ClockThứ Hai, 08/05/2017 14:00

Tìm đầu ra cho nông sản, phải cải thiện được chất lượng sản phẩm

Thời gian gần đây, câu chuyện giải cứu dưa hấu, giải cứu đàn lợn là những “điệp khúc buồn” trước nguồn cung nhiều mặt hàng nông sản tăng đột biến, thị trường nhập khẩu bất ổn, cung vượt xa cầu, giá cả rơi xuống đáy vực.

Tuy nhiên, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, ngành chăn nuôi vận hành theo cơ chế thị trường. “Trăm người bán, vạn người mua” thì giá bán sẽ do người mua quyết định, nhà nước không thể tác động. 

Khắc phục sản xuất nhỏ lẻ 

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Sâm, chủ cửa hàng thịt lợn tại chợ 8/3, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, thông thường gia đình bà vẫn lấy nguồn thịt lợn từ trang trại tại huyện Thường Tín (Hà Nội) về tiêu thụ. Tại lò mổ, giá thịt lợn hơi chỉ dao động ở mức 18.000-20.000 đồng/kg. 

Tuy nhiên, sau khi giết mổ, thịt lợn được thương lái mang đến chợ, bỏ mối cho một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ với giá trung bình khoảng 70.000 đồng/kg tùy loại. 

Ông Lâm Tuấn Hùng, Giám đốc thu mua thực phẩm tươi sống LOTTE Mart Việt Nam cho biết nhằm chung tay hỗ trợ các cơ sơ sản xuất chăn nuôi và nông dân tiêu thụ thịt lợn, LOTTE Mart đã giảm giá bán với mục đích kích thích cầu tiêu dùng, nhằm tăng sản lượng tiêu thụ thịt lợn tại siêu thị. 

Mấy ngày qua, LOTTE Mart liên tục giảm giá tất cả các sản phẩm với mức giảm từ 10-20% tùy sản phẩm. Chẳng hạn, giá bán thịt đùi tại LOTTE Mart là 69.000 đồng/kg, sườn giá 79.000 đồng/kg, thịt xay 77.000 đồng/kg… Tuy nhiên, do phải nhập hàng qua nhiều khâu trung gian nên giá tại các siêu thị dù đã giảm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với giá ngoài thị trường. 

Thời gian gần đây, câu chuyện giải cứu dưa hấu là những “điệp khúc buồn”. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Lý giải vấn đề này, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhất Nam (Fivimart) cho hay, thịt lợn từ trại nông dân đến thành phẩm bán cho người tiêu dùng qua rất nhiều khâu trung gian (vận chuyển, giết mổ, các loại phí kiểm dịch....) nên giá bán tới tay người tiêu dùng đều tăng lên. Hơn nữa giá thành từ lợn nguyên con để ra thành phẩm cần rất nhiều điều kiện cấu thành. 

Hàng hóa vào siêu thị phải đảm bảo các yêu cầu khắt khe về chất lượng, phẩm chất, quy cách sản phẩm vì vậy, giá thu mua các loại này thường ít biến động và vẫn giữ giá khá tốt. Chưa kể các đơn vị ký hợp đồng tiêu thụ trong một thời gian cố định nên giá cả ít biến động. 

Theo giới phân tích, vấn đề này không chỉ gặp riêng tại Việt Nam mà đã có nhiều nước trên thế giới lâu nay vẫn thực thi nhiều giải pháp bảo hộ nông nghiệp, được xem như những động thái giải cứu. 

Viện Nghiên cứu thương mại Bộ Công Thương cho biết, đơn cử như năm 2016, Mỹ đã đệ đơn kiện tới WTO khi Trung Quốc trợ giá hơn 100 tỷ USD trong năm 2015 cho ngô, lúa gạo, lúa mỳ, cao hơn rất nhiều so với mức trợ giá 20 tỷ USD/năm của nước này. 

Hoặc, chính quyền Trung Quốc lập hẳn một kho dự trữ thịt lợn lớn, đã mua 2 đợt vào năm 2013 (gần 170.000 tấn) và bán ra hàng chục nghìn tấn vào năm 2016 để bình ổn thị trường khi giá vọt lên cao. 

Theo các chuyên gia, nhà quản lý cần phải thoát khỏi tư duy bó buộc bấy lâu về một nền nông nghiệp chạy theo sản lượng, ít quan tâm tới thị trường, giá cả, thương hiệu và giá trị gia tăng khác. 

Chính vì vậy, không ít phương án đã được đưa ra nhưng vẫn chỉ dừng lại ở giải pháp tình thế mà thiếu đi việc quy hoạch nguồn cung, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ để các sản phẩm nông sản Việt được tiêu thụ và phát triển bền vững. 

Từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước lao vào “giải cứu” nông sản từ hỗ trợ nông dân trồng chuối ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh hay giúp bà con nông dân trồng dưa hấu ở Quảng Ngãi… Và mới đây từ Đồng Nai cho tới tận Hà Nội, Hưng Yên cả nước tập trung vào giải cứu thịt lợn cho người chăn nuôi. 

Ông Võ Văn Quyền cho hay, khi phía Trung Quốc thu mua lợn qua tiểu ngạch quá nhiều, bà con ồ ạt tăng đàn dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo. Năm nay, Trung Quốc giảm mua nên dư thừa nguồn cung dẫn đến giá liên tục giảm. Điều này dẫn tới việc từ cá nhân đến doanh nghiệp và các tổ chức, đoàn thể, bộ ngành, thậm chí Chính phủ đều chung tay thực hiện các giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho nông sản. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Nhà nước cần đưa ra các giải pháp lâu dài bởi nếu chỉ tập trung giúp các hộ nuôi nhỏ lẻ tiếp tục nuôi tự phát, không ai kiểm soát sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những trang trại nuôi quy mô công nghiệp, chất lượng VietGAP, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. 

Các cơ quan quản lý kiểm soát quy hoạch vùng nuôi, thông tin thị trường cho vùng nuôi, cân đối cung cầu, kiểm soát được chất lượng thì mới ổn định đầu ra cho ngành chăn nuôi. 

Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm cảnh báo thông tin thị trường kịp thời cho người dân. Đơn cử như khi thị trường Trung Quốc siết cửa biên giới hay nước này dư thừa nguồn cung, có thêm nguồn hàng giá rẻ, chất lượng hơn từ nước khác để thông tin ngay cho các địa phương. 

Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm nông sản, chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Hướng tới tính bền vững 

Trước tình trạng các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn, nhiều giải pháp tình thế đã được các Bộ ngành đưa ra và triển khai vào cuộc sống. Tuy nhiên, để nông sản Việt Nam đi xa hơn và phát triển bền vững hơn, ngành công thương sẽ tiếp tục triển khai Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; trong đó, ưu tiên tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho mặt hàng nông sản. 

Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Cục đã đề xuất hệ thống tham tán thương mại tại các nước trên thế giới kết nối giao thương, cung cấp thông tin thị trường cập nhật cho doanh nghiệp. Không những thế, các đơn vị này còn phối hợp với các tổ chức, hiệp hội xây dựng chiến lược cho từng ngành hàng và nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp. 

Trong lúc chờ đợi sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp và địa phương đã chủ động tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Chẳng hạn như tại Bình Thuận- nơi có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước đang mở rộng tiêu thụ sang thị trường Ấn Độ và Trung Quốc. 

Mới đây, tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các nhà phân phối trong nước nhằm mở rộng kênh tiêu thụ. Hiện tại, Bình Thuận đang tập trung nâng cao năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, thương hiệu thanh long đến người tiêu dùng. 

Còn với Công ty CP Chè Cờ Đỏ Mộc Châu (Sơn La) thời gian gần đây, giá đơn hàng xuất khẩu ngày một giảm trong khi chi phí cho sản xuất lớn. Vì vậy, doanh nghiệp phải đầu tư 100% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời thành lập tổ phun thuốc tập trung để quản lý chất lượng nên chi phí cao. Do đó, thay vì tập trung cho xuất khẩu, công ty dần chuyển hướng về phát triển thị trường nội địa. 

Tuy nhiên, ngoài việc khắc phục tình trạng chất lượng nông sản, để sản phẩm chắc chân tại các hệ thống phân phối, công ty đã đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại, hướng đến công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. 

Ông Trần Thành Nam, nguyên Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, Satra đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, cũng như liên kết với người nuôi, trồng để đầu tư vùng nguyên liệu. Đây không chỉ là giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm bảo đảm nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. 

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, do việc kết nối giữa cung và cầu đang có độ vênh đã tạo ra nghịch lý đầu ra của thực phẩm, nông sản sạch hiện nay. Vì thế, việc kết nối kênh phân phối sản phẩm nông nghiệp sạch là cấp thiết trong lúc này. 

Hiện tại, thành phố đang triển khai chương trình kết nối cung cầu với các tỉnh nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP để thúc đẩy xuất khẩu, tìm kiếm thị trường cho mặt hàng nông sản. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tới đây Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra các giải pháp toàn diện, cụ thể và thiết thực. 

Trong đó, quan trọng nhất là phải tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường ký các hiệp định liên quan đến kiểm dịch, thú y để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Nâng chất lượng đầu ra để tăng tỷ lệ có việc làm

Tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường của sinh viên chính là “thước đo” quan trọng nhất để khẳng định chất lượng đào tạo. Đây cũng là yếu tố quyết định thu hút người học của các cơ sở đào tạo đại học.

Nâng chất lượng đầu ra để tăng tỷ lệ có việc làm
Nâng chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án

Ngày 5/4, tại TP. Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức hội nghị Chánh án TAND 3 cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tham dự có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Phạm Quốc Hưng cùng hơn 200 đại biểu.

Nâng chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án
Nâng chất lượng huấn luyện dân quân tự vệ

Những ngày qua, mặc cho thời tiết nắng nóng, các chiến sĩ dân quân tự vệ (DQTV) năm thứ nhất của huyện Phú Vang vẫn hăng say luyện tập “vượt nắng, thắng mưa”, nỗ lực nắm chắc nội dung từng bài giảng, nâng cao chất lượng thực hành về kỹ thuật, chiến thuật, yếu lĩnh động tác…

Nâng chất lượng huấn luyện dân quân tự vệ

TIN MỚI

Return to top