ClockThứ Sáu, 06/01/2017 14:29

Tiếp cận rượu bia ở Việt Nam dễ dàng nhất thế giới

Theo Bộ Y tế, việc tiếp cận rượu bia ở Việt Nam dễ dàng nhất thế giới vì bất cứ địa điểm, cơ sở nào cũng sẵn có. Chính vì thế, mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người (>15 tuổi) ở Việt Nam vào năm 2025 có thể là 7 lít, cao hơn mức trung bình chung của thế giới hiện nay (6,13 lít).

Người Việt Nam tiêu thụ rượu bia thuộc nhóm cao nhất thế giới

Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức cuộc họp với các bộ ngành liên quan nhằm thẩm định đề xuất của Bộ Y tế về xây dựng dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia.

Báo cáo đánh giá tác động do Bộ Y tế soạn thảo cho rằng sử dụng rượu bia là hành vi gắn liền với văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới. Rượu bia lại là chất gây nghiện, nếu không biết kiềm chế, người sử dụng rất dễ bị lệ thuộc dẫn đến tình trạng lạm dụng rượu bia.

Việt Nam hiện là một trong số ít các quốc gia có xu hướng gia tăng nhanh về mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người trong khi mức tiêu thụ của toàn thế giới trong thập kỷ qua hầu như không thay đổi: Mức tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người (>15 tuổi) quy rượu nguyên chất đã tăng từ 1,35 lít năm 2001 lên 3,3 lít năm 2007, 3,54 lít năm 2008 và 4 lít năm 2010, trong đó tỷ trọng từ bia đang tăng nhanh hơn từ rượu.

“Bất cứ địa điểm, cơ sở nào cũng sẵn rượu bia”

Theo Quy hoạch phát triển Ngành Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người (>15 tuổi) ở Việt Nam vào năm 2025 có thể là 7 lít, cao hơn mức trung bình chung của thế giới hiện nay (6,13 lít).

Trong tài liệu gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Y tế nhấn mạnh việc quản lý rượu thủ công không có đăng ký, rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh hầu như không thực hiện được mặc dù sản lương rất cao, ước tính khoảng 250-300 triệu lít/năm và có tới 95,7% người uống rượu sử dụng loại rượu này. Nhiều hộ gia đình sản xuất rượu không có đăng ký, cấp phép nhưng vẫn đưa ra bán trên thị trường.

Việt Nam thuộc 12 quốc gia trên thế giới cho phép người dân tự nấu rượu. Nhiều cơ sở sản xuất rượu, bia quy mô nhỏ, thủ công chưa thực hiện đầy đủ các quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính việc kiểm soát hàm lượng methanol, aldehyt trong rượu còn chưa tốt, hiện chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với rượu sản xuất thủ công nên tử vong do ngộ độc rượu còn cao. Chất lượng của rượu thủ công không được quản lý rất đến tác hại về sức khoẻ không kiểm soát được và Nhà nước không thu được thuế.

Trong khi đó, việc quản lý bán lẻ rượu, bia đến người tiêu dùng không hiệu quả. “Bất cứ địa điểm, cơ sở nào cũng sẵn có rượu, bia để bán cho người dân từ các quán rượu, siêu thị, cửa hàng tạp hoá, khách sạn, nhà hàng ăn uống, cửa hàng giải khát, kinh doanh ăn uống, quán nước vỉa hè… Thậm chí tại căng tin, nhà ăn của các cơ quan, công sở, doanh nghiệp… cũng có bán rượu, bia. Không có bất cứ sự hạn chế nào về thời gian bán, số lượng rượu được phép bán để uống tại chỗ. Điều này dẫn đến hệ luỵ là rượu, bia ở Việt Nam sẵn có và dễ tiếp cận nhất thế giới. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia vì thế tăng nhanh, trẻ em dễ tiếp cận và sử dụng rượu, bia”- Bộ Y tế dẫn chứng.

Lập phương án kiểm soát nguồn cung cấp rượu bia

Bộ Y tế nhận định, nếu lựa chọn phương án giữ nguyên hiện trạng, không quy định về kiểm soát nguồn cung cấp rượu, bia thì cả Nhà nước, người dân đều chịu ảnh hưởng bởi những hậu quả, tác hại do rượu, bia gây ra.

“Nếu đợi đến khi tỷ lệ sử dụng ở mức cao, tình trạng lạm dụng phổ biến mới kiểm soát, hạn chế sản lượng, quản lý chất lượng, nhất là rượu thủ công thì đã quá muộn, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn, khó khắc phục hơn, không bảo đảm tính dự phòng. Điều này cũng dễ dẫn đến cách hiểu sai về mục tiêu, quan điểm của Nhà nước ta là vẫn ưu tiên phát triển ngành rượu, bia, quyết tâm phòng, chống tác hại của rượu, bia không triệt để, chỉ đến khi tỷ lệ sử dụng rượu bia cao nhất thế giới, lạm dụng rượu, bia cao rồi mới phòng, chống tác hại của nó”- Bộ Y tế phân tích.

Cơ quan này khẳng định nếu lựa chọn phương án kiểm soát nguồn cung cấp rượu bia thì cả Nhà nước, người dân đều hưởng lợi, đạt được các mục tiêu chính sách và giảm tỷ lệ sử dụng, hậu quả do rượu, bia gây ra. Những tác động đến doanh nghiệp là có nhưng không đáng kể.

Chính vì thế, Bộ Y tế đề xuất thực hiện các biện pháp kiểm soát, giảm mức tiêu thụ và mức độ dễ tiếp cận đối với rượu, bia bao gồm: thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe bằng chữ trên bao bì rượu, bia; quy định các trường hợp không được uống rượu, bia; cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ đối với rượu 15 độ trở lên và kiểm soát chặt chẽ, hạn chế khuyến mại, quảng cáo, tài trợ đối với rượu dưới 15 độ và bia.

Đồng thời giữ nguyên hiện trạng là chỉ cấm quảng cáo đối với rượu 15 độ trở lên, cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia trong ngày làm việc và không kiểm soát bia.

Để đạt hiệu quả cao hơn, Bộ Y tế cho rằng cần phải thành lập Quỹ nâng cao sức khoẻ với nguồn thu từ khoản đóng góp bắt buộc của sản phẩm rượu, bia. Từ đây sẽ có khoảng 700-800 tỷ đồng mỗi năm, trong đó chi cho hoạt động truyền thông, giáo dục chiếm khoảng 50%.

“Trong điều kiện ngân sách không đủ để đầu tư cho y tế nhưng việc không có nguồn lực để phòng, chống bệnh tật, tử vong và các hậu quả xã hội do rượu, bia lại càng làm tăng mức độ trầm trọng về hậu quả và gánh nặng chi ngân sách lại càng bị cộng dồn, tích luỹ tăng dần theo thời gian, trầm trọng và tốn kém hơn. Điều này tạo ra vòng luẩn quẩn của bội chi ngân sách và nợ công”- Bộ Y tế nhận định.

Rượu giả, nhập lậu đang diễn biến phức tạp

Bộ Y tế thống kê, ngộ độc thực phẩm trong đó có ngộ độc rượu vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Riêng trong năm 2010 (tính đến 20/12/2010), cả nước đã xảy ra 175 vụ ngộ độc (trong đó có 34 vụ ngộ độc trên 30 người) làm 5.664 người mắc và 42 trường hợp tử vong. Đáng chú ý là trong số 42 người chết, có tới 14 người do uống rượu có Methanol (cồn công nghiệp) chiếm 33,3%.

Về phòng, chống hàng giả, hàng lậu, mặc dù tỷ lệ rượu giả (rượu có thương hiệu) tại Việt Nam đã giảm từ mức 9,1% năm 2009 xuống còn 6,6% năm 2010 và chỉ còn 4,4% năm 2012 nhưng tình hình rượu giả, rượu nhập lậu vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Đơn cử như ăm 2011, các cơ quan chức năng Việt Nam triệt phá 21 vụ, bắt 16 đối tượng làm rượu giả, thu giữ 6.300 dụng cụ làm giả như vỏ chai, hộp thành phẩm, nắp, nút, tem... Từ đầu năm đến tháng 8/2012, cơ quan chức năng đã triệt phá 13 vụ, bắt giữ 13 đối tượng làm giả, thu giữ 6.513 dụng cụ làm giả....

“Tình hình nhập rượu lậu vẫn diễn ra phổ biến và phức tạp. Hiện có khoảng 70% lượng rượu ngoại nhập lậu trên thị trường được nhập qua tuyến biên giới Tây Nam, miền Trung và gian lận thương mại khi làm thủ tục thông quan và tạm nhập tái xuất”- Bộ Y tế thông tin.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top