Điều cần nói thêm, trong khi làm bật nổi chủ đề về “cách đọc nội quan” - cách đọc mới, thay cho “cách đọc ngoại quan”, tức từ bên ngoài nhìn vào văn bản, tác giả đã đồng thời cung cấp cho bạn đọc - nhất là những học sinh, sinh viên, giáo viên văn học - một lượng thông tin khá đầy đủ về tiểu sử, quá trình sáng tác… của 9 tên tuổi đã dẫn, có thể giúp ích nhiều trong quá trình học tập, nghiên cứu về sau.

Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học công nghệ: Xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lại thực tiễn

Để tạo ra một sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Và, kết quả nghiên cứu KHCN đòi hỏi phải quay trở lại phục vụ thực tiễn cuộc sống, được chuyển giao, ứng dụng, thương mại hóa để không lãng phí tiền tài, kỳ vọng.

Nghiên cứu khoa học công nghệ Xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lại thực tiễn
Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học công nghệ

Chiều 18/1, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và hội thảo "2 năm thực hiện chương trình hành động của UBND tỉnh về xây dựng Trung tâm KHCN, kết quả và giải pháp". Tham dự có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; bà Phạm Thị Minh Huệ, UVTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn...

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học công nghệ

TIN MỚI

Return to top