ClockThứ Bảy, 23/02/2019 13:11

Tiếng thơm đông y

TTH - Gần đây, khám, chữa bệnh (KCB) bằng đông y đã tạo dấu ấn mới, góp phần tích cực vào chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Dâng hương tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu TrácHội Đông y tỉnh tham gia khám từ thiện, cứu trợ nhân đạo 4-5 tỷ đồng/năm

Điều trị châm cứu tại Khoa Y học cổ truyền, BV TX. Hương Trà

Ấn tượng

Đến nay, từ tỉnh đến xã, phường đều có các cơ sở công, tư KCB bằng y học cổ truyền (YHCT) tạo “tiếng thơm” lan tỏa trong, ngoài địa phương. Các bệnh viện (BV) đa khoa tuyến huyện, 152 trạm y tế đều có khoa, phòng điều trị bằng YHCT, mỗi ngày thu hút 20-30 lượt người/đơn vị.

Khẳng định địa chỉ uy tín là BV YHCT tỉnh. Đây là BV hạng II, có trang thiết bị và đội ngũ y, bác sĩ giàu kinh nghiệm. Những năm qua, BV này đã kết hợp nhiều phương pháp mới nâng cao chất lượng điều trị, như điện châm, laser châm, holter điện tim, holter huyết áp, laser nội mạch, chẩn đoán điện thần kinh cơ; phục hồi chức năng tủy sống, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tai biến mạch máu não… Bác sĩ Trần Đức Sáo, Giám đốc BV YHCT tỉnh chia sẻ, hiện đơn vị có đầy đủ các khoa phòng chức năng, đáp ứng nhu cầu KCB bằng đông y với tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh hàng năm đạt trên 95%.

Dấu ấn mới là sự ra đời các cơ sở chẩn trị đông y của các tôn giáo trên địa bàn không ngoài mục đích chăm lo bệnh tật cho người nghèo. Trung tâm Ứng dụng kế thừa ứng dụng YHCT Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa (TTĐ Liên Hoa) ở TP. Huế là ví dụ. Hiện, TTĐ Liên Hoa có hơn 40 cán bộ y tế, mỗi ngày KCB từ 200-250 lượt không chỉ người dân địa phương. Với tiêu chí “thu đủ bù chi”, TTĐ Liên Hoa luôn hỗ trợ cho những người hoàn cảnh khó khăn. Những người có chứng nhận hộ nghèo sẽ được cấp thuốc miễn phí, các gia đình ít khó khăn được giảm 20 - 50% tiền thuốc. Hoạt động TTĐ Liên Hoa hầu như chữa trị đa bệnh, như hen, suyễn, cột sống, khớp, suy nhược thần kinh, đại tràng, di chứng tai biến…

Bên cạnh TTĐ Liên Hoa trên địa bàn còn có Phòng Khám đa khoa Tuệ Tĩnh đường Hải Đức, Phòng chẩn trị YHCT Tuệ Tĩnh đường Pháp lạc; Phòng khám từ thiện Kim Long... mỗi ngày thu hút từ 150-200 bệnh nhân. Ngoài công tác KCB, các cơ sở này còn phối hợp với các hội, chi hội hoạt động trong lĩnh vực đông y làm tốt công tác từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Gần đây, mỗi năm số tiền hỗ trợ, khám từ thiện các cơ sở này từ 2-3 tỷ đồng; năm 2018, lên hơn 5 tỷ đồng...

Vẫn còn khó khăn

Theo các bác sĩ trong lĩnh vực YHCT, đông y ngày càng được chú trọng phát triển là điều đáng mừng. Số lượng tham gia KCB bằng đông y tăng dần qua hàng năm. Theo thống kê của Hội Đông y tỉnh, năm 2008, chỉ có 46.597 lượt khám và điều trị nội, ngoại trú bằng YHCT các tuyến; đến năm 2018, con số trên đã tăng đến 161.162 lượt.

Đạt thành quả này, Hội Đông y tỉnh đã tích cực vận động hội viên nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề. Hằng năm, hội đều phối hợp với TTĐ Liên Hoa; Phòng khám Tuệ Tĩnh đường Hải Đức.... bồi dưỡng kiến thức về YHCT, Hán nôm trong đông y với số lượng 50 hội viên/năm; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, phát triển các bài thuốc, loài thuốc quý của các bậc tiền nhân. Mới đây, hội thực hiện đề tài “Sưu tầm, biên dịch, đề xuất phương hướng sử dụng các bài thuốc quý của Thái y viện Triều Nguyễn đạt giải ba Giải thưởng Sáng tạo KHCN Thừa Thiên Huế lần thứ VIII, năm 2016 và đã in thành sách Ngự Dược nhật ký trong Châu bản Triều Nguyễn.

Đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị 24 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền đông y và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới vào cuối năm 2018, nhiều ý kiến cho rằng, dù có nhiều thành tựu song ở một số địa phương vẫn còn một số người hành nghề KCB bằng đông y chưa được đào tạo bài bản, chỉ dựa vào kinh nghiệm, gây mất uy tín cho các thầy thuốc YHCT nói chung. Nhiều huyện, thị xã chưa tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên ngành YHCT để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong KCB về đông y...

Bác sĩ CK II Đặng Thị Mai Hoa, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh nhận định, lĩnh vực đông y dù có bước phát triển mới nhưng hiện còn hạn chế. Trước hết là công tác phát triển hội viên ở tuyến cơ sở mỏng. Hoạt động trồng, chế biến dược liệu cũng như vận động các lương y có bài thuốc hay trong dân gian để phổ biến trong KCB cho người dân còn hạn chế.  Các địa phương chưa có địa chỉ để tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ các thầy thuốc giỏi nhằm ứng dụng KCB cho người dân... “Những hạn chế trên sẽ được Hội Đông y tỉnh khắc phục sớm, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của hội và công tác KCB bằng đông y, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn “. Bác sĩ Hoa nói.

Bài, ảnh: MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn vinh người hiến nhóm máu hiếm Rh âm

​Chiều tối 4/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với Ban chỉ đạo Hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh tổ chức chương trình gặp mặt, tôn vinh và củng cố câu lạc bộ Nhóm máu hiếm - Rh âm Huế.

Tôn vinh người hiến nhóm máu hiếm Rh âm
KHỦNG HOẢNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ Y TẾ TOÀN CẦU, WHO:
Bất bình đẳng giới là gốc rễ của vấn đề

Một báo cáo mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 13/3 cho thấy, sự bất bình đẳng giới trong công tác chăm sóc sức khỏe và y tế tác động một cách tiêu cực đến phụ nữ, các hệ thống y tế, cũng như kết quả sức khỏe.

Bất bình đẳng giới là gốc rễ của vấn đề
Xây dựng, quảng bá thương hiệu du lịch chăm sóc sức khỏe Cố đô

Nằm trong chuỗi các hoạt động, sự kiện của lễ hội mùa Đông trong khuôn khổ Festival Bốn mùa - Festival Huế 2023, chiều tối 15/12, Sở Du lịch tổ chức khai mạc chương trình “Tuần lễ Du lịch chăm sóc sức khoẻ - Wellness Tourism Weekend”. Đến dự lễ khai mạc có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Xây dựng, quảng bá thương hiệu du lịch chăm sóc sức khỏe Cố đô

TIN MỚI

Return to top