ClockThứ Ba, 23/07/2019 13:45

Tiếp sức cho đàn Tân Châu

TTH - Sau khi đưa máy khắc cắt laser vào hoạt động, nhãn hiệu Tân Châu được khắc và dán lên mặt đàn giúp khách hàng dễ dàng nhận biết sản phẩm đàn do DN sản xuất.

Guitar Tân Châu - Thương hiệu tin yêu của người chơi nhạc

Sau khi đưa máy khắc cắt laser vào hoạt động, nhãn hiệu Tân Châu được khắc và dán lên mặt đàn giúp khách hàng dễ dàng nhận biết sản phẩm đàn do DN sản xuất

Khởi nghiệp từ cơ sở sản xuất đàn của cụ Trương Hữu Châu (nay đã mất) với thương hiệu đàn guitar Tân Châu đầu tiên từ năm 1954, đến nay Công ty TNHH MTV Nhạc cụ Tân Châu (Công ty Tân Châu) đã sản xuất thành công hàng ngàn cây đàn và các loại nhạc cụ dân tộc cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước, đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống Huế.

Là doanh nghiệp (DN) sản xuất đàn duy nhất ở Huế với nhiều chủng loại đàn, như guitar, măng đô lin, đàn bầu, đàn nguyệt và các loại nhạc cụ, hiện thương hiệu đàn Tân Châu đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong nước như Lâm Đồng, Vũng Tàu, Gia Lai, Đà Nẵng…, mỗi năm tiêu thụ trên 1.200 cây đàn các loại, giá mỗi cây dao động từ 700.000 đồng -10 triệu đồng.

Sản xuất đàn đòi hỏi sự công phu, cẩn thận và yêu nghề. Người chế tạo đàn không chỉ cần tay nghề giỏi mà cần phải có niềm đam mê thực sự với nghề. “Đóng được một cây đàn guitar, đàn bầu hay các loại nhạc cụ không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và độ chính xác cao. Bởi, ngoài ngoại hình đẹp, trang nhã và màu sắc hài hòa, đàn phải có âm thanh hay và độ bền vĩnh cửu”, Phó Giám đốc Công ty Tân Châu, bà Trần Thị Tuyết Hồng chia sẻ.

Sau nhiều năm sản xuất, trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại 13 Nguyễn Trãi, TP. Huế, năm 2012, DN đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất tại làng Công Lương, xã Thủy Vân (TX. Hương Thủy), đồng thời trang bị máy móc phát triển nghề với mong muốn khôi phục nghề truyền thống thông qua việc mở các khóa đào tạo kỹ thuật sản xuất đàn cho giới trẻ. Hiện, DN có 15 thợ chuyên sản xuất đàn, mỗi năm sản xuất gần 2.000 cây đàn các loại.

Để tiếp sức DN phát triển nghề, mở rộng quy mô sản xuất cũng như khắc tên thương hiệu vào sản phẩm để khách hàng dễ dàng nhận biết, tháng 12/2018, Trung tâm Khuyến công (KC) & Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã hỗ trợ vốn để DN trang bị thêm thiết bị, phát triển thương hiệu đàn Tân Châu cũng như mở rộng quy mô sản xuất.

Phó Giám đốc Công ty Tân Châu, bà Trần Thị Tuyết Hồng thông tin, với mức hỗ trợ 140 triệu đồng từ nguồn vốn KC, DN đã đầu tư 352 triệu đồng trang bị máy khắc cắt laser để cắt các thanh gỗ nhỏ, khắc tên thương hiệu, logo lên sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Từ khi đưa máy vào hoạt động, DN đã sản xuất thêm các sản phẩm quà tặng lưu niệm gồm các loại đàn guitar, nhị, đàn bầu thu nhỏ để phục vụ khách du lịch và trang trí nội thất.

Bà Hồng cho biết, trước khi có máy khắc cắt laser, DN phải đưa các thanh gỗ nhỏ đi cắt ở bên ngoài với chi phí cắt 1 mặt gỗ là 30.000 đồng, đồng thời phải in logo bằng giấy để dán lên mặt đàn để khách hàng nhận biết đàn Tân Châu. Sau khi đưa máy khắc cắt laser vào vận hành, hiện mỗi giờ cắt trên 500 mặt gỗ và khắc tên nhãn hiệu bằng gỗ để dán lên mặt đàn, vừa tiết kiệm chi phí vừa mang tính thẩm mỹ, góp phần nâng cao giá trị cây đàn.

Theo DN, qua 6 tháng vận hành máy, năng suất không chỉ tăng lên mà DN còn tiết giảm sức lao động, giảm giá thành nên doanh số bán hàng tăng lên đáng kể. Theo tính toán, nhờ máy khắc cắt laser nên mỗi cây đàn tiết giảm được một công thợ chính, tương đương với 300.000đ nên giá thành của đàn cũng được DN giảm tương ứng nhằm cạnh tranh với các thương hiệu đàn đang có mặt ở Huế cũng như tăng doanh số bán hàng ở các tỉnh, thành trong nước, góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của cha ông.

Phó Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Lương Bảy cho rằng, nguồn vốn KC là nguồn vốn “mồi” nhằm khuyến khích, động viên các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư vốn để trang bị máy móc thiết bị hiện đại thay thế các thiết bị lạc hậu, lỗi thời nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Năm 2019, sở tiếp tục khảo sát và hỗ trợ cho các DN, cơ sở làng nghề đầu tư máy móc, đào tạo nghề với mục đích góp phần khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống tại các địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp sức cho hoạt động tín dụng chính sách

Sự nhập cuộc của cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể đã góp phần quan trọng tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn thị xã Hương Thủy.

Tiếp sức cho hoạt động tín dụng chính sách
“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo

Bằng những hoạt động, mô hình cụ thể như hỗ trợ kinh phí học tập, hỗ trợ nhu yếu phẩm hàng tháng, hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế... Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Đông Ba đã đồng hành, “tiếp sức” cho trẻ em, phụ nữ nghèo, đơn thân trên địa bàn phường để họ có thêm động lực, cố gắng, nỗ lực hơn trong cuộc sống.

“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo
Tiếp sức cho hội viên mù, khiếm thị

Không chỉ đẩy mạnh công tác hỗ trợ vay vốn, với hiệu quả từ việc tạo đà cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, Hội Người mù (HNM) huyện Phong Điền đã đồng hành, tiếp sức, từ đó góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho hội viên mù, khiếm thị trên địa bàn.

Tiếp sức cho hội viên mù, khiếm thị
Trao chứng nhận cho 64 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Hội nghị tổng kết và trao chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (SPCNNTTB) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023 diễn ra chiều 27/12, thu hút đông đảo hiệp hội ngành nghề, cơ sở công nghiệp nông thôn, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… trên địa bàn tỉnh tham dự

Trao chứng nhận cho 64 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
“Tiếp sức” cho dàn nhạc Kèn Huế

Trở lại sau 75 năm vắng bóng, dàn nhạc Kèn Huế từng được kỳ vọng sẽ là một điểm sáng về văn hóa và âm nhạc của tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng lại đang đứng trước nguy cơ giải thể.

“Tiếp sức” cho dàn nhạc Kèn Huế
Return to top