ClockThứ Ba, 23/10/2018 06:45

Tiền lương trong doanh nghiệp sẽ theo cơ chế thị trường

TTH - Theo đề án cải cách chính sách tiền lương, bên cạnh cải cách tiền lương ở khu vực công, những chính sách liên quan đến tiền lương trong doanh nghiệp cũng được đề xuất theo hướng giảm sự can thiệp của Nhà nước, tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp.

Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lựcChương trình hành động của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lươngDịch chuyển & định hình chất lượng nguồn nhân lựcTính toán nguồn lực cho cải cách tiền lươngCải cách tiền lương: Xây dựng hệ thống chính sách khoa học, minh bạch

Mong ước của người lao động là mức lương đảm bảo đời sống

Lương chưa đủ sống

Làm công nhân may hơn 10 năm nay, mức lương của chị Nguyễn Thị Ly (phường Phước Vĩnh, TP. Huế) khoảng 5 triệu đồng/tháng. Số tiền này không đủ để chị nuôi hai đứa con ăn học khi công việc phụ thợ nề của chồng chị bấp bênh. Sống trong căn nhà tạm nhiều năm nay, vợ chồng chị Ly cũng chưa có điều kiện tu sửa. Chị chia sẻ: “Bây giờ, mức lương trung bình của hầu hết các công ty dệt may cũng tầm chừng ấy nên tôi không có ý định chuyển việc. Tôi mong sau này công nhân chúng tôi sẽ được trả mức lương cao hơn”.

Vợ chồng chị Lê Thu Hằng (thị xã Hương Thủy) đều làm công nhân may ở Khu công nghiệp Phú Bài. Dù lương không cao nhưng bù lại, cả hai vợ chồng đều có công việc ổn định. Hàng tháng, chi tiêu tiết kiệm, vợ chồng chị Hằng cũng “bỏ ống” được 2 triệu đồng để dành khi con đau ốm. Chị cho hay, đời sống của nhiều công nhân khác cũng như vợ chồng chị, chưa thể dư dả.

Mức lương tối thiểu vùng hiện vẫn chưa đảm bảo cho cuộc sống tối thiểu của người lao động. Theo thống kê của Công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, mức lương bình quân hiện nay của người lao động trong các doanh nghiệp của Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh từ 3,8 - 4 triệu đồng. Ông Trần Hữu Cáo, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh cho biết: “Mức lương này vẫn rất thấp, chưa đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, đời sống công nhân còn khó khăn. Công đoàn đang thỏa thuận, thương lượng cùng các doanh nghiệp để nâng cao phúc lợi cho người lao động. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có hỗ trợ xăng xe, nâng tiền ăn ca…”.

Điều chỉnh theo thị trường

Đề án cải cách chính sách tiền lương được Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) thông qua có nhiều điểm mới đối với lương người lao động tại các doanh nghiệp. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương phù hợp với nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế; hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng. Bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và tính linh hoạt của thị trường lao động. Ngoài ra, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội.

Lao động làm việc trong ngành dệt may

Điểm mới nhất của đề án là đổi mới quản lý tiền lương theo nguyên tắc thị trường, trong đó Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp (bỏ các quy định về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động). Doanh nghiệp và người lao động thương lượng, thỏa thuận tiền lương, ký hợp đồng lao động và trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động. Doanh nghiệp và tổ chức đại diện người lao động thương lượng, thỏa thuận về tiền lương, tiền thưởng, các chế độ khuyến khích khác trong thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

Ông Trần Hữu Cáo cho rằng, khi Nhà nước không can thiệp một cách trực tiếp vào tiền lương của doanh nghiệp thì cơ chế thị trường sẽ điều chỉnh các doanh nghiệp. Cùng ngành nghề như nhau, nếu doanh nghiệp nào có mức lương, các chế độ chăm sóc người lao động tốt thì sẽ thu hút lao động. Quy định này cũng khiến doanh nghiệp chủ động, năng động hơn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn ỷ lại, đối phó, có thói quen pháp luật quy định như thế nào thì doanh nghiệp làm như vậy. Ông Trần Hữu Cáo nhấn mạnh: “Rõ ràng, khi theo cơ chế thị trường, nếu doanh nghiệp nào không có mức lương và phúc lợi tốt thì không thu hút được lao động. Đây là chiều hướng tốt cho người lao động”.

Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Nhuận, Giám đốc Công ty CP đầu tư dệt may Thiên An Thịnh lo lắng: “Tôi lo ngại, khi tiền lương theo cơ chế thị trường, có thể xảy ra tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”. Nếu doanh nghiệp nào trả lương cao sẽ thu hút được lao động, ngược lại, doanh nghiệp không mạnh sẽ gặp khó khăn trong việc giữ chân người lao động”.

Vấn đề đặt ra là, nếu để doanh nghiệp tự chủ trong việc xây dựng thang bảng lương dễ khiến người lao động bị chèn ép lương. Về vấn đề này, ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng: “Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các văn bản pháp luật về lao động, tiền lương của các doanh nghiệp, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lao động tiền lương cho người sử dụng lao động và đại diện người lao động tại các doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của công đoàn rất quan trọng trong việc đàm phán, thương lượng với chủ doanh nghiệp khi xây dựng thang lương, bảng lương, đảm bảo quyền lợi của người lao động”.

Ông Trần Hữu Cáo khẳng định: “Công đoàn sẽ phát huy vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động năng động hơn, đáp ứng theo xu hướng Nhà nước giảm dần can thiệp, người lao động và công đoàn tăng cường năng lực đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động, đảm bảo quyền lợi về tiền lương và các chế độ phúc lợi để tổng thu nhập người lao động được hưởng cao hơn...”.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai

Sáng 14/3, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội thảo phổ biến hướng dẫn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Nghị định 80/2021/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn thi hành.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai
Những sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp

Đam mê công việc, gắn bó trực tiếp với sản xuất, nhiều người lao động đã cho ra đời những sáng kiến mang lại giá trị thực cho đơn vị, doanh nghiệp (DN).

Những sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp
Cần mục tiêu cụ thể để giảm lượng khí thải từ hoạt động bay của doanh nghiệp

Tạp chí Bloomberg ngày 12/3 trích dẫn một báo cáo mới từ tổ chức phi lợi nhuận Giao thông & Môi trường (T&E) cho hay, hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới đều không đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng, nhằm làm giảm lượng khí thải từ hoạt động bay của các nhân viên trong doanh nghiệp.

Cần mục tiêu cụ thể để giảm lượng khí thải từ hoạt động bay của doanh nghiệp
Giá vé máy bay tăng, doanh nghiệp lo khó làm tour nội địa

Nhiều doanh nghiệp lữ hành đang lo ngại về thị trường tour nội địa, khi trần giá vé máy bay nội địa điều chỉnh tăng từ ngày 1/3/2024. Nỗi lo lớn nhất là lượng khách nội địa sẽ sụt giảm khi sắp vào mùa du lịch và doanh nghiệp cũng dè dặt hơn trong việc “ôm” vé giá rẻ như mọi năm.

Giá vé máy bay tăng, doanh nghiệp lo khó làm tour nội địa
Return to top