ClockThứ Ba, 21/03/2017 05:51

Tiếp cận công nghệ tàu cá composite

TTH - Trong khi nguyên liệu gỗ ngày càng khan hiếm, giá lại cao thì vật liệu composite là sự lựa chọn thay thế hợp lý trước yêu cầu đóng mới, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ.

Tàu composite được ngư dân một số tỉnh đầu tư

Tại buổi tuyên truyền Quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường biển vào đầu tháng 3/2017, hàng trăm ngư dân được nghe đại diện Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy ((UNINSHIP -Trường đại học Nha Trang) giới thiệu tính ưu việt của tàu xa bờ bằng vật liệu composite.

Ưu điểm vượt trội

TS. Nguyễn Văn Đạt đến từ UNINSHIP thông tin, tàu vỏ vật liệu composite được du nhập vào Việt Nam từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20. Gần 30 năm qua, rất nhiều sản phẩm được chế tạo từ vật liệu composite phục vụ nhu cầu các lĩnh vực xây dựng, nuôi trồng thủy sản, giao thông... Tuy nhiên, việc sử dụng vật liệu composite để chế tạo tàu cá – sản phẩm phổ biến nhất của ngành thủy sản chậm phát triển.

“Những năm qua, ngư dân hai tỉnh Khánh Hòa và Bà Rịa- Vũng Tàu bắt đầu làm quen với tàu cá vỏ composite. Qua thời gian hoạt động, ngư dân nhận thấy nhiều ưu điểm vượt trội của loại tàu vật liệu mới này so với tàu vỏ gỗ, đặc biệt là tính an toàn cao, khả năng bảo quản sản phẩm tốt và chi phí bảo dưỡng thấp. Đến nay, riêng tại Khánh Hòa, số lượng tàu cá vỏ composite có khoảng trên 50 chiếc.

Tàu composite được tranmg bị các phương tiện khai thác hiện đại​

Theo tính toán, nếu sản xuất “đơn” chiếc tàu xa bờ, giá thành tàu cá vỏ composite xấp xỉ giá thành tàu vỏ gỗ cùng kích cỡ và trang thiết bị. Khi sản xuất hàng loạt, riêng phần thân tàu, giá thành vỏ tàu composite không cao hơn, thậm chí thấp hơn so với vỏ tàu gỗ. Đây là yếu tố quan trọng, phù hợp với điều kiện kinh tế của phần lớn ngư dân Thừa Thiên Huế.

TS. Nguyễn Văn Đạt chia sẻ, nhiều năm qua, UNINSHIP luôn trăn trở tìm giải pháp hoàn thiện khâu kỹ thuật phù hợp với điều kiện đánh bắt an toàn, xu hướng hiện đại. Trọng lượng tàu composite được thiết kế hợp lý, xấp xỉ tàu vỏ gỗ. Đây cũng là điều kiện khắc phục những hạn chế về tốc độ và thiếu ổn định trên sóng trước đây, giúp tàu hoạt động an toàn, hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cho ngư dân và độ bền của trang thiết bị.

Nhằm tăng độ bền khi va đập, UNINSHIP đã sử dụng vật liệu thép không rỉ để gia cường các vị trí thiết yếu như ky tàu, mũi tàu, mạn trên tàu với chi phí chỉ chiếm khoảng 1% giá thành tàu. Phương pháp này mang lại hiệu quả đáng kể, hạn chế hư hỏng do va đập với cầu cảng, hoặc với tàu khác, đồng thời đảm bảo an toàn cho tàu khi ra vào vùng nước cạn.

Tàu composite được sử dụng kết cấu 3 lớp (kết cấu sandwich) cho các chi tiết như hầm lạnh, boong tàu, ca bin, hầm máy nhằm giảm độ ồn, độ rung, chống nóng, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho ngư dân. Qua quá trình hoạt động thực tế của các tàu đã sử dụng, cho thấy hiệu quả giữ nhiệt của hệ thống hầm lạnh tốt hơn nhiều so với tàu vỏ gỗ. Các hệ thống thiết bị cơ khí phục vụ khai thác phù hợp với các nghề phổ biến, như vây mạn và mành chụp, được ngư dân đánh giá cao.

Sau hơn 25 năm, kể từ khi chiếc tàu vỏ composite đầu tiên do Việt Nam thiết kế và chế tạo (tàu VN-90) đến nay, việc sử dụng vật liệu composite để đóng tàu cá tại Việt Nam đạt được những thành quả đáng khích lệ. Từ năm 2014 đến nay, tại nhiều địa phương, mục tiêu này đang dần trở thành hiện thực; nhất là từ khi Nghị định 67 ra đời.

Được hưởng chính sách ưu đãi

Theo Nghị định 67, Quyết định 89 của Chính phủ, ngư dân đóng tàu vỏ sắt hay vật liệu mới, như composite có công suất trên 800 CV được vay vốn lên đến 95% với lãi suất 7%/năm. Người vay chỉ trả lãi suất 1%/năm, ngân sách Nhà nước hỗ trợ cấp bù đến 6%/năm. Riêng đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, composite có tổng công suất từ 400 CV đến dưới 800 CV, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị tài sản với lãi suất 7%/năm, chủ tàu chỉ trả 2%, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 5%. Với mức cho vay và lãi suất ưu đãi như trên, ngư dân chỉ cần có vốn đối ứng khoảng 500-700 triệu đồng là có thể đóng được tàu vỏ vật liệu mới composite để vươn khơi bền vững.

Tại Thừa Thiên Huế, qua các đợt tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và Chi cục Thủy sản tỉnh, ngư dân bắt đầu chú ý đến tàu vỏ vật liệu composite. Theo ngư dân Nguyễn Thanh Bình ở xã Phú Thuận (Phú Vang), qua tìm hiểu, với nhiều ưu điểm vượt trội, ngư dân sẵn sàng tham gia. Điều bà con quan tâm là khi đóng loại tàu vật liệu mới này sẽ có chính sách hỗ trợ như thế nào.

Ông Võ Giang, Trưởng phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản-Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, các loại vật liệu mới như vỏ thép, composite đều được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi được quy định tại Nghị định 67 và Quyết định 89 của Chính phủ. Trong khi đóng tàu vỏ sắt giá cao, nguyên liệu gỗ khan hiếm thì tàu vỏ composite được xem là phù hợp với điều kiện người dân Thừa Thiên Huế.

Ưu điểm nữa là, đóng mới mỗi tàu vỏ thép công suất 800 CV có tổng kinh phí khoảng 18-19 tỷ đồng; trong khi tàu vỏ composite cùng loại (kích cỡ, công suất) chỉ khoảng 10-11 tỷ đồng, còn tàu vỏ gỗ có giá tương đương. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Nguyễn Quang Dân cho biết, địa phương đã tìm hiểu loại tàu vỏ composite ở Nha Trang và một số tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết,  theo kế hoạch, năm 2017, toàn tỉnh sẽ đóng mới, cải hoán khoảng 100 tàu đánh bắt xa bờ, trong khi trên địa bàn tỉnh đang thiếu gỗ trầm trọng. Sự phát triển loại tàu vỏ vật liệu composite không chỉ giải quyết tình trạng thiếu gỗ, góp phần bảo vệ rừng mà giá lại phù hợp, đảm bảo tính bền vững,  an toàn trong quá trình vươn khơi.

Ngành nông nghiệp và các địa phương đang triển khai vận động ngư dân đăng ký đóng tàu bằng vật liệu mới. Với sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thông qua chương trình cho vay dài hạn, lãi suất ưu đãi, ngư dân có cơ hội hiện thực hóa ước mơ được sở hữu những tàu đánh cá hiện đại, là giải pháp nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rào cản trong xuất khẩu thủy hải sản

Trong tổng số sản lượng 62 ngàn tấn thủy hải sản khai thác năm 2023, tỷ trọng xuất khẩu chiếm rất nhỏ mà chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh và một số tỉnh lân cận. Thủy sản tiêu thụ nội địa cũng chủ yếu hàng tươi sống, chế biến quy mô rất nhỏ.

Rào cản trong xuất khẩu thủy hải sản
Việt Nam phát biểu tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ), ngày 7/3 đã phát biểu thay mặt ASEAN trong Phiên đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền lương thực, với chủ đề về khai thác thủy sản và đảm bảo quyền lương thực.

Việt Nam phát biểu tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Đánh bắt xa bờ bội thu

Dù vẫn bắt gặp nhiều khó khăn, thách thức, song đánh bắt thủy sản năm nay được xác định là năm gặt hái những kết quả đáng ghi nhận, với tổng sản lượng hơn 41 ngàn tấn.

Đánh bắt xa bờ bội thu
Đánh bắt xa bờ: Chưa thực sự vươn xa

Hơn 400 chiếc tàu đánh bắt xa bờ (ĐBXB) công suất lớn từ 400 CV trở lên, trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc được cho là khá hiện đại nhưng trang thiết bị, ngư cụ, công nghệ đánh bắt chưa đáp ứng nhu cầu so với ngư trường xa bờ hiện nay nên hiệu quả còn thấp.

Đánh bắt xa bờ Chưa thực sự vươn xa

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top