ClockThứ Tư, 26/05/2010 14:39

Tiếng chuông chùa

TTH - Dạo ở quê, một vùng ven đô Huế, tôi nhớ mẹ tôi vẫn thường định giờ bằng tiếng chuông chùa. Đêm khuya chập chờn trong giấc ngủ với nhiều toan lo, tiếng chuông đầu tiên còn quá sớm, nhưng sang đến tiếng chuông thứ hai, thứ ba là đã có thể thức dậy để chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà... Mỗi dịp có việc đi xa hay thức dậy sớm, tôi cậy đến và mẹ tuỳ theo yêu cầu của tôi mà báo thức cũng theo tiếng chuông chùa.
Với tôi, tiếng chuông chùa từ lâu đã trở thành thân quen. Tiếng chuông giữ nhịp thời gian, là ký ức, là hoài niệm, là dòng chảy cuộc đời. Giờ sống ở ngay giữa lòng phố thị, nhiều âm thanh hỗn tạp, nhưng rồi vẫn may mắn khi thỉnh thoảng nghe lại tiếng chuông ngân trong một thời khắc thanh vắng của đêm khuya. Xa quê, nhớ người, nhớ cảnh và nhớ day dứt cả tiếng chuông chùa.
 
Cuốn sách cổ nhất “Ô châu cận lục” viết về xứ Thuận Hoá của Tiến sĩ Dương Văn An xưa đã đề cập đến 2 ngôi chùa Huế đầu tiên là Thiên Mỗ ở huyện Kim Trà và Sùng Hoá thuộc huyện Tư Vinh có cách nay chừng 700 năm. Huế từng được mệnh danh là kinh đô của Phật giáo xứ Đàng Trong.
 
Chùa Huế mùa Phật đản
 
Thời Nguyễn chọn Huế làm đất đóng đô, các chùa ở Huế có bước phát triển lớn, chỉ đứng sau Thăng Long- Hà Nội. Và dẫu đã có thể cảm nhận được nhưng tôi vẫn rất bất ngờ khi biết rằng ở Huế hiện có trên 400 ngôi chùa và niệm phật đường, chiếm 1/3 số lượng chùa chiền trên cả nước.
 
Ra Bắc và vào Nam, có điều kiện để so sánh và chiêm nghiệm, tôi thấy chùa Huế cơ bản vẫn tiếp nối truyền thống ngôi chùa Việt nhưng tinh tế. Chùa Huế không đồ sộ, khoa trương, xây cất tốn kém như nhiều chùa lớn ở phía Bắc. Có người đã nhận xét rằng, Cố đô Huế trông giống như một khu vườn lớn, trong đó có những khoảng không gian uy nghi, lộng lẫy của những cung điện, đền đài; có những khoảng không gian êm đềm, ấm cúng, thân thiết của những nếp nhà vườn, ngôi đình dân dã và cũng có những khoảng tĩnh tại, thanh thoát, lặng lẽ của những cảnh chùa. Ngôi chùa gắn liền vào tổng thể kiến trúc Huế, hài hòa như chính đạo Phật đã hòa tan vào lòng đời, lòng người xứ Huế.
 
  Tháng tư (âm lịch) về lại nhớ đến cảnh chùa với đêm hội Rằm Phật đản. Ở quê, đêm Rằm, không gian chùa làng tưng bừng trong đêm lễ hội, bọn trẻ chúng tôi có khi trải qua đêm không ngủ. Ở Huế, buổi tối đêm Rằm, tôi cùng gia đình vẫn có thói quen cùng nhau vãn chùa, như ôn lại một dĩ vãng và hoài niệm, có thêm một cảm nhận mới về hiện tại và cùng suy ngẫm về một tương lai. Huế đêm Rằm đông vui, lung linh và rực rỡ. Ngày lễ Phật từ lâu đã trở thành ngày lễ, tết của các gia đình xứ Huế cho dù gia chủ là người ngoài đạo. Một mâm xôi chè cúng Rằm, dăm ba ngọn đèn ông sao hay bánh ú treo lên phía trước sân nhà. Lời nguyện cầu hướng đến một cuộc sống hạnh phúc, vui tươi và an lạc và điều đợi mong là tiếng chuông chùa từ xa vọng lại.
 
 Vẫn nhớ sao câu ca thuở nào“Gió đưa cành trúc la đà. Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”. Tôi biết, mỗi người Huế chúng ta đều có riêng trong tâm thức mình một mái chùa, một tiếng chuông ngân...Chuông chùa lững lờ chốn hương thôn, chuông chùa buông xuống từ trên núi cao, chuông chùa trầm mình trong cuộc sống phồn hoa đô thị.
 
Trong mỗi đời người, đặc biệt là người dân xứ Thần kinh không ai không một lần được nghe tiếng chuông và cũng không ai không mấy xa lạ đối với tiếng chuông chùa.Và dù ở đâu và với những cung bậc cảm xúc nào thì nghe tiếng chuông chùa vẫn cảm thấy lòng mình thanh thoát và nhẹ nhàng, muốn hướng thiện, hướng đến một cuộc sống tốt lành...
Đình Nam
                                  
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top