ClockThứ Hai, 22/01/2018 20:31

Tìm nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du

TTH.VN - Nhiều năm nay, một số nhà nghiên cứu đã chú tâm tìm kiếm nơi an táng đại thi hào Nguyễn Du ở Huế. Ngày 22/1, UBND TP. Huế tổ chức buổi tọa đàm xác định địa điểm nguyên táng của nhà thơ, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử.

Nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn DuNguyễn Du và xứ HuếĐại thi hào Nguyễn Du trong tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang

Nghi vấn ở Bàu Đá

Sáng 22/1, nhà báo Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh - người đã nhiều năm tìm kiếm nơi nguyên táng Nguyễn Du cùng các nhà nghiên cứu tham gia buổi tọa đàm đã đi khảo sát thực địa tại Bàu Đá, tổ 2, phường Kim Long, TP. Huế - nơi được cho là từng an táng cụ Nguyễn Du.  

Mô đất ở Bàu Đá - nơi được nhà báo Dương Phước Thu cho là từng an táng đại thi hào Nguyễn Du

Từ đường Lý Nam Đế, rẽ vào con đường bê tông nơi có nhà thờ của dòng họ Mai Bá ở Kim Long chừng 300m là đến cánh đồng Bàu Đá. Nhà báo Dương Phước Thu cho hay: “Từ lời dặn của tổ tiên, dòng họ Mai Bá - Mai Khắc ở Kim Long đã giữ gìn gò đất nơi nguyên táng Nguyễn Du nên nó vẫn còn nguyên sau bao biến thiên của lịch sử. Họ Mai Bá vào định cư ở vùng đất Kim Long từ thời vua Lê Hy Tông (1663 - 1716), đến đời thứ 6 thì đổi thành Mai Khắc (bắt đầu từ cụ Mai Khắc Đôn, thầy dạy và là nhạc phụ của vua Duy Tân). Dòng họ Mai Bá - Mai Khắc ở Kim Long nhiều đời là gia đình quyền thế”.

Ngày 10/8 năm Canh Thìn (nhằm ngày 16/9/1820), Nguyễn Du ốm nặng rồi mất. Theo ghi chép của gia tộc cụ Nguyễn Du ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nơi an táng cụ đầu tiên là tại cánh đồng Bàu Đá, An Ninh, huyện Quảng Điền. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của nhà báo Dương Phước Thu, cánh đồng Bàu Đá thuộc làng Kim Long, tổng Kim Long, huyện Hương Trà.

Nhà báo Dương Phước Thu đã đi tìm nơi nguyên táng cụ Nguyễn Du cách đây nhiều năm

Ông Thu phân tích: “Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền ghi Bàu Đá ở huyện Quảng Điền là chép nhầm. Cánh đồng Bàu Đá từ xưa đến nay đều thuộc đất Hậu Thôn, làng Kim Long, huyện Hương Trà. Theo các công trình chính sử cũng như tài liệu dân gian hiện có (như gia phả và các tài liệu Hán Nôm liên quan của họ Mai Khắc ở Hậu Thôn) thì từ buổi người Việt vào Thuận Hóa định cư đến nay, vùng này duy nhất chỉ có một địa danh mang tên Bàu Đá (Thạch Bàu) thuộc xóm Hậu Thôn hay còn gọi là Bàu Thôn (thi thoảng trong các giấy tờ cũng có ghi xứ Hậu Thôn)”.

Trên cơ sở này, nhà báo Dương Phước Thu đã khảo sát thực địa, nghiên cứu các nguồn tư liệu, đặc biệt là tư liệu của gia đình họ Mai Khắc và công việc giữ gìn nơi nguyên táng cụ Nguyễn Du tại cánh đồng Bàu Đá (Thạch Bàu) từ các thế hệ con cháu của cụ Mai Khắc Đôn, định cư tại Hậu Thôn từ 1680 đến nay. Ông đi đến kết luận: Nơi nguyên táng cụ Nguyễn Du từ tháng 9/1820 đến khoảng giữa năm 1824, được xác định tại địa điểm Bàu Đá, tổ 2, phường Kim Long, TP. Huế. Nơi cụ Nguyễn Du nằm: Đầu gối Đông Bắc, chân đạp Tây Nam. Đứng ở cánh đồng Bàu Đá, nơi nguyên táng Nguyễn Du nhìn ngang bên phải là điểm cuối của làng Vạn Xuân (nơi Nguyễn Du từng sống nhiều năm), bên trái là điểm đầu của làng An Ninh Hạ, trước mặt hiện ra nghĩa địa Cồn Môn, sau lưng là xóm Hậu Thôn”.

Các nhà nghiên cứu, đại biểu tham gia buổi thực địa thắp hương tại cánh đồng Bàu Đá

Theo lời kể của nhà báo Dương Phước Thu, từ lời tương truyền của người đời trước, con cháu họ Mai và bà con ở Hậu Thôn vẫn truyền nhau bảo vệ chỗ nguyên táng cụ Du Đức hầu (tước của Nguyễn Du), không cho ai được chôn cất vào đó hay phá đi để cấy trồng. Và người dân nơi đây vẫn coi đó là nơi linh thiêng, không ai dám xâm phạm. Ông Mai Khắc Chính, chắt nội của cụ Mai Khắc Đôn, cho hay: “Một lần, cha tôi chỉ gò đất ở Bàu Đá nói rằng, đó là nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du. Từ đó tôi luôn tâm nguyện giữ gìn khu đất này, không để ai xâm phạm. Những điều tôi biết đều do ông bà, cha mẹ nói lại”.

Cần mở rộng nghiên cứu

Các nhà nghiên cứu đều thống nhất, việc tìm kiếm nơi từng an táng đại thi hào Nguyễn Du tại Huế là việc làm quan trọng, tuy nhiên, những cứ liệu khoa học ấy là chưa đủ. Các nhà nghiên cứu đề xuất các cơ quan, cá nhân liên quan cần tiếp tục nghiên cứu thêm những cứ liệu lịch sử có trong địa bạ thời Gia Long để xác định địa danh Bàu Đá, nghiên cứu gia phả dòng họ cụ Nguyễn Du, tìm kiếm các chi tiết trong “Đại Nam thực lục” thời vua Gia Long viết về những việc vua làm có liên quan đến cụ Nguyễn Du, những tư liệu trong dân gian cũng như tổ chức thám sát, khảo cổ học... để có thể khẳng định chắc chắn đó là nơi từng an táng cụ Nguyễn Du. Việc thành lập nhóm nghiên cứu đi tìm nơi nguyên táng cụ Nguyễn Du cũng được các nhà nghiên cứu đặt ra.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho rằng: “Tìm lại nơi từng an táng cụ Nguyễn Du là điều quan trọng, tuy nhiên, cần thận trọng trong việc nghiên cứu. Những cứ liệu trên cho thấy, có khả năng Bàu Đá là nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du. Nhưng muốn chứng minh tính chính xác cần sưu tầm địa bạ làng An Ninh thượng và An Ninh hạ ở huyện Hương Trà để xác định địa danh Bàu Đá”.  

Các nhà nghiên cứu tham gia buổi tọa đàm đều thống nhất cần mở rộng nghiên cứu để tìm nơi từng chôn cất cụ Nguyễn Du tại Huế

Theo PGS. TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, đỉnh cao sự nghiệp của Nguyễn Du cả về văn học, chính trị, giáo dục đều ở Huế. Mô đất, những viên đá ở Bàu Đá có khả năng là đá mộ táng cũ nhưng có phải là nơi chôn cất Nguyễn Du hay không thì phải nghiên cứu thêm gia phả, địa bạ, trích lục, sau đó làm hồ sơ thám sát, khảo cổ học.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đề xuất: “Nguyễn Du có 7 năm làm việc ở Huế. Việc mở rộng nghiên cứu tìm kiếm những dấu tích liên quan đến nơi ở, nơi làm việc, nguyên táng của ông tại Huế là việc làm cần thiết. Cần nghiên cứu kỹ, xây dựng bộ hồ sơ khoa học về Nguyễn Du. Chưa nên khẳng định khi chưa có bộ hồ sơ chi tiết đủ sức thuyết phục. Việc nghiên cứu về Nguyễn Du cần có sự kết nối với gia tộc, di tích của ông ở Hà Tĩnh”.

Kết luận tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế cho rằng, buổi tọa đàm là cơ sở đầu tiên để tiến hành những bước nghiên cứu tiếp theo. Trong đó, cần tổ chức hội thảo khoa học với sự tham gia của các nhà nghiên cứu về Nguyễn Du ở Việt Nam và nước ngoài để có thêm những cứ liệu lịch sử, tổ chức thám sát, khảo cổ học, xác định chắc chắn nơi nguyên táng mới tiến hành lập hồ sơ khoa học. Trước mắt, phường Kim Long cần giữ gìn, bảo vệ khu đất đang còn nghi vấn ấy.

Bài, ảnh: Minh Hiền

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Return to top