ClockThứ Bảy, 04/11/2017 14:06

Tiệm may của cô chủ khuyết tật

TTH - Không chỉ mở tiệm may để mưu sinh mà gần 13 năm qua, chị Mai Thị Thủy (làng La Chữ, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà) còn tìm dạy, truyền nghề miễn phí cho các em khuyết tật ở địa phương.

Chị Thủy với công việc hàng ngày của mình

Tiệm may của chị Thủy khuất sau lằn đường cua ở làng La Chữ. Suốt 13 năm nay, khách ra vào không ngớt, chị Thủy cũng không được ngơi tay. Những chiếc áo, quần mới tinh tươm "ra lò" là niềm vui, động lực để chị Thủy làm việc mỗi ngày.

Sinh ra vốn có cơ thể lành lặn, khỏe mạnh nhưng sau một lần sốt cao lúc một tuổi rưỡi, khiến chị bại liệt hai chân. “Những năm tháng đó thật tối tăm, tôi chật vật khổ sở, đôi chân như trở thành gánh nặng lớn với cơ thể”, chị Thủy nói.

Cơ may đến với chị vào năm 7 tuổi. Sau khi “van vái tứ phương”, mẹ chị tìm được một thầy thuốc tốt và chị có thể đi lại chiếc gậy tre. Dẫu vậy, bè bạn trong lớp vẫn xa lánh chị. Tủi thân, chị Thủy xin mẹ cho đi học may sau khi học hết lớp 8, cũng là để tìm cho mình một nghề mưu sinh.

Trong ba năm đầu học nghề, chị Thủy hầu như không có chút tiến triển nào do đôi chân quá yếu, khó đạp máy may. “Nhìn mọi người đi lại, chạy nhảy bằng hai chân không chút khó khăn, tôi tự nhủ mình cũng phải cố gắng tập luyện để đôi chân có sức lực hơn”, chị Thủy bộc bạch. Nghĩ là làm, chị bỏ gậy tre qua một bên. Những cơn đau nhức, những lần ngã không làm chị nản lòng. Sự kiên trì rồi cũng được đền đáp, dù dáng đi còn hơi vặt vẹo.

Hoàn thành khóa học may, chị xin vào làm tại Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật tỉnh. Chính nơi đây đã khiến chị mở lòng hơn, bỏ qua những mặc cảm, tự ti, chị tìm được chính mình khi trò chuyện, tâm sự với những người bạn cùng cảnh ngộ. Chị trở nên vui vẻ, hoạt bát và hay cười nói, đó cũng là tiền đề để chị mở tiệm may sau khi lập gia đình.

Năm 27 tuổi, chị Thủy mở tiệm may tại nhà. “Lúc mới mở tiệm, khách rất ít, một phần cũng do nghi ngờ tay nghề. Phải mất một thời gian, bằng sự tận tụy và cố gắng học hỏi để may khéo, đẹp hơn thì khách tới tiệm mới nhiều lên”, vừa đạp lai quần chị Thủy vừa kể. Tay nghề được nâng lên mỗi ngày, khách cũng một ngày một đông nhưng chị Thủy vẫn chưa thấy bằng lòng. Nỗi day dứt khi nhìn những người khuyết tật với phận đời lênh đênh đeo bám chị trong từng suy nghĩ. Trái tim mách bảo, thôi thúc chị phải làm được điều gì đó cho các em khuyết tật. Chị bắt đầu tìm đến gia đình những người khuyết tật trong địa phương, mở lời đề nghị dạy may miễn phí cho các em. Cứ thế, suốt 13 năm ròng, hễ nghe làng xã nào có người khuyết tật chưa có việc làm, chị lại cất công tìm đến tận nhà, số học trò của chị theo đó cũng tăng lên. Em Nguyễn Thị Hạnh (thôn Phú Ổ, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà) bị thiểu năng, đã theo học may chị Thủy được hai năm, xúc động nói: “Cô Thủy rất tốt bụng. Nhờ cô, em và nhiều bạn khác đã biết may. Em rất vui vì sau này mình cũng có một nghề để mưu sinh”.

Có người gọi vui chị Thủy là cô giáo không bục giảng. Nhiều lớp học trò của chị đã ra nghề, người mở tiệm riêng, người vào làm công nhân may ở xí nghiệp, có em tay nghề yếu chị giữ lại ở tiệm, may những thứ đơn giản và được trả tiền để có chi phí sinh hoạt. Chị vẫn miệt mài với công việc may vá, chỉ dạy các em khuyết tật bằng cả tấm lòng. Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật tỉnh chia sẻ: “Thủy là một cô gái giàu nghị lực, có tính cầu tiến và có lòng nhân ái. Là gương người khuyết tật biết vươn lên trong cuộc sống”.

Bài, ảnh: Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chạy đua” với tết

Cận tết, đêm ở chợ đầu mối Phú Hậu, chợ Đông Ba nghe rõ bước chân vội vã của những người làm nghề “cửu vạn”. Những cánh tay quệt lau mồ hôi, những bữa ăn vội, cái chợp mắt chỉ vài phút làm cho nhịp sống ngày gần Tết Giáp Thìn thêm hối hả. Nhiều chị em phụ nữ gồng mình bốc vác hàng nặng nhưng không quên hối nhau: “Chạy đua nhanh lên cho kịp tết”.

“Chạy đua” với tết
Đằng sau gánh nặng mưu sinh

Không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ bà dưới nắng mưa, gió lạnh, bất kể ngày hay đêm vẫn miệt mài vất vả mưu sinh trên đường phố Huế. Đã bao giờ bạn thử ngồi xuống một gánh hàng rong, mua một thứ gì đó của các mệ và lắng nghe những nỗi niềm của người bán hàng khắc khổ? Chắc chắn bạn sẽ có được một trải nghiệm rất thú vị và nhận ra rằng bạn may mắn biết chừng nào.

Đằng sau gánh nặng mưu sinh
Sống chung với mưa lũ

Ngày 16/11, nước còn ngập ở nhiều vùng. Người dân vẫn tìm cách thích nghi trong mưa lũ bởi với họ, vẫn phải sinh hoạt, mưu sinh. Dù khó khăn song trong hoạn nạn, ở đâu đó, sự sẻ chia là món quà sưởi ấm lòng người lúc này. ​

Sống chung với mưa lũ
Mưu sinh từ rác

Ở thị xã Hương Thủy, đặc biệt là phường Thủy Châu hiện nay có không ít phụ nữ “lo cơm” cho gia đình bằng cách đến bãi rác tìm ve chai, phế liệu. Phần lớn trong số này có hoàn cảnh khó khăn.

Mưu sinh từ rác
Không có lương hưu, người cao tuổi chật vật mưu sinh

Toàn tỉnh có hơn 33 ngàn người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được chi trả lương hưu hàng tháng, chỉ chiếm xấp xỉ 24% tổng số người cao tuổi (NCT) trên địa bàn, số còn lại phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có nguồn thu nhập ổn định.

Không có lương hưu, người cao tuổi chật vật mưu sinh

TIN MỚI

Return to top