ClockThứ Bảy, 10/08/2019 19:14

Tìm được “tiếng nói chung” giữa người dân Phong Xuân và Công ty Đồng Lâm

TTH.VN - Sau buổi làm việc giữa chính quyền huyện Phong Điền cùng các bên liên quan sáng 10/8, khúc mắc giữa người dân thôn Xuân Lộc và Xuân Điền Lộc (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) với Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm (Công ty Đồng Lâm) cơ bản được giải quyết ổn thỏa.

Chờ phương án, chủ trương di dời, tái định cư ở Phong XuânXi măng Đồng Lâm đồng hành cùng Phong Xuân

Ruộng lúa sắp đến kỳ thu hoạch bị ảnh hưởng do địa điểm nổ mìn khai thác đá quá gần

Phản ứng vì nổ mìn sát đất sản xuất

Tại cánh đồng Mõm Lang 5 ngày qua, nhiều hộ dân của 2 thôn Xuân Lộc và Xuân Điền Lộc bỏ việc đồng áng, lập lán trại dưới chân đê bao – địa điểm tiếp giáp khu vực nổ mìn và ruộng lúa, hoa màu để cản trở việc nổ mìn khai thác đá của Công ty Tân Việt Bắc – đơn vị được Công ty Đồng Lâm thuê khai thác mỏ đá vôi Đồng Lâm.

Ông Trần Văn Khánh (thôn Xuân Điền Lộc) cho biết: “Gia đình tôi có 14 sào lúa, cách mỏ đá vôi Đồng Lâm khoảng 100 đến 150m. Ngoài ảnh hưởng thời tiết, việc nổ mìn khai thác đá quá gần với đất sản xuất dẫn đến sụt đất, mất nguồn nước và năng suất lúa chỉ còn trên dưới 1tạ/sào thay vì 2,5-3 tạ/sào như trước đây”.

Qua thống kê, tổng diện tích bị ảnh hưởng do mất nước, sụt lún, đá văng, khói bụi tại thôn Xuân Lộc và Xuân Điền Lộc (xã Phong Xuân) nằm cách đê bao mỏ đá vôi xi măng Đồng Lâm từ 100 đến 300m là 25,82ha đất sản xuất lúa 2 vụ.

Vụ đông xuân 2018 - 2019, chính quyền các cấp đã vận động 49 hộ dân chuyển đổi diện tích hơn 6ha sang trồng lạc, ngô và hỗ trợ 100% giống, vật tư, phân bón và công lao động 300.000 đồng/sào.

Đối với diện tích không chuyển đổi, Công ty Đồng Lâm hỗ trợ kinh phí để hợp đồng vệ nông điều tiết nước với mức 250.000 đồng/ngày, đồng thời hỗ trợ một phần hao hụt phân bón với mức 100.000 đồng/sào.

Đến vụ hè thu năm 2019, các hộ dân tiếp tục làm đất, gieo trồng các loại đậu, đỗ trên số diện tích đã chuyển đổi và gieo sạ lúa vụ hè thu trên diện tích không chuyển đổi.

“Trước đó, chúng tôi từng có ý kiến với đại diện Công ty Tân Việt Bắc và Công ty Đồng Lâm di chuyển địa điểm nổ mìn lùi xa đê bao một chút để mùa vụ sắp thu hoạch của bà con không bị ảnh hưởng cả về an toàn. Thu hoạch xong, công ty cứ tiến hành công việc nhưng họ không quan tâm”, ông Thái Văn Tăng chia sẻ.

Tìm được “tiếng nói chung”

Đại diện chính quyền địa phương cùng người dân bàn bạc để tìm ra phương án tốt nhất  

Tiếp nhận phản ánh của người dân 2 thôn Xuân Lộc và Xuân Điền Lộc (xã Phong Xuân), ngày 10/8, lãnh đạo huyện Phong Điền và các ban, ngành hữu quan có buổi làm việc với đại diện Công ty Đồng Lâm về vấn đề này.

“Chính quyền huyện đã đề nghị 2 công ty này nhanh chóng hỗ trợ thỏa đáng cũng như có phương án nổ mìn không làm ảnh hưởng đến đất sản xuất của bà con. Thứ 3 tới (13/8), chúng tôi sẽ chọn phương án tốt nhất để làm sao đảm bảo an toàn và quyền lợi cho bà con, cũng như nghiêm cấm nổ mìn trong thời điểm gió mạnh dễ tạt khói bụi vào nhà dân, gây ảnh hưởng môi trường”, ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy Phong Điền, khẳng định.

Trưa cùng ngày, đại diện Công an huyện Phong Điền, chính quyền xã Phong Xuân, Công ty Đồng Lâm và Công ty Tân Việt Bắc đã đến khu vực người dân lập lán trại để thống nhất phương án hỗ trợ và chuyển địa điểm nổ mìn. 

Sau khi bàn bạc, tất cả đi đến thống nhất Công ty Tân Việt Bắc hỗ trợ 18 triệu đồng để người dân phục vụ sản xuất. Sau khi xử lý máng mìn sát đê bao số 1 đã cài trước đó, Công ty Tân Việt Bắc phải chuyển hướng khai thác để không làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc, thu hoạch lúa và hoa màu của người dân.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng, Công ty Đồng Lâm và Công ty Tân Việt Bắc phải cắm mốc an toàn quanh khu vực mỏ chậm nhất đến ngày 20/8. Sau khi thu hoạch xong mùa vụ, chính quyền xã Phong Xuân và 2 công ty này tổ chức họp dân để tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến việc sản xuất lúa và hoa màu của người dân nơi đây.

Trước đó, sau nhiều lần kiến nghị việc Công ty Tân Việt Bắc nổ mìn sát khu vực sản xuất của người dân trong thời điểm lúa chuẩn bị bước vào kỳ thu hoạch nhưng mọi việc chưa được giải quyết, ngày 6/8, hàng chục người dân 2 thôn Xuân Lộc và Xuân Điền Lộc có ruộng bị ảnh hưởng trực tiếp trong quá trình nổ mìn khai thác đá đã đến chân đê bao – địa điểm tiếp giáp khu vực nổ mìn và ruộng lúa, hoa màu – lập lán trại, ngăn không cho Công ty Tân Việt Bắc  nổ mìn.

Bài, ảnh: Nhân Hải

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày 6/4, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam do ông Nguyễn Tiến Cường, Quyền Trưởng Ban Kinh tế-Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với HND huyện Phong Điền và kiểm tra một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

TIN MỚI

Return to top