ClockChủ Nhật, 19/03/2017 12:03

Tìm cơ chế "thoáng" cho kinh tế trang trại

TTH - Từ khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có quy định mới về tiêu chí trang trại (TT), nhiều TT không đáp ứng các điều kiện để được hưởng các chính sách, cơ chế về vốn đã lâm vào cảnh khó khăn.

Khi được tạo cơ chế

Một thời vùng trằm cát các xã Quảng Vinh, Quảng Thái, Quảng Lợi (Quảng Điền) rất hoang sơ, khó có các loại cây trồng, vật nuôi nào có thể sinh trưởng và phát triển. Cách đây chừng 15 năm, tỉnh có chủ trương, chính sách giãn dân, kèm theo đó là hỗ trợ, cấp đất cho người dân định cư sinh sống, phát triển mô hình kinh tế TT. Đến nay “vùng đất khó” này đã phủ xanh những cánh rừng keo, tràm, trở thành vùng kinh tế sôi động với hàng chục mô hình TT chăn nuôi, trồng trọt.

Trồng hoa chất lượng cao - mô hình mới trong phát triển kinh tế trang trại

Anh Ái Hiệp (ở đường Lê Duẩn - TP. Huế) trong một lần tình cờ về vùng cát Quảng Điền tham quan đã bị “hút hồn” bởi vùng đất này. Sau khi bàn bạc với gia đình, anh Hiệp quyết định đầu tư làm kinh tế TT chăn nuôi, trồng trọt. Điều đáng mừng đối với anh Hiệp cũng như các hộ làm TT ở Quảng Điền là được chính quyền địa phương, các ban ngành tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp đất sản xuất. Có đất, có phương án cụ thể, anh Hiệp được ngân hàng cho vay hơn 1 tỷ đồng, cộng với nguồn tự có gần 3 tỷ đồng để đầu tư sản xuất.

Kỹ sư Trần Nguyễn Quốc Thăng, cán bộ phụ trách kinh tế TT thuộc Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền - người gắn bó nhiều năm với kinh tế TT cho rằng, cái được lớn nhất của kinh tế TT lâu nay chính là cơ chế đất đai luôn được các cấp, ngành tạo điều kiện thuận lợi. Đi kèm với cấp đất, tỉnh có chính sách hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Khu quy hoạch TT của vùng cát Quảng Điền được xây dựng đầy đủ các hạng mục đường, điện, nước với tổng kinh phí 41 tỷ đồng.

Cùng với chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước, các địa phương còn có cơ chế riêng để hỗ trợ phát triển kinh tế TT. Tại huyện miền núi Nam Đông, ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân đầu tư mô hình kinh tế TT, UBND huyện có chính sách hỗ trợ cho người dân trong việc vay vốn sản xuất. Đối với hộ người Kinh được hỗ trợ 50% lãi suất, hộ dân tộc ít người được hỗ trợ 100% lãi suất khi vay vốn ngân hàng. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông Phạm Tấn Son cho biết, huyện còn có chính sách tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp liên kết với người dân để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cơ sở chế biến thức ăn... Đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 43 mô hình TT, gia trại chăn nuôi lợn an toàn. "Theo tiêu chí cũ, toàn tỉnh có trên 600 TT các loại. Nhiều mô hình cho thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng trở lên", ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.

Trở lực cần tháo gỡ

Từ khi có quy định tiêu chí mới của Bộ NN&PTNT, phần lớn các chủ TT trên địa bàn tỉnh không đáp ứng yêu cầu về diện tích, thu nhập... đều rơi vào cảnh khó khăn. Nhiều chủ TT không thể tiếp tục vay vốn phát triển sản xuất, khôi phục sau thiên tai, dịch bệnh do TT không đáp ứng các tiêu chí mới. Người dân chủ yếu "tự bơi" trong điều kiện thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế TT thấp, thậm chí thua lỗ. Điển hình như TT anh Ái Hiệp, sau một thời gian đầu tư, giá lợn thấp dẫn đến thua lỗ, doanh thu dưới 1 tỷ đồng khiến TT anh Hiệp không đủ tiêu chí để được cấp chứng nhận TT nên không được vay vốn để tái đầu tư. Nếu được chứng nhận đủ điều kiện mô hình KTTT thì anh Hiệp cũng như các chủ TT khác sẽ được vay 500 triệu đồng trở lên (theo Nghị quyết số 41/2010/NĐ-CP, ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn). Chủ TT Hồ Phước Ngôn ở phường Hương An (TX. Hương Trà) chia sẻ: “Tôi cũng như nhiều chủ TT muốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nhưng không thể vay vốn vì TT không đáp ứng các tiêu chí mới. Chỉ cần được vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, tôi tin rằng các TT sẽ phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng của địa phương”. Khó khăn của anh Hiệp, của ông Ngôn cũng là thực trạng chung của nhiều chủ TT trên địa bàn tỉnh.

Thiếu vốn, kỹ thuật, nhiều trang trại chuyển sang trồng sắn, hoa màu

Theo quy định mới của Bộ NN&PTNT,  toàn tỉnh chỉ có 71 TT đáp ứng các tiêu chí trang trại. Ngoài trở lực liên quan tiêu chí mới của Bộ NN&PTNT, hiện nay, nhiều TT chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Nhiều chủ TT cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với họ là vốn đầu tư phát triển sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. “Các cấp, ban, ngành sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ TT có nhu cầu vay vốn mở rộng quy mô TT, cũng như khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ về kỹ thuật bằng cách tạo điều kiện cho các chủ TT đi tham quan, học tập các mô hình hiệu quả trong và ngoài tỉnh để ứng dụng tại địa phương. Tại các vùng sản xuất tập trung cần có các nhà máy chế biến, thu mua sản phẩm với giá cả ổn định”, ông Đặng Văn Khoa ở phường Hương An kiến nghị. 

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, Bộ NN&PTNT đang đề xuất Chính phủ, trong năm 2017 sẽ ban hành quyết định chính sách khuyến khích mới về hỗ trợ tài chính cho các chủ TT để đầu tư thành lập TT, xây dựng kết cấu hạ tầng, đất đai... Theo đề xuất của bộ, khi thành lập TT, người dân được thuê đất ổn định lâu dài, được hỗ trợ một lần 50% chi phí làm đường giao thông và xây dựng hệ thống điện phục vụ sản xuất với mức hỗ trợ lên đến 2 tỉ đồng/TT. Các chủ TT còn được hỗ trợ 50% chi phí thuê cán bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật sản xuất, tương đương 100 triệu đồng/TT trong hai năm đầu; hỗ trợ 100% phí chứng nhận VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), 50% kinh phí tham dự các hội chợ liên quan...

Riêng các trang trại thủy sản, từ nguồn ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ một lần, với 30% kinh phí xây dựng các hạng mục công trình xử lý nước thải, ao lắng, tương đương 300 triệu đồng. Còn đối với những trang trại thủy sản nuôi trồng ven biển sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí lồng bè. Lý do để Bộ NN&PTNT đưa ra những hỗ trợ là đa phần các chủ TT thiếu vốn, không được đào tạo chuyên môn về quản lý, kỹ thuật; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết tiêu thụ nông sản còn hạn chế.

Quy định tiêu chí mới của Bộ NN&PTNT: TT trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tổng hợp phải có diện tích tối thiểu là 2,1 ha, giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm trở lên; TT chăn nuôi phải có giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên; TT sản xuất lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu là 31 ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng/năm trở lên.

Bài, ảnh: Hoàng TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Tìm giải pháp để sân khấu Việt 'cất cánh'

Nếu như năm 2022, sân khấu Việt có sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ cả về lượng và chất, sang năm 2023, sân khấu Việt lại có phần ảm đạm. Đâu là lý do của tình trạng này và làm thế nào để sân khấu Việt "cất cánh" trong những năm tiếp theo là một “bài toán khó” mà những người yêu sân khấu đang nỗ lực tìm lời giải.

Tìm giải pháp để sân khấu Việt cất cánh
Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ

Tại buổi gặp các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành sớm cơ chế, chính sách cho đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh để động viên, khuyến khích cho những công hiến, tài năng của các nghệ sĩ.

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Return to top