ClockThứ Hai, 19/08/2019 05:30

Tiếp nối mạch nguồn sáng tạo

TTH - Tiếp bước truyền thống, 30 năm qua kể từ ngày tái lập tỉnh, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà luôn đồng hành với quê hương dân tộc, cùng đồng tâm cho sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) trên chặng đường mới.

Văn nghệ Bình Trị Thiên và cuộc gặp xúc động sau 30 nămHát tưởng nhớ Trịnh Công Sơn

Tôn vinh các văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho sự nghiệp sáng tạo VHNT của tỉnh nhà

Điểm nhấn văn học

Sau khi tái lập tỉnh, những người ở lại, sống và sáng tác trên mảnh đất này đã mang lại cho văn học Thừa Thiên Huế một đặc trưng riêng. Ở giai đoạn 1989-2000, văn học Thừa Thiên Huế hội tụ được một đội ngũ sáng tác mạnh so với nền văn học chung của cả nước. Được thừa kế một đội ngũ khá hùng hậu đi ra từ cuộc chiến, những cái tên: Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hà Khánh Linh, Trần Thùy Mai, Nguyễn Quang Hà, Tô Nhuận Vỹ… đã giúp văn học Thừa Thiên Huế trở nên sang trọng và có chỗ đứng bền vững trên văn đàn cả nước. Tác phẩm ra đời thường xuyên, gây được nhiều tiếng vang, khẳng định tên tuổi qua nhiều giải thưởng danh giá.

Theo nhận định của nhà thơ Đông Hà, diện mạo văn học Thừa Thiên Huế xuất hiện đầy đủ các thể loại với độ kết tinh khá cao. Về thơ, các nhà thơ đã giới thiệu cho bạn bè cả nước biết được chất thơ riêng của đất kinh đô một thuở vẫn còn hằn in trong tính cách Huế. Văn xuôi xông xáo vào những lĩnh vực khó của các đề tài trong cuộc sống, giúp người đọc hình dung về một đất Huế đài các thơ mộng nhưng anh dũng, kiên cường trong chiến đấu cũng như sản xuất.

Từ năm 2000 đến nay, người cầm bút phần lớn là những người trưởng thành thời kỳ hậu chiến nên cái nhìn về cuộc sống bắt đầu thoát ra khỏi những mất mát đau thương của chiến tranh để đề cập đến những vấn đề của cuộc sống đương đại, phản ánh sự chuyển biến của đời sống tâm lý con người trong cuộc sống đời thường. Thơ ca với những gương mặt: Phạm Nguyên Tường, Nguyễn Thiền Nghi, Lê Vĩnh Thái, Lê Tấn Quỳnh, Châu Thu Hà… đã xoáy sâu vào nỗi đau, tình yêu và thân phận hay thế sự đời thường. Về văn xuôi, một lực lượng viết trẻ xuất hiện khá đậm nét với cái những tên: Nhụy Nguyên, Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang… được người đọc đánh giá cao với nhiều giải thưởng ghi nhận.

TS. Nguyễn Văn Hùng cho rằng, những đổi mới của văn học Thừa Thiên Huế 30 năm qua tập trung ở các phương diện: đổi mới tư duy thể loại theo hướng hiện đại, mở rộng quan niệm về hiện thực đi liền với đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, cách tân, tìm tòi về thư pháp, hình thức thể hiện… Nhờ đó, văn học Thừa Thiên Huế ngày càng đi tới quan niệm toàn vẹn và sâu sắc hơn về con người.

Mãi là “nhụy” của “đóa hoa”

Đánh giá vai trò của VHNT trong dòng chảy văn hóa Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân từng nhận định: “Trong dòng chảy của văn hóa Huế, VHNT Thừa Thiên Huế giữ vị trí hàng đầu, có sức hút vào và tỏa ra mạnh mẽ, thể hiện khí lực của một trung tâm văn hóa lớn của dân tộc. Nền văn hóa Huế có một tương lai tốt vì Huế có một đội ngũ làm VHNT đông đảo, ở địa phương, trong nước, ngoài nước. Trong lòng trung tâm văn hóa Huế có một trung tâm VHNT Huế, giống như cái nhụy trong một đóa hoa”.

30 năm qua, đời sống VHNT trên vùng đất Thừa Thiên Huế ngày càng sôi động với đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo hơn 670 hội viên thuộc 8 hội chuyên ngành: Văn học, âm nhạc, mỹ thuật, văn nghệ dân gian, sân khấu, kiến trúc, nhiếp ảnh và múa. Đến nay, có nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ nổi tiếng, gặt hái được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế, đóng góp rất lớn vào nền VHNT Việt Nam đương đại.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương khẳng định: “Đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, luôn tỏ rõ sự vững vàng về quan điểm chính trị, đúng đắn về phương pháp sáng tác. Trên chặng đường sáng tác phục vụ nhiệm vụ chính trị, VHNT tỉnh nhà đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh sinh động đời sống kinh tế - xã hội cùng truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc về vùng đất và con người xứ Huế”.

Mỹ thuật Thừa Thiên Huế có những chuyển biến mạnh mẽ và mang tinh thần đổi mới quyết liệt. Những tên tuổi, như Bửu Chỉ, Vĩnh Phối, Hoàng Đăng Nhuận trở nên quen thuộc với công chúng. Thế hệ kế tục với những gương mặt: Nguyễn Thiện Đức, Đỗ Kỳ Huy, Nguyễn Thị Hải Hòa, Tô Trần Bích Thúy, anh em song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải… sớm thành danh và tạo được những bước đột phá mới mẻ trong sáng tạo mỹ thuật, hòa nhập và tiếp cận nhanh chóng các khuynh hướng mỹ thuật hiện đại.

Nhiếp ảnh với lực lượng sáng tác hùng hậu thể hiện những đặc trưng về quê hương, con người Thừa Thiên Huế, góp phần giới thiệu, quảng bá sự đổi mới của tỉnh nhà đến bạn bè quốc tế. Âm nhạc cho ra đời nhiều ca khúc trữ tình mang đậm âm hưởng nhạc truyền thống và dân ca Huế. Sân khấu tiếp tục gặt hái nhiều thành quả với những vở tuồng, vở ca kịch Huế đạt các giải thưởng, huy chương tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Trong đó, nhiều nghệ sĩ được phong tặng các danh hiệu cao quý nghệ sĩ Nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Các công trình nghiên cứu về văn học dân gian, nghiên cứu về đề tài con người và văn hóa vùng Huế ngày một sâu và rộng, đóng góp lớn vào kho tàng văn hóa Huế…

Nhắc đến văn nghệ Thừa Thiên Huế, không thể không nhắc đến Tạp chí Sông Hương. Với phương châm “Tôn vinh những giá trị VHNT cũ và cổ súy những trào lưu, khuynh hướng sáng tác mới”, Sông Hương tiếp tục tôn vinh những giá trị đích thực của VHNT Việt Nam, tiếp cận và giới thiệu những trào lưu nghệ thuật đương đại thế giới, tổ chức những chuyên đề lớn có chiều sâu, có tính phát hiện, tạo ra một diễn đàn tranh luận minh định cho những tiếng nói chân chính, phát hiện những cây bút mới, những người viết có nội lực đi xa.

Bài, ảnh: Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người miền núi làm nông nghiệp tuần hoàn

Từ khi biết làm nông nghiệp, chuyện nuôi lợn, bò, trồng lúa nước… không còn là chuyện lạ đối với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới. Nhưng làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn là một tầm cao mới mà người đồng bào thiểu số nơi đây đã làm được là “chuyện lạ có thật”.

Người miền núi làm nông nghiệp tuần hoàn
Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế

Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng để gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với tôn chỉ hướng tới là thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc. Trong những lĩnh vực đó, Thừa Thiên Huế chọn ưu thế về tiêu chí Ẩm thực để tiến hành điều nghiên, lập hồ sơ trình xét trong năm 2024.

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế
Return to top