ClockChủ Nhật, 26/08/2018 14:11

Tiếng gọi từ làng

TTH - Mới đầu tháng bảy âm lịch đã nghe chú em gọi điện, bảo có giấy mời anh ơi. Hỏi ai mời và mời chi, chú bảo quên rồi hả, làng mời về dự tế thu.

Một cảm giác là lạ ùa về. Nhớ rồi, cả tuần lễ nay nhạt nắng và bầu trời nhiều mây. Buổi sáng ngủ dậy, lá bằng lăng rụng đầy con đường trước mặt nhà, vang lên tiếng xào xạc mỗi lần gió về thổi mạnh. Và ban đêm, nửa khuya thức giấc, một cảm giác lành lạnh khi bên ngoài có gió heo may... Thu về và trong tôi xôn xao nỗi nhớ.

Cũng như bao làng quê khác, lễ tế thu làng Dạ Lê Thượng kéo dài đến tận 2 ngày vào giữa tháng bảy âm lịch. Ngay từ 5 giờ sáng ngày đầu tiên đã có lệnh trống tập trung. Hai ngày liên tục diễn ra các nghi lễ hương phát, rước thần, khao, chánh tế và tất nhiên, có cả vui chơi văn nghệ. Sôi động nhất là lễ rước thần, hay còn gọi là thỉnh thần, từ chùa Linh Sơn, cách đình khoảng 800m về đến đình làng. Đi trước đám rước là đội cờ, đến đội chiêng trống và cổ nhạc. Sau đó là đội cầm lễ bộ, đàn hầu và các kiệu, long đỉnh để thỉnh thần. Làng Dạ Lê Thượng tôi tự hào với thần thành hoàng là ngài Nguyễn Văn Thành nổi tiếng là công thần bậc nhất của triều Nguyễn.

Thu tế không còn là chuyện của riêng Dạ Lê Thượng mà đã là lễ hội của các làng quê xứ Huế, từ làng hạ lên làng thượng, từ làng bên ni qua làng bên tê, từ vùng cát qua nơi có đồng ruộng bát ngát lên tới vùng gò đồi hay miền núi, nơi mô cũng í ới, ông bà con cháu gọi nhau, nhớ ngày…tháng bảy. Đó là lúc ngoài đồng lúa đã chín rộ nhưng chuyện đồng áng vẫn còn rảnh rang. Tế thu là hội làng. Nó không quá gần gũi, con cháu về dự phải điểm mặt từng người một ở các lễ kỵ, chạp của các họ tộc nhưng hội làng mùa thu vẫn có một sự lôi cuốn và hấp dẫn đến kỳ lạ bao người. Mỗi năm về làng lại gặp thêm vài kẻ “lạ” mà “quen”, cứ vậy thấy bà con mình ngày một nhiều ra, đông hơn và một cảm giác ấm áp lạ lùng.

Lần đầu về làng dự lễ tế thu nhìn ai cũng xênh xang áo dài khăn đóng, thấy ta xúng xính âu phục trở thành kẻ xa lạ. Gặp một “lão làng” tay bắt mặt mừng, vội chào “thưa bác”, nhìn lại kỹ hóa ra thằng bạn cũ cùng học một lớp năm nào, bây giờ là trưởng một họ tộc. Hàn huyên chuyện xưa chuyện nay, hắn bảo dân ở “dinh” có khác bây giờ mới về, đêm qua anh em dưới ni thức trắng, lo chuyện thui bò suốt cả đêm để kịp sớm mai lên tế tổ tiên. Vui lắm ông nờ, khi mô nhớ về… Tôi nghe lời rủ rê của thằng bạn mà lòng dạ xốn xang, nhớ sao tiếng gọi từ làng.

Mấy hôm rày lên mạng, thấy có nhiều lời mời du khách đến Huế dịp Vu Lan rằm tháng bảy và không quên, nếu có cơ hội tham gia lễ hội tế thu ở các làng quê. Theo hành trình mở cõi, làng quê xứ Huế sớm muộn khác nhau, mỗi làng một sắc thái, một vẻ đẹp, có làng cổ hình thành từ ngày đầu mở cõi, có làng vẻn vẹn chỉ 100 năm tuổi, có làng từ một trở thành đôi thành ba, thành bốn hay thành năm, kiểu làng “gót” hay làng “chánh” với làng “thượng” như trường hợp của Dạ Lê, Thanh Thủy. Còn như La Khê có đến 5 làng, La Khê Bột, La Khê Trẹm, La Khê Hói, La Khê Bãi và La Khê Truồi. Ở cách xa nhau, Hương Trà, Hương Thủy và tận Phú Lộc, nhưng gặp nhau chỉ cần nhắc đến hai chữ La Khê là biết ta cùng nguồn cội.

Từ làng quê mà ra đi và lớn lên, ai cũng ít nhiều mang trong mình dáng dấp chốn sinh thành. Một thoáng nghỉ ngơi nơi phố thị, chợt nghĩ về cuộc đời và nhân sinh, lại nhớ về làng quê một thuở. Còn rộn ràng, yêu thương và đẹp nhất khiến người Huế mình cồn cào nhớ mãi vẫn là sân đình ngày hội. Gió heo may và mùa thu đang về, nghe xao động trong ta tiếng vọng từ làng, khắc khoải và nhớ thương.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiếc khẩu trang

Ít người biết rằng, sự ra đời của chiếc khẩu trang mà ta đang đeo trong những ngày dịch bệnh COVID - 19 tràn lan này lại ra đời xuất phát từ một cảm nhận sai lầm.

Chiếc khẩu trang
Đừng vội nặng lời với “check - in”

Không lâu sau “cây mắt biếc”, mạng xã hội lại “gây bão” trong dịp Tết Tân Sửu và ngày lễ Tình nhân vừa qua ở Huế bởi bộ ảnh do Travel Mag giới thiệu về vườn hoa cải vàng tại phường Kim Long.

Đừng vội nặng lời với “check - in”
Aza, lễ hội & di sản

Aza là lễ hội cầu mong mùa màng tươi tốt, thần linh phù hộ cho dân làng yên vui, không ốm đau, bệnh tật... Aza cúng thần nông và cả cúng thần sông, thần núi, trời đất.

Aza, lễ hội  di sản
Thừa Phủ không bí đường ra

Nhớ những năm sau ngày giải phóng, tôi là học sinh Trường cấp 3 Trưng Trắc (Đồng Khánh - Hai Bà Trưng), cùng chung hàng rào với lao Thừa Phủ.

Thừa Phủ không bí đường ra
Return to top