ClockThứ Năm, 21/11/2013 06:14

Tiếp sức cho khoa học công nghệ

TTH - Có tiềm lực cũng như thành quả song, Thừa Thiên Huế đang gặp không ít khó khăn để hướng đến trung tâm KHCN của cả nước.

 

Những nút thắt

Tại nhiều cuộc giao ban, hội thảo về ngành KHCN, nhiều ý kiến khẳng định, dù KHCN được đề cao, ngang hàng với giáo dục và y tế nhưng lĩnh vực này xem ra vẫn mờ nhạt, hiệu quả hoạt động chưa cao mà chính những người trong cuộc vẫn chưa hài lòng.
 
Mô hình trồng rau sạch trên dàn theo công nghệ sinh học của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học. Ảnh: MV
 
Đại diện lãnh đạo Sở KHCN cho rằng, nói đến hoạt động KHCN có rất nhiều cái khó, mà khó hơn hết vẫn là nguồn tài chính. Đây là vấn đề tạo ra bức tranh “sáng - tối” của ngành KHCN. Hiện nay, với mức bình quân hàng năm, Nhà nước chi cho ngành KHCN không dưới 2% thu ngân sách, nhưng ở Thừa Thiên Huế vẫn ở mức quá khiêm tốn, chưa đến 0,7% (khoảng trên dưới 30 tỷ đồng) là quá thấp so với yêu cầu thực tế của nhiệm vụ hoạt động ngành. Từ vấn đề tài chính đã kéo theo một chuỗi khó khăn trong ngành như cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho nghiên cứu KHCN lạc hậu so với nhu cầu phát triển công nghệ hiện nay. Những năm gần đây, nhờ mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nhiều điểm trường thành viên của Đại học Huế mạnh dạn kết nối hợp tác với các tổ chức nước ngoài đầu tư các trung tâm, phòng thí nghiệm ứng dụng trong việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tuy nhiên chỉ là con số ít ỏi.
 
Ông Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN - Sở KHCN tỉnh nhận định, nguồn nhân lực KHCN ở Thừa Thiên Huế là không nhỏ, nhưng thử hỏi hiện có bao nhiêu người sống dựa vào NCKH. Ngay ở Đại học Huế - nơi tập trung đội ngũ khoa học lớn, nhưng số đề tài nghiên cứu KHCN bằng ngân sách Nhà nước chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lý giải hạn chế này, ông Tuấn cho rằng, do không có nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, khi thanh quyết toán đề tài, thủ tục giải quyết lại rườm rà, khó khăn, kéo dài. Nhà khoa học muốn NCKH trong giai đoạn hiện nay, thực sự phải nhạy bén trong việc tìm kiếm, hợp tác đối ngoại, quản lý. Mà đã làm khoa học thì chỉ biết sản phẩm khoa học mà thôi.
 
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Linh - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo chuyển giao Công nghệ (Đại học Huế), muốn hoạt động nghiên cứu KHCN tốt phải có cơ chế đặt hàng từ các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp; trong lúc đó ở Thừa Thiên Huế mối quan hệ giữa cung - cầu giữa nhà khoa học - nhà doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Nhiều kết quả nghiên cứu chưa có môi trường triển khai ứng dụng. Sự thiếu gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà khoa học khiến nhiều đề tài khoa học có tính ứng dụng vẫn nằm trong ngăn tủ. “Ở mình, doanh nghiệp mới chỉ nhìn ở tầm ngắn, lo cái trước mắt, còn khoa học tính sau. Ở các nước phát triển, các công ty, doanh nghiệp đều có nhà khoa học dẫn đường. Còn ở Thừa Thiên Huế thì không biết đến lúc nào”- PGS.TS Linh nói.
 
Theo đánh giá chung, đội ngũ cán bộ KHCN còn khuyết và yếu, đặc biệt là cán bộ giỏi về ngoại ngữ, chuyên môn trình độ cao và chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó, việc thiếu cán bộ làm công tác KHCN cấp cơ sở cũng là một trong những nguyên nhân, ảnh hưởng đến hoạt động chuyển giao, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đời sống và sản xuất.
 
Cần những bước đột phá mới
 
Ngày 13/5/2013, UBND tỉnh phê duyệt đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học công nghệ cả nước có thiết chế và cơ sở kỹ thuật trang thiết bị hiện đại đồng bộ, có đội ngũ cán bộ KHCN đủ khả năng tiếp thu làm chủ, phát triển các công nghệ tiên tiến và hiện đại hóa công nghệ truyền thống, có nhiều công trình nghiên cứu giá trị trên các lĩnh vực KHCN; đưa KHCN thực sự trở thành động lực then chốt, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH. Đến năm 2020, có một số lĩnh vực KHCN đạt trình độ tiên tiến hiện đại của cả nước. Đề án có kinh phí thực hiện hơn 17.233 tỷ đồng; trong đó vốn Trung ương hơn 6.826 tỷ đồng; địa phương hơn 3.498 tỷ đồng; số còn lại huy động từ các nguồn khác từ các doanh nghiệp, kêu gọi hợp tác khoa học quốc tế.... Ngoài chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế; cơ chế chính sách, khuyến khích phát triển KHCN sẽ tập trung xây dựng các chương trình, dự án được ưu tiên xây dựng như thành lập Khu công nghệ cao, bảo tàng thiên nhiên Duyên hải Bắc miền Trung; mở rộng các trường, viện, trung tâm KHCN, hỗ trợ xây dựng Bệnh viện TW Huế trở trung tâm y học cao cấp ngang tầm khu vực và quốc tế; hỗ trợ Đại học Huế sau 2015 trở thành Đại học đa ngành, đa lĩnh vực...
Những yếu tố trên chỉ là một trong nhiều hạn chế của hoạt động KHCN ở Thừa Thiên Huế. Những hạn chế này nếu không sớm đưa ra bàn thảo và tháo gỡ một cách quyết liệt e rằng mục tiêu hướng đến trung tâm KHCN ở Thừa Thiên Huế khó đạt được.
 
GS.TS Đặng Đình Đào, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, để Huế trở thành trung tâm KHCN, phải có những đột phá mới về phát triển nhân lực và đầu tư nguồn tài chính cho KHCN. Về nhân lực, cần xây dựng về đội ngũ quản lý đủ năng lực chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ KHCN phù hợp thực tiễn. Trong chính sách đầu tư cho KHCN được thống nhất, phân bổ hợp lý giữa nhiệm vụ đảm bảo hạ tầng (đầu tư phát triển) và nghiên cứu phát triển KHCN. Hơn nữa, phải có chế độ chính sách thông thoáng, thu hút nhân tài gắn bó với công tác nghiên cứu khoa học bằng việc trả lương xứng đáng, điều kiện làm việc thuận lợi để phát huy tài năng và hiệu quả nghiên cứu KHCN.
 
PGS.TS Đỗ Bang - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh thì cho rằng, Thừa thiên Huế là một trong ba thành phố có chất xám lớn nhất của cả nước. Thế nhưng, việc phát huy nguồn nhân lực chưa được nhiều. Thời gian đến, KHCN được xác định là nhiệm vụ then chốt, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Do vậy, để KHCN phát triển xứng tầm, người lãnh đạo phải có tư duy chiến lược, đột phá, mở rộng tầm nhìn, quan hệ hợp tác đối ngoại và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho các tổ chức, đơn vị KHCN hoạt động một cách có hiệu quả.
 
Ông Trần Ngọc Nam - Giám đốc Sở KHCN cho biết, mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KHCN có đạt trình độ khoa học công nghệ hiện đại tiên tiến của cả nước vào năm 2020. Đề án đã đưa ra mục tiêu cụ thể, lộ trình thực hiện, giải pháp đẩy mạnh hoạt động KHCN như tháo gỡ những hạn chế về nguồn lực, cơ sở vật chất, vấn đề đầu tư tài chính, công tác quản lý.... sẽ tạo đột phá phát triển mạnh mẽ lĩnh vực KHCN. Thế nhưng, từ đề án vào thực tế là một con đường dài và con đường đó luôn phải được chăm chút đầu tư nâng cấp, mở rộng, tạo ra niềm vui chung cho những người làm công tác nghiên cứu. Điều đó rất cần sự toàn tâm, toàn lực không chỉ mỗi một cá nhân đơn vị chức năng mà cả lãnh đạo, người dân, cộng đồng xã hội chung tay sớm xây dựng các chính sách thông thoáng, vừa khuyến khích, vừa tạo điều kiện tốt cho hoạt động KHCN Thừa Thiên Huế phát triển nhanh, mạnh theo lộ trình đề ra.
Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso

Ngày 22/3, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học về dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền". Dự án do PGS.TS Nguyễn Văn Toản, giảng viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso
Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

TIN MỚI

Return to top